Khối nợ xấu nghìn tỷ trong “hệ sinh thái” của đại gia Cao Minh Sơn

VietTimes – Nhiều thành viên trong “hệ sinh thái” Sông Châu Corp của ông Cao Minh Sơn bị nhà băng rao bán nợ xấu. Cá biệt có những khoản nợ lên đến gần nghìn tỷ đồng.
Trụ sở chính của CTCP Dệt may Đông Á (Ảnh: P.D)

Đó là khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm của CTCP Dệt may Đông Á (Dagatex) phát sinh tại Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) chuẩn bị được đem bán đấu giá vào ngày 22/6 tới.

Theo đó, khoản nợ xấu phát sinh theo hợp đồng tín dụng số 0070/2012/HĐTD-OCEANBAN03 ngày 29/09/2012, sẽ được rao bán với mức giá khởi điểm lên tới 998,8 tỷ đồng.

Được biết, Dagatex đã sử dụng 4 tài sản để bảo đảm cho khoản nợ nêu trên, bao gồm:

(1) 3,6 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư Phúc Thịnh (Phúc Thịnh) do Dagatex nắm giữ;

(2) Quyền đầu tư toàn bộ dự án Đầu tư xây dựng khu thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở cao tầng và tài sản hình thành trên đất tại địa điểm số 185 -189 Âu Cơ, phường 14, quận 11, TPHCM (Dự án 185-189 Âu Cơ);

(3) Quyền sử dụng đất thuê 50.000m2 và tài sản gắn liền trên đất tại Khu công nghiệp Dệt may Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với thời hạn thuê đến 12/9/2053, mục đích thuê là xây dựng nhà máy sản suất theo giấy phép (dệt may);

(4) Quyền sử dụng đất nông nghiệp (tổng diện tích 78.430m2) tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi bao gồm 07 GCN QSĐ đất đứng tên 07 hộ nông dân và các biên bản giao nhận tiền, biên bản kiểm kê thiệt hại, biên bản hiệp thương đền bù”.

Cả Phúc Thịnh và Dagatex đều là những thành viên trong “hệ sinh thái” Sông Châu Corp của vị đại gia kín tiếng Cao Minh Sơn (SN 1961).

Cập nhật đến ngày 22/4/2016, ông Cao Minh Sơn sở hữu 415.000 cổ phần của Dagatex. Trong khi đó, một thành viên khác cùng nhóm là Công ty TNHH Phát triển Việt Hiền (Việt Hiền) sở hữu hơn hơn 4,5 triệu cổ phần. Còn 217.700 cổ phần Dagatex do ông Trần Văn Vinh sở hữu.

Khối nợ xấu của các thành viên liên quan đến “hệ sinh thái” của ông Cao Minh Sơn phát sinh tại OceanBank chưa dừng lại ở đó. Hầu hết các khoản vay phát sinh từ những hợp đồng tín dụng được ký kết từ thời đại gia Hà Văn Thắm, góp phần thúc đẩy quá trình thâu tóm quỹ đất công sản đáng nể của nhóm doanh nghiệp liên quan đến ông Cao Minh Sơn.

Theo tìm hiểu của VietTimes, công ty Việt Hiền cũng phát sinh nợ xấu tại OceanBank. Khoản nợ được ngân hàng OceanBank rao bán tới 4 lần, hiện có mức giá khởi điểm hơn 191,16 tỷ đồng.

Việt Hiền cùng CTCP Sông Châu (Sông Châu Corp) góp vốn đầu tư dự án Khu đô thị Sông Châu tại thửa đất số 552, tờ bản đồ số 5, thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Cập nhật tới tháng 7/2016, Sông Châu Corp có quy mô vốn 30 tỷ đồng do ông Cao Minh Sơn làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.

Cuối tháng 5/2020, OceanBank còn rao bán khoản nợ xấu của Công ty TNHH ĐT TM XNK Tùng Lâm (Tùng Lâm) theo hợp đồng tín dụng được ký kết từ năm 2014 với mức giá khởi điểm là hơn 352,93 tỷ đồng. Tùng Lâm được thành lập từ tháng 12/2011, hiện 30% vốn của doanh nghiệp này do bà Cao Thủy Tiên (SN 1991) - con gái của ông Cao Minh Sơn - nắm giữ.

Đáng chú ý, để bảo đảm cho khoản vay, Tùng Lâm đã sử dụng quyền phát triển, khai thác dự án và tài sản hình thành tương lai tại dự án 160 Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội.

Thêm nữa, Tùng Lâm còn sử dụng 80% cổ phần của CTCP Đầu tư Xây dựng và Du lịch Lạc Hồng (Lạc Hồng) thuộc sở hữu của ông Cao Minh Sơn và CTCP Sản xuất Nhật Minh (Nhật Minh) để làm tài sản đảm bảo bổ sung cho khoản vay này.

Người đại diện theo pháp luật của Lạc Hồng là ông Cao Minh Phương (SN 1976). Ông Phương đảm nhiệm vị trí kế toán trưởng của CTCP Đầu tư Tài chính Đất Việt (Đất Việt) và còn đứng tên tại CTCP Đầu tư và Thương mại xây dựng Long Sơn (Long Sơn).

Ngày 11/6/2014, Long Sơn đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư và Xây dựng Bảo Minh và DNTN Hà Bảo (doanh nghiệp có nhiều mối liên hệ với ông Hà Văn Thắm, nắm giữ lượng lớn cổ phần của CTCP Tập đoàn Đại Dương) hợp tác thực hiện dự án Xây dựng trung tâm thương mại và Dịch vụ Cống Vị (Hà Nội)

Dự án vốn được biết đến do CTCP Đông Đô làm chủ đầu tư, được khởi công từ năm 1999 nhưng trải qua nhiều thập kỷ vẫn nằm “đắp chiếu”, chưa hoàn thiện.

Như vậy, chỉ riêng 3 cái tên Dagatex, Việt Hiền và Tùng Lâm đã phát sinh tới 1.542,89 tỷ đồng nợ xấu tại OceanBank, mà đó mới chỉ là giá khởi điểm và chưa tính đến các doanh nghiệp khác cùng nhóm chưa bị “lộ”.

Khối nợ xấu nghìn tỷ mà OceanBank rao bán nửa đầu năm 2020 là minh chứng rõ nét cho thấy “hệ sinh thái” của ông Cao Minh Sơn đang gặp khó khăn về dòng tiền, mà những dấu hiệu đã manh nha xuất hiện từ trước đó nhiều năm.

Năm 2017, Đất Việt cũng bị BIDV siết nợ. Cụ thể, nhà băng này đã rao bán toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đối với thửa đất số 87, TBĐ số 55 tại địa chỉ số 151/20, 150/12, 151/6 Khu phố 2, Phường Phú Thuận, Quận 7, Tp.HCM do Đất Việt sở hữu với giá 56,5 tỷ đồng.

Đất Việt đóng vai trò quan trọng trong nhiều thương vụ thâu tóm “đất vàng” từ doanh nghiệp “họ” nhà nước của ông Cao Minh Sơn. Pháp nhân này cùng Việt Hiền, Nhật Minh là các đối tác tư nhân tham gia tích cực vào “cuộc chơi” địa ốc của CTCP Dược phẩm Trung ương 2 (Mã CK: DP2).

Ngoài ra, Đất Việt còn có mối hợp tác phát triển một số dự án bất động sản của Tổng Công ty Dược Việt Nam (Mã CK: DVN) và CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (Mã CK: STT).

Song, kể từ tháng 6/2014, Đất Việt đã không thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến khu đất tại số 99C Phổ Quang (TP. HCM) theo hợp đồng đã ký kết, tạo gánh nặng tài chính ngày càng lớn cho STT./.