Khối ngoại mua ròng 29.300 tỉ đồng trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong năm 2022, khối ngoại mua ròng 29.300 tỉ đồng, trong đó riêng quý 4 là gần 29.000 tỉ đồng.
Khối ngoại mua ròng 29.300 tỉ đồng trong năm 2022
Khối ngoại mua ròng 29.300 tỉ đồng trong năm 2022

Thông tin này được CTCP Chứng khoán SSI (Mã CK: SSI) đưa ra trong báo cáo cập nhật diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu tháng 12/2022 vừa công bố.

Theo đó, bất chấp diễn biến kém tích cực của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, dòng tiền từ các quỹ ETF và quỹ chủ động khởi sắc trong năm 2022, đặc biệt trong quý 4 sau sự kiện “thiên nga đen” liên quan đến thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

Trong tháng 12, có 8/14 quỹ ETF mà SSI theo dõi nhận được dòng vốn tăng thêm, với tổng giá trị 5.883 tỉ đồng. Nổi bật nhất là các quỹ Fubon (+2.230 tỉ đồng), VanEck (+1.499 tỉ đồng), VNDiamond (+1.264 tỉ đồng), và FTSE Vietnam (+480 tỉ đồng).

Ngược lại, chỉ có 2 quỹ bị rút vốn với giá trị không đáng kể là SSIAM VNX50 (-58 tỉ) và Mirae Assets VN30 (-23 tỉ đồng).

Như vậy, tổng giá trị vào ròng của các quỹ ETF đạt 5.800 tỉ đồng trong tháng 12, nâng tổng giá trị cả năm 2022 lên 24.220 tỉ đồng (so với mức 13.500 tỉ đồng trong năm 2021), trong đó riêng Quý 4 ghi nhận mức vào ròng hơn 14.100 tỉ đồng.

Đối với các quỹ chủ động, quán tính dòng tiền vào ròng trong tháng 12 thậm chí còn tích cực hơn, với cường độ giải ngân đồng đều và ghi nhận là tháng vào ròng thứ 3 liên tiếp.

Cụ thể, tổng giá trị vào ròng của các quỹ chủ động trong tháng là hơn 2.500 tỉ đồng. Điều này đã giúp các quỹ chủ động đảo chiều vào ròng gần 2.000 tỉ đồng trong năm 2022, trong đó riêng quý 4 là vào ròng hơn 4.000 tỉ đồng.

Khối ngoại tiếp tục duy trì là động lực của thị trường chứng khoán trong tháng 12, với việc mua ròng hơn 13.000 tỉ đồng (và 16.800 tỉ đồng – nếu loại bỏ giao dịch thỏa thuận đột biến của EIB và tương đương với mức mua ròng kỷ lục trong tháng 11).

Tính chung trong năm 2022, khối ngoại mua ròng 29.300 tỉ đồng, trong đó riêng quý 4 là gần 29.000 tỉ đồng.

Theo SSI, năm 2023 được nhìn nhận là một năm Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức (và khó dự đoán), tuy nhiên đây cũng thường là thời kỳ các dòng tiền lớn giải ngân vào thị trường chứng khoán.

Các yếu tố hỗ trợ thị trường mang tính dài hạn như việc Trung Quốc nới lỏng chính sách kiểm soát Covid-19 kích hoạt dòng tiền chảy vào các quốc gia sẽ được hưởng lợi về xuất khẩu và du lịch, hay các cơ quan quản lý đã bước đầu triển khai các biện pháp giúp Việt Nam có thể nâng hạng lên thị trường mới nổi./.