Khánh Hòa: Xác minh thông tin nhà máy xử lý chất thải rắn gây ô nhiễm

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa không có nhà máy xử lý chất thải rắn y tế nguy hại mà là một hệ thống thiết bị xử lý chất thải rắn y tế hiện đại do Pháp sản xuất, mới được đưa vào vận hành.

(Ảnh minh họa: Đặng Tuấn/TTXVN)

Gần đây, một số cử tri thành phố Nha Trang đã phản ánh với Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc tồn tại một nhà máy xử lý chất thải rắn y tế nguy hại ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa (phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang), gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh và kiến nghị cần di dời ra khỏi trung tâm thành phố.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế và báo cáo của Sở Y tế Khánh Hòa cho thấy, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa không có nhà máy xử lý chất thải rắn y tế nguy hại mà là một hệ thống thiết bị xử lý chất thải rắn y tế hiện đại do Pháp sản xuất, mới được đưa vào vận hành, sử dụng từ đầu năm 2017 đến nay.

Do đó, việc cử tri phản ánh về sự tồn tại nhà máy xử lý chất thải rắn y tế nguy hại của bệnh viện này, ngay trung tâm thành phố, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh là chưa có cơ sở.

Theo thông tin từ Sở Y tế Khánh Hòa, thực hiện Đề án "Hỗ trợ xử lý chất thải y tế" của Bộ Y tế, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư xây dựng công trình hỗ trợ xử lý chất thải, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt tại Quyết định số 3102/QĐ-UBND ngày 30/10/2015, bao gồm 1 hệ thống thu gom và xử lý nước thải có công suất 900 m3/ngày đêm; 2 hệ thống thiết bị xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm, mỗi hệ thống có công suất 50 kg/giờ; 1 nhà lưu trữ chất thải rắn y tế; 3 bể cô lập chất thải sắc nhọn; 3 bể cô lập chất thải giải phẫu.

Hệ thống thiết bị xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm sử dụng công nghệ vi sóng tích hợp nghiền cắt trong cùng khoang xử lý ở áp suất thường, xử lý triệt để các chất thải lây nhiễm.

Thiết bị xử lý chất thải rắn y tế dùng cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh là thiết bị Sterilwave, sử dụng công nghệ vi sóng, tích hợp máy cắt bên trong khoang xử lý. Đây là thiết bị xử lý chất thải rắn y tế hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường. Thiết bị tự động xử lý chất thải rắn y tế thành chất thải tương tự rác thải sinh hoạt.

Trong quá trình vận hành, không phát sinh khói, đây là công nghệ không đốt, không phát sinh các chất thải thứ cấp gây ô nhiễm. Tất cả quy trình đều được kiểm soát an toàn trong nhà xử lý, không ảnh hướng đến môi trường bên ngoài. Thiết bị có kích thước: dài 2m, rộng 1,1m và cao 2m, không phải là nhà máy như cách gọi của cử tri.

Thiết bị xử lý chất thải rắn y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trước khi đưa vào sử dụng đã được các cơ quan chuyên môn kiểm định như Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh - Bộ Y tế kiểm định, kết quả đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 55:2013/BTNMT; Viện Pasteur Nha Trang kiểm định tổng thể đầu ra đạt yêu cầu, thiết bị xử lý chất thải rắn đạt QCVN 55:2013/BTNMT, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy xác nhận đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường số 2882/STNMT-CCBVMT ngày 24/11/2015.

Đối với hệ thống xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm đã được xác nhận hoàn thành tại Công văn số 2424/STNMT-CCBVMT ngày 13/6/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa.

Từ khi đưa vào vận hành (tháng 3/2017) đến nay, thiết bị xử lý chất thải rắn y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều được cơ quan chuyên môn lấy mẫu quan trắc theo định kỳ 3 tháng/lần và cho kết quả đạt yêu cầu. Lần quan trắc gần đây nhất vào tháng 9/2019 cũng có kết quả tương tự.

Năm 2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã hợp đồng với Trung tâm tư vấn công nghệ môi trường và an toàn vệ sinh lao động để thực hiện quan trắc, giám sát môi trường định kỳ đối với khí thải của 2 hệ thống xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm, gồm 19 thông số theo QCVN 19:2009/BTNMT-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các thông số vô cơ, cho thấy các thông số ô nhiễm đều đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường./.

Theo Vietnam+