Đó là những thông điệp chính được ông Thuận Phạm - Tổng Giám đốc Công nghệ Uber toàn cầu chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam trong buổi trò chuyện với chủ đề "Cùng công nghệ làm nên điều kỳ diệu" diễn do Uber Exchange tổ chức.
Tổng Giám đốc Thuận Phạm kể rằng ông đã gặp vô số những thất bại trên con đường thành công như hiện nay: Tại Uber, có tới hàng nghìn thất bại và với cá nhân tôi, trong 18 tháng đầu tiên ở Uber thì tuần nào tôi cũng có một sự thất bại nào đó.
Ông nói: “Nói đến khởi nghiệp là đồng nghĩa với sự thất bại. Bất kỳ một thành công nào cũng phải trải qua hàng ngàn thất bại trước đó. Tuy nhiên thất bại nào cũng có giá trị của nó, có thất bại mới có thể lớn lên từ những sai lầm. Và điều quan trọng là xã hội phải chấp nhận sự thất bại ấy như một lẽ thông thường, không có sự kỳ thị hay thành kiến nào thì mới tạo ra không gian sáng tạo và phát triển một cách thoải mái nhất cho cộng đồng khởi nghiệp”.
Nhận xét về tình hình hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam, ông Thuận Phạm đánh giá, giới trẻ rất tài năng, có chí tiến thủ, khao khát vươn lên và tiềm năng khởi nghiệp ở Việt Nam rất lớn.
Điển hình từ số lượng doanh nghiệp triển vọng dồi dào, có thể thấy Việt Nam đã đạt được những bước tiến nhất định. Sự đề cao về mặt sáng tạo trong công nghệ, cũng như nỗ lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của Chính phủ Việt Nam là động lực lớn lao để Việt Nam đạt đến mục tiêu trở thành “quốc gia khởi nghiệp”.
Ông Thuận Phạm đã từng giành giải: “Niềm tự hào của nước Mỹ” (2016 Great Immigrants Honorees: The Pride of America).
Tại buổi tọa đàm, trả lời câu hỏi của anh Nguyễn Minh Lộc, một tân sinh viên về kinh nghiệm khởi nghiệp khi không có sự hỗ trợ bên ngoài, ông khuyên các bạn trẻ đừng nên hi vọng vào các hỗ trợ của Chính phủ, vì "dù ở Mỹ hay ở những nơi khác, các start up đều không dựa vào Chính phủ".
Thay vào đó, "các bạn nên hướng mọi tư duy vào việc phát triển sản phẩm của bạn, xác định xem sản phẩm có mang đến giá trị thiết thực cho người dùng hay không. Cụ thể, các start up nên tìm ra vấn đề muốn giải quyết, sản phẩm muốn cung cấp, đừng trông chờ vào sự tài trợ của chính phủ hay bên liên quan nào khác. Startup cần ý tưởng tốt, ý tưởng khả thi
Khi bạn giải quyết được vấn đề của người dùng theo cách khiến họ hài lòng, tự nhiên giá trị công ty sẽ được nâng tầm. Khi ấy công nghệ của bạn đã được thị trường chứng minh thì không thiếu nhà đầu tư nhảy vào, công nghệ sẽ cất cánh.
Liên quan tới yếu tố công nghệ và kỹ thuật đằng sau đó, các doanh nghiệp non trẻ hoàn toàn có thể tận dụng và bổ sung giá trị vào những giải pháp đã sẵn có trên thị trường, thay vì dành quá nhiều thời gian vào việc xây dựng một hệ thống hoàn toàn mới.
Chia sẻ bài học tiếp theo về cách điều phối đội ngũ kỹ thuật viên, ông Thuận cho biết: “Tại Uber, chúng tôi chia toàn bộ các kĩ sư thành 50 - 60 nhóm, mỗi nhóm có một nhiệm vụ riêng biệt, với định hướng và lộ trình thực thi cụ thể. Có những nhóm chuyên phụ trách xây dựng hạ tầng lưu trữ, tính toán… để các nhóm khác dựa vào đó vận hành công việc trơn tru. Bí quyết nằm ở cách bạn phân công với sự phân công hợp lý và rạch ròi về nhiệm vụ, công việc sẽ được giải quyết với tốc độ vượt trội. Bên cạnh đó, một điều quan trọng nữa là cần tạo môi trường để mọi người thẳng thắn chia sẻ các vấn đề, cùng giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau trong một tập thể đoàn kết”.
Trao đổi riêng với VietTimes, anh Nguyễn Minh Lộc, một người rất trẻ cũng đang có đam mê khởi nghiệp cho biết, những kinh nghiệm được ông Thuận Phạm chia sẻ rất có tính xây dựng, rất thật lòng khi trả lời câu hỏi. Nghĩa là ông Thuận Phạm đã đi thẳng vào vấn đề chính, nói trực tiếp quan điểm của một người đã làm, từng làm và đã thành công nên "tôi đã thu được rất nhiều kinh nghiệm hữu ích".
Anh cho biết thêm, cuộc trò chuyện của ông Thuận Phạm đã truyền cho anh cảm hứng niềm đam mê trong công việc. Đặc biệt, niềm đam mê chính là kim chỉ nam dẫn dắt anh đến mục đích cuối cùng, đúng như ông Thuận Phạm chia sẻ, "mình chỉ nên tin tưởng vào chính mình và vào sức mạnh bản thân thì chúng ta có thể vượt qua được tất cả".
Anh Lộc cho rằng, qua buổi trò chuyện, diễn giả Thuận Phạm không chỉ giúp anh mà còn cả những start-up khác nữa, tạo lập được những chỉ tiêu sơ bộ khi tuyển dụng nhân sự: giá trị thực sự của một con người nằm ở năng lực để thể hiện bản thân, các yếu tố khác chỉ là phụ và thứ hai là không bao giờ được đổ lỗi cho nhân sự của mình: “lỗi một người thì nhiều người học được từ đó và cùng nhau tiến bộ”.
Thuận Phạm gia nhập Uber vào năm 2013, khi đó Uber mới chỉ có mặt tại 60 thành phố và mỗi ngày chỉ có khoảng 13.000 chuyến, khoảng 40 kỹ thuật viên. Trong 4 năm, ông đã không ngừng phát triển khối kỹ thuật lên tới hơn 2.000 người (trong đó có hơn 10 kỹ sư người Việt hoặc gốc Việt-pv), và giải quyết rất nhiều thách thức đặt ra trong quá trình tăng trưởng mạnh mẽ của Uber. Hiện, dịch vụ này đã có mặt tại hơn 450 thành phố trên khắp thế giới với hàng chục triệu chuyến xe mỗi ngày.