Theo TS Lê Đức Hoàng - Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo trung ương, hội chứng "nghiện điện thoại" đang diễn ra khá phổ biến, nhiều sinh viên dành quá nhiều thời gian cho Facebook, Zalo, các trò chơi điện tử... trên điện thoại mà xao nhãng việc học hành.
"Nhiều sinh viên đời sống rất khó khăn, ăn uống kham khổ nhưng vẫn cố gắng dành tiền để mua điện thoại iPhone đắt tiền. Nhiều sinh viên bị lệch lạc về quan điểm giá trị, chỉ chạy theo hình thức bề ngoài" - ông Hoàng dẫn chứng.
Cũng về thực tế này, không ít người đã đưa ra lời nhận xét là “ngày xưa các cụ sợ “mất nước”, bây giờ thì bọn trẻ sợ “mất mạng”” (Nước ở đây là nước máy công cộng còn mạng là điện thoại và Internet). Và có thể nói, với giới trẻ này nay thì mạng xã hội như Facebook là không thể dừng truy cập, dù chỉ là một ngày. Chính vì thế mà giới trẻ sẵn sàng nhịn ăn, nhịn tiêu để để có được cho mình một chiếc điện thoại thông minh mà đẳng cấp tốt nhất chính là iPhone.
Tuy nhiên, cũng phải thấy mặt tích cực của mạng xã hội với sinh viên. Nhờ tham gia vào mạng mà rất nhiều phong trào như bảo vệ môi trường, hỗ trợ những đối tượng còn khó khăn đã huy động được rất nhiều người tham gia. Dẫu vậy, với nhiệm vụ chính là học tập thì mạng xã hội còn chưa phát huy được là bao.
Chính vì vậy, ngành giáo dục và các đại học cần chủ động xây dựng các phong trào học tập, văn hoá, thể thao thông qua mạng xã hội để thu hút sự tham gia của sinh viên. Các nhóm hoạt động của sinh viên thông qua mạng xã hội về về khoa học cũng cần được Đoàn thanh niên và Hội Sinh viên chính thức ghi nhận, hỗ trợ không gian sinh hoạt offline. Nếu làm được việc đó, sinh viên sẽ có được một môi trường lành mạnh cho mình để học tập và vui chơi. Và như thế, mạng xã hội sẽ phát huy vai trò tích cực để tập hợp sinh viên tham gia như những hoạt động lành mạnh.