Khi cổ phiếu dầu khí ‘hút tiền’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cổ phiếu BSR có lúc tăng tới 13,7% trong phiên giao dịch hôm 6/6 cho thấy phần nào sự hưng phấn của dòng tiền đổ vào nhóm ngành dầu khí, đặc biệt trong bối cảnh thị trường 'xanh vỏ đỏ lòng’.
Cổ phiếu dầu khí ‘hút tiền’: BSR tăng tới 27,72% trong 1 tháng
Cổ phiếu dầu khí ‘hút tiền’: BSR tăng tới 27,72% trong 1 tháng

Dữ liệu của FiinTrade cho thấy, dầu khí tiếp tục là nhóm ngành thu hút dòng tiền trong phiên giao dịch ngày 6/6. Sự thăng hoa của các cổ phiếu nhóm ngành này (như: GAS, PLX, PVD, PVS) góp phần giúp chỉ số VN-Index giữ được sắc xanh, tăng 2 điểm, đóng cửa ở mức 1.290 điểm.

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngành dầu khí ghi nhận giá trị giao dịch tăng 40% so với trung bình 5 phiên liền trước với chỉ số giá ngành theo ghi nhận của FiinTrade tăng 5,84%, và là nhóm ngành tăng bền vững nhất trong tháng.

“Chỉ số dòng tiền tích lũy FMI-Abs vào nhóm Dầu khí quay đầu đi lên từ vùng thấp của 1 từ giữa tháng 5 hỗ trợ giá tăng điểm. Hiện dòng tiền đang hồi phục mạnh nhưng vẫn giữ giá trị âm cho thấy trước đó lượng tiền rút ra lớn và mới vào lại, còn nhiều dư địa để hút thêm dòng tiền”, báo cáo nêu.

Các cổ phiếu có giao dịch sôi động nhất là BSR, PVS, PVD, PLX, PVC, OIL, PVB và PVT. Trong đó, BSR đã tăng tới 27,72% trong vòng 1 tháng.

Ở một chi tiết đáng chú ý, BSR là cổ phiếu mà khối tự doanh các công ty chứng khoán bán ròng mạnh nhất trên sàn UPCOM trong phiên giao dịch ngày 6/6. Họ bán ra tổng cộng 1,94 triệu cổ phiếu, với giá trị giao dịch 58,5 tỉ đồng, tương đương 30.169 đồng/cp. Trong khi đó, khối này không mua vào bất kỳ cổ phiếu BSR nào.

Theo FiinTrade, BSR được hưởng lợi từ giá dầu tiếp tục duy trì ở mức cao đặc biệt với việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch Covid-19. Ngoài ra, việc dự án Ô Môn B sẽ được trao quyết định đầu tư vào tháng 7 sẽ là cú hích cho ngành nhất là PVS, PVD.

Diễn biến giá cổ phiếu BSR (Nguồn: Tradingview)

Diễn biến giá cổ phiếu BSR (Nguồn: Tradingview)

Việc dòng tiền tập trung vào cổ phiếu dầu khí phần nào thể hiện tâm lý thận trọng của dòng tiền đối với nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán và bất động sản trong bối cảnh vĩ mô hiện nay. Đây cũng là nhóm ngành được cho là ít chịu tác động bởi lạm phát.

Dù vậy, cũng khó có thể bỏ qua việc chỉ số VN-Index đã có phiên thứ 6 liên tiếp chưa thể bứt phá thành công ngưỡng cản tâm lý 1.300 điểm. Thanh khoản thị trường cải thiện và độ rộng thị trường cho thấy áp lực bán xuất hiện trên diện rộng.

CTCP Chứng khoán MBS (MBS) cho rằng, thị trường đang có sự phân hoá tích cực để cân bằng với áp lực bán trên diện rộng. Do vậy, nhà đầu tư nên quan tâm đến các nhóm cổ phiếu đang hút được dòng tiền hơn là tham chiếu ở chỉ số chung.

Theo CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI), chỉ số VN-Index vẫn còn động lực để tăng tiếp nhưng phần đa các cổ phiếu đã có điểm dừng và bắt đầu quay đầu giảm. Trong giai đoạn hiện tại, chiến lược hợp lý vẫn là duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp hoặc vừa để phòng thủ với các diễn biến khó lường và tiêu cực.

Trong khi đó, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) dự báo chỉ số VN-Index có thể điều chỉnh ngắn hạn để kiểm định lại lực cầu quanh vùng 1.250 điểm. Nếu chỉ số này nhận được lực cầu quanh vùng 1.250 điểm, xác suất phá vỡ vùng 1.300 điểm sẽ gia tăng./.