Không cho phép lập Quỹ bình ổn giá điện

Trong thông báo chỉ đạo của Chính phủ phát đi hôm 9/6, Chính phủ nêu rõ: “Không thành lập Quỹ bình ổn giá điện”. Trong khi đây là đề xuất được Bộ Công Thương kiên trì nêu trong nhiều nghị định và dự thảo nghị định về giá bán lẻ điện.
Các nhà máy điện vẫn sẽ bán điện cho EVN để EVN bán tiếp cho người tiêu dùng nhưng không được trích tiền từ giá bán lẻ điện để thành lập Quỹ hình ổn giá điện như đề xuât của Bộ Công Thương. Ảnh:TL
Các nhà máy điện vẫn sẽ bán điện cho EVN để EVN bán tiếp cho người tiêu dùng nhưng không được trích tiền từ giá bán lẻ điện để thành lập Quỹ hình ổn giá điện như đề xuât của Bộ Công Thương. Ảnh:TL

Tại thông báo này, Chính phủ nêu rõ các biện pháp cần làm để góp phần bình ổn thị trường, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm 2016. Trong đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cường thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, giữ ổn định giá bán lẻ điện năng trong năm 2016.

Đặc biệt, Chính phủ nêu rõ không thành lập Quỹ bình ổn giá điện theo đề xuất của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, cần chủ động xây dựng phương án điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường với lộ trình phù hợp.

Việc thành lập Quỹ bình ổn giá điện đã có trong Nghị định 69/2013/TTg quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Quỹ này được quy định là có cơ chế hình thành và hoạt động tương tự như Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo đó, trong mỗi kWh giờ điện bán ra sẽ trích lại một mức tiền nhất định để khi các yếu tố đầu vào hình thành giá biến động làm cho giá bán điện bình quân thấp hơn so với giá thành và chi phí sản xuất kinh doanh điện chưa được tính hết vào giá bán lẻ điện thì sẽ trích quỹ để bù vào.

Tuy Nghị định 69 đã quy định như thế nhưng ba năm nay, Quỹ bình ổn giá điện không được đề cập đến và chưa hình thành được vì rút kinh nghiệm từ việc thành lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, cơ chế hoạt động của quỹ và vấn đề công khai, minh bạch liên quan đến việc sử dụng quỹ luôn là vấn đề mà dư luận quan tâm hàng đầu và dường như các cơ quan quản lý còn “vênh” nhau về việc sử dụng quỹ, cho dù Quỹ bình ổn giá xăng dầu thường xuyên công bố số dư tồn quỹ.

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 69 được Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) soạn thảo và trình ra hồi cuối năm 2015, Quỹ bình ổn giá điện lại tiếp tục được đưa vào nội dung soạn thảo. Tuy nhiên, với thông báo của Chính phủ, việc thành lập quỹ kiểu này coi như không thể thực hiện được. Hay nói khác đi, người tiêu dùng điện sẽ không bị EVN “tạm ứng” tiền điện và sử dụng để bù đắp chi phí đầu vào sản xuất kinh doanh vốn chưa minh bạch như hiện nay.

Theo TBKTSG