Biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), công bố hôm 22/2, ghi nhận nhiều quan điểm cho rằng lạm phát đã đi xuống nhưng chưa đủ để dừng tăng lãi suất.
Trong khi những nỗ lực kiềm chế tổng cầu thông qua các đợt nâng lãi suất của Fed chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng, chính sách tài khóa được xem là ‘chìa khóa’ giúp ngân hàng trung ương Mỹ nhanh chóng đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
VietTimes trân trọng giới thiệu bài chuyển ngữ thể hiện quan điểm của bà Claudia Sahm - nhà sáng lập Sahm Consulting, cựu chuyên gia kinh tế của Fed – được đăng tải trên tờ Financial Times về nội dung này.
|
Khi Fed không thể tự giải bài toán lạm phát (Ảnh: Internet) |
Fed được xem là tổ chức duy nhất ở Mỹ có nhiệm vụ chính thức duy trì giá cả ổn định. Mặc dù vậy, Fed không phải là tổ chức duy nhất giúp chiến thắng lạm phát, đặc biệt là khi nguồn cung bị gián đoạn bởi đại dịch và xung đột ở Ukraine.
Fed, bằng cách tăng lãi suất, có thể giảm tổng cầu nhưng khó có thể tác động tới phía cung. Adam Shapiro, một nhà kinh tế tại Fed San Francisco, ước tính rằng, khoảng 40% nguyên nhân gây ra lạm phát là do nguồn cung, 40% là do cầu tiêu dùng và 20% còn lại đến từ những lý do khác.
Với thực tế đó, một mình Fed không thể đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%. Công cụ chính của Fed để kiềm chế lạm phát là thông qua lãi suất quỹ liên bang để tác động đến lãi suất mà người tiêu dùng và doanh nghiệp vay.
Ngoài ra, các thị trường thường hành động dựa trên sự kỳ vọng về các quyết định nâng lãi suất trong tương lai của Fed. Những kỳ vọng đó có thể phù hợp hoặc không phù hợp với ý định thực tế của Fed.
Tình hình tài chính của các hộ gia đình cũng cho thấy rằng, những thay đổi lãi suất điều hành khó tác động mạnh tới tổng cầu.
Các hộ gia đình, bao gồm cả những người có thu nhập thấp hơn, có nhiều tiền tiết kiệm hơn đáng kể so với trước đại dịch, điều này cho phép họ bù đắp chi phí vay mượn cao hơn. Thêm vào đó, trong thời kỳ đại dịch, nhiều người đã có thể trả hết nợ.
Những tác động của việc tăng lãi suất đối với thị trường lao động là khiêm tốn ngay cả trong các lĩnh vực như xây dựng. Các công ty có khả năng giữ công nhân vì rất khó tuyển dụng lại. Nếu mọi người giữ công việc của họ, thật khó để giảm cầu. Và nếu thị trường lao động mạnh, Fed sẽ khó kiềm chế lạm phát hơn.
|
Chủ tịch Fed Jerome Powell (Ảnh: Bloomberg) |
Sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa
Nguồn cung rất quan trọng đối với nền kinh tế. Nhiều công nhân hơn giảm bớt tình trạng thiếu lao động và áp lực tăng lương. Năm ngoái, có thêm 1 triệu người nhập cư đến Mỹ, tiếp tục đà phục hồi từ mức thấp của đại dịch. Điều đó sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu lao động và đẩy lùi lạm phát dù nó cũng có thể làm tăng nhu cầu.
Chính phủ Mỹ có thể tác động đến nguồn cung của nền kinh tế. Một ví dụ điển hình là nỗ lực của chính quyền Biden nhằm giảm giá xăng dầu khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra.
Kế hoạch này bao gồm việc mở kho dự trữ dầu chiến lược, đảm bảo cho các nhà sản xuất một mức giá để mua dầu và đổ đầy kho dự trữ của họ. Sản xuất dầu mỏ đã tăng vào năm ngoái và giá xăng dầu quốc gia đã trở lại ở mức bình thường.
Một lợi thế quan trọng của chính sách tài khóa là khả năng nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực quan trọng để kiềm chế lạm phát.
Dự luật cơ sở hạ tầng của Mỹ, Đạo luật Chips để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước đều có các yếu tố sẽ hỗ trợ lạm phát, đặc biệt là trong tương lai, bằng cách tạo ra hoặc củng cố nguồn cung.
Việc điều phối chính sách tài khóa khó khăn hơn, nhưng hai năm qua đã cho thấy điều đó có thể thực hiện được và cần phải thực hiện. Thách thức là làm tốt những chính sách này trong khi các đợt tăng lãi suất của Fed gần như chắc chắn sẽ góp phần làm chậm tăng trưởng kinh tế./.
Nguồn tham khảo: Financial Times