Kết thúc tháng 11/2022, chỉ số VN-Index tăng 20,48 điểm (+1,99%), đóng cửa ở mức 1.048,42 điểm. Thanh khoản thị trường tăng 5,3% so với tháng trước, nhưng giảm 11,8% so với trung bình 5 tháng và giảm 40,6% so với trung bình 20 tháng.
Theo FiinTrade, dòng tiền tiếp tục xu hướng tăng vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (VN30), giảm ở nhóm vốn hóa vừa (VNMID) và nhỏ (VNSML).
Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, tài nguyên cơ bản; trong khi giảm ở nhóm xây dựng và vật liệu, hóa chất, dầu khí.
Về cung cầu thị trường, nhà đầu tư cá nhân trong nước và bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán là bên bán ròng. Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức trong nước chuyển mua ròng mạnh.
Cụ thể, trong tháng 11/2022, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tổng cộng 16.913 tỉ đồng trên cả ba sàn HOSE, HNX và UPCoM. Trong đó, họ mua ròng 15.977 tỉ đồng trên HOSE, mua ròng 780,3 tỉ đồng trên HNX và mua ròng 155,5 tỉ đồng trên UPCoM.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 14.926 tỉ đồng, tập trung vào các mã VHM (+1.726,7 tỉ đồng), STB (+1.320,2 tỉ đồng), HPG (+1.084 tỉ đồng), SSI (+1.032,9 tỉ đồng), MSN (+932,8 tỉ đồng).
Ở hướng ngược lại, các mã cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh gồm HPX (-326,7 tỉ đồng), NVL (-166 tỉ đồng), DXG (-137,2 tỉ đồng), KDC (-115,3 tỉ đồng).
Lũy kế 11 tháng đầu năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đảo chiều sang mua ròng 15.900 tỉ đồng trên toàn thị trường.
Trái ngược với dòng tiền 'bắt đáy' của khối ngoại, các nhà đầu tư cá nhân trong nước ghi nhận tháng bán ròng lịch sử với giá trị đạt 19.016 tỉ đồng trên HOSE.
Trong tháng 11/2022, nhà đầu tư cá nhân bán ròng chủ yếu các mã VHM (-1.612,5 tỉ đồng), STB (-1.328 tỉ đồng), CTG (-1.231,5 tỉ đồng), SSI (-1.212,1 tỉ đồng), HPG (-963,6 tỉ đồng).
Trong khi đó, những mã cổ phiếu được cá nhân trong nước mua ròng mạnh gồm NVL (341,3 tỉ đồng), HPX (330,7 tỉ đồng), DIG (241,5 tỉ đồng), VPB (184,1 tỉ đồng), DXG (139 tỉ đồng)./.