|
Khối nợ xấu 2.200 tỉ đồng của chủ Bệnh viện Phúc An Khang |
Theo tìm hiểu của VietTimes, Phúc An Khang là bệnh viện chuyên về đột quỵ được chuyển đổi công năng từ 5 block chung cư của dự án Thái Bình Plaza, toạ lạc tại số 800 Đồng Văn Cống, phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2, Tp. HCM.
Bệnh viện này có quy mô 500 giường, với tổng vốn đầu tư 2.500 tỉ đồng. Trong đó, có 2.000 tỉ đồng là vốn xây 5 block chung cư, 300 tỉ đồng là phí chuyển đổi công năng, 200 tỉ đồng là chi phí đầu tư bệnh viện.
Thái Bình Plaza do Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương làm chủ đầu tư, vốn là dự án chung cư cao cấp, diện tích 14.000 m2, bao gồm 5 block chung cư. Mỗi block cao 20 tầng gồm 360 căn hộ có diện tích từ 120 – 180m2.
Dự án được hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2010 nhưng việc bán hàng không khả quan. Chủ đầu tư đã xin chuyển đổi công năng dự án thành bệnh viện đa khoa. Tuy vậy, quá trình điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi công năng và đầu tư cơ sở hạ tầng để bệnh viện đi vào hoạt động cũng kéo dài khoảng 5 năm.
Để quản lý và vận hành cơ sở y tế này, CTCP Bệnh viện quốc tế Phúc An Khang ra đời vào cuối tháng 6/2013. Công ty này được sáng lập bởi 8 cổ đông, bao gồm: Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương (16,67% VĐL); cùng các cá nhân Diệp Văn Phát (25% VĐL), Diệp Thị Kim Mai (8,33% VĐL), Diệp Hữu Tinh (8,33% VĐL), Diệp Thị Kim Xuân (8,33% VĐL), Diệp Vĩnh Sanh (8,33% VĐL), Mai Tiến Dũng (8,33% VĐL) và Lê Thị Mỹ (16,67% VĐL). Hiện, công ty này có vốn điều lệ 60 tỉ đồng, do ông Diệp Văn Phát (SN 1946) làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
|
Bệnh viện quốc tế Phúc An Khang hoạt động khoảng 2 năm, trước khi đóng cửa từ ngày 28/4/2017. Chia sẻ với truyền thông trong nước khi ấy, ông Diệp Văn Phát cho biết bệnh viện hoạt động không hiệu quả, liên tục phải bù lỗ, không đủ trả nợ vay.
Riêng trong năm 2017, theo dữ liệu của VietTimes, CTCP Bệnh viện quốc tế Phúc An Khang báo lỗ lên tới 29,9 tỉ đồng. Kể cả sau khi đã đóng cửa, các năm 2018 và 2019, công ty này vẫn báo lỗ vài tỉ đồng. Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô vốn chủ sở hữu của Phúc An Khang ở mức âm 85,3 tỉ đồng.
Bệnh viện Phúc An Khang đóng cửa càng khiến áp lực trả nợ vay đè nặng lên chủ đầu tư Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương.
Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương lớn cỡ nào?
Theo tìm hiểu của VietTimes, Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương thành lập từ tháng 10/1999, giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Diệp Thị Kim Mai.
Nữ doanh nhân sinh năm 1972 cũng là cổ đông sáng lập CTCP Bệnh viện quốc tế Phúc An Khang, đồng thời còn đứng tên tại Công ty TNHH Lương Thực và nông sản xuất khẩu Thái Bình Dương, loạt khách sạn Thái Bình 1,2,4 của Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh nhà và khách sạn Thái Bình.
|
Trong giai đoạn 2017 – 2019, doanh thu và lợi nhuận của Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương (công ty mẹ) có nhiều biến động. Đỉnh điểm là năm 2018, công ty này ghi nhận doanh thu đạt 193,9 tỉ đồng, báo lãi 16,3 tỉ đồng. Bước sang năm 2019, doanh thu của công ty chỉ còn 11,1 tỉ đồng, báo lãi ròng 1,7 tỉ ođòng.
Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương đạt mức 3.731,6 tỉ đồng, cao gấp 2,2 lần quy mô vốn chủ sở hữu. Doanh nghiệp này còn có 2 công ty con là CTCP Bất động sản đá Bình Dương và CTCP Bất động sản đá xây dựng Bình Dương. Trong đó, CTCP Bất động sản đá Bình Dương đã giải thể với lý do kinh doanh không hiệu quả.
Bà Diệp Thị Kim Mai, ông Diệp Văn Phát cùng một số cổ đông họ Diệp khác cũng tham gia góp vốn sáng lập nhiều pháp nhân, kể như Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh nhà và khách sạn Thái Bình hay Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Thái Bình.
Trong đó, Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Thái Bình có nhiều dầu hiệu cho thấy đã đổi chủ, thuộc về tập đoàn địa ốc danh tiếng tại Tp. HCM.
Trở lại với Thái Bình Plaza, năm 2018, Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng xin ý kiến về việc hướng dẫn chuyển nhượng dự án bất động sản và chuyển nhượng cổ phần tại dự án này cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận. Trong khi đó, khoản nợ vay phát triển dự án nhiều khả năng đã trở thành nợ xấu.
Công ty Quản lý tài sản (VAMC) mới đây đã phát đi thông báo tìm kiếm đơn vị thẩm định giá có kinh nghiệm và năng lực để thẩm định giá cho khoản nợ 2.275 tỉ đồng (dư nợ gốc 1.129,4 tỉ đồng; lãi, phí là 1.145,8 tỉ đồng).
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ trên là chung cư Thái Bình Plaza; Lô 7 hệ thống trang thiết bị y tế nhập khẩn năm 2014; 5 quyền sử dụng đất 590 m2 tại Phường Thạnh Mỹ Lợi (Tp. HCM); và một loạt các bất động sản tại Tp. HCM như số 85 Quang Trung, số 133 – 135 đường Calmette, 204A Nguyễn Trái, 477 An Dương Vương, số 22 Ngô Quyền./.