Khoản nợ 3.400 tỉ đồng của Vietracimex

VietTimes – Trong vòng 2 năm (từ đầu tháng 12/2018 đến nay), riêng công ty mẹ là Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) của “đại gia” Võ Nhật Thăng đã huy động thành công 3.400 tỉ đồng qua kênh trái phiếu.

Ông Võ Nhật Thăng - Chủ tịch HĐQT Vietracimex (Nguồn: Internet)

Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) vừa công bố hoàn thành đợt phát hành 550 tỉ đồng trái phiếu có mã WTO BOND2019_01 và WTO BOND2019_02 vào ngày 26/11/2020.

Lô trái phiếu này có kỳ hạn 60 tháng kể từ ngày phát hành, là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản bảo đảm, được thu xếp phát hành bởi Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank).

Các thông tin chi tiết về tài sản bảo đảm cũng như danh sách trái chủ không được công bố.

Trước đó, trong quý 4/2019, Vietracimex cũng phát hành thành công 250 tỉ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, lãi suất phát hành thực tế là 10%/năm với 4 kỳ tính lãi đầu tiên, sau đó thả nổi.

Để bảo đảm cho lô trái phiếu này, Vietracimex sử dụng quyền tài sản và tài sản hình thành trong tương lai của một số lô đất thấp tầng thuộc dự án Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch tại huyện Hoài Đức, Tp. Hà Nội.

Được biết, các tổ chức tham gia đợt phát hành gồm CTCP Chứng khoán MB (MBS) và MBBank. Trong đó, MBBank là trái chủ duy nhất mua trọn lô trái phiếu trị giá 250 tỉ đồng này.

Ngoài ra, trong giai đoạn từ đầu tháng 12/2018 đến cuối tháng 3/2019, Vietracimex còn phát hành thành công 4 đợt trái phiếu có cùng kỳ hạn 7 năm, với tổng giá trị lên tới 2.600 tỉ đồng.

Như vậy, trong vòng 2 năm (từ đầu tháng 12/2018 đến nay), riêng pháp nhân lõi Vietracimex đã huy động thành công 3.400 tỉ đồng qua kênh trái phiếu.

Không chỉ công ty mẹ, một số đơn vị thành viên của Vietracimex cũng phát hành thành công hàng nghìn tỉ đồng trái phiếu như CTCP Năng lượng Hồng Phong 1 (2.550 tỉ đồng), CTCP Năng lượng Hồng Phong 2 (1.600 tỉ đồng).

Như VietTimes từng đề cập, Vietracimex tiền thân là Nhà máy Vật liệu Hà Nội, được thành lập từ năm 1961 thuộc Cục Cung cấp Vật tư, Bộ Giao thông Vận tải. Chủ tịch HĐQT là ông Võ Nhật Thăng (SN 1959).

Trải qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, Vietracimex hiện đang sở hữu 15 công ty thành viên, hoạt động trong 4 lĩnh vực chính, gồm: Bất động sản, Sản xuất công nghiệp, Năng lượng và Thương mại dịch vụ.

Doanh nghiệp này là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn như: Dự án Hinode City tại số 201 Minh Khai (quy mô 2,8 ha, tổng mức đầu tư 5.182 tỉ đồng); Dự án Hinode Garden City tại xã Di Trạch, Hoài Đức, Hà Nội (quy mô 146,8 ha, tổng mức đầu tư 26.000 tỉ đồng); Dự án BĐS nghỉ dưỡng Sunrise VNT Phú Quốc (quy mô 44,46 ha, tổng mức đầu tư 2.990 tỉ đồng).

Bên cạnh đó, Vietracimex còn sở hữu lô đất rộng 8.534,8 m2 tại số 926 Đường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và lô đất 29.204 m2 tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Trong lĩnh vực năng lượng, Vietracimex đang sở hữu một số dự án thuỷ điện như: Nhà máy Thủy điện Tà Thàng tại Lào Cai có công suất 60 MW, tổng vốn đầu tư 2.147 tỉ đồng; Nhà máy Thủy điện Bắc Mê tại Hà Giang có công suất 45 MW, tổng vốn đầu tư 2.394 tỉ đồng; Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo tại Lâm Đồng có công suất 24 MW, tổng vốn đầu tư 653 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn đang triển khai hai “siêu dự án” thủy điện là Nậm Mô 1 với công suất 90 MW, tổng vốn đầu tư 4.128 tỉ đồng và Mỹ Lý 1 với công suất 180 MW, tổng vốn đầu tư 7.824 tỉ đồng. Cả 2 dự án này đều tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Ngoài ra, Vietracimex cũng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo với một số dự án như: Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A (công suất 150 MW, tổng mức đầu tư 4.198 tỉ đồng); Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B (công suất 100 MW, tổng mức đầu tư 2.832 tỉ đồng). Cả 2 dự án này đều chính thức hòa lưới điện quốc gia vào tháng 6/2019.

Vietracimex còn muốn đầu tư phát triển dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 tại xã Hòa Thắng và thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, do một số vấn đề về tên gọi dự án và quy mô thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, dự án này chưa đủ điều kiện xem xét, thẩm định trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Ngày 11/11/2020, Vietracimex đã ký hết hợp đồng EPC với China Energy Gezhouba Group (CGGC) nhằm thực hiện triển khai dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1A, 1B, 1C, 1D tại xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Đây được xem là dự án trọng điểm của Vietracimex, có tổng công suất 350 MW, tổng giá trị thực hiện dự án trên 10.000 tỷ đồng.

Không dừng lại ở đó, Vietracimex còn đang có kế hoạch đầu tư phát triển 2 dự án nhiệt điện là Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2 tại Sóc Trăng (công suất 1.200 MW, tổng mức đầu tư dự kiến gần 63.300 tỉ đồng) và Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 2 tại Cần Thơ (công suất 1.050 MW, tổng mức đầu tư dự kiến 30.560 tỉ đồng)./.