Cơ hội chưa từng có để ứng dụng công nghệ giải quyết những thách thức
Là sự kiện do Bộ TT&TT phối hợp cùng Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) và UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức, hội nghị quốc tế về Đô thị thông minh và Chính phủ điện tử khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2018 có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Phó Tổng thư ký ITU Malcolm Johnson và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Anh Tuấn cùng gần 300 đại biểu trong và ngoài nước đến từ các Bộ quản lý viễn thông và CNTT các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lãnh đạo các thành phố đã triển khai đô thị thông minh, lãnh đạo các cơ quan chính phủ, các nhà quản lý và các doanh nghiệp trong lĩnh vực đô thị thông minh và chính phủ điện tử.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu khai mạc hội nghị quốc tế về Đô thị thông minh và Chính phủ điện tử 2018 (Ảnh: Lan Phương)
Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, những năm gần đây, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, đô thị hóa đang diễn ra rộng rãi ở Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2009 Việt Nam có hơn 600 đô thị và hiện nay con số này là trên 800 đô thị. Với sự bùng nổ dân số đô thị, các thành phố ở 63 tỉnh thành trên cả nước đang phải đối mặt với những thách thức mới trong việc cung cấp các dịch vụ công cộng cũng như làm sao để quản lý hiệu quả nguồn lực. “Cũng giống như các nước thành viên ITU khác, Việt Nam coi đây là một cơ hội chưa từng có để ngành CNTT&TT (ICT) ứng dụng công nghệ và đổi mới để tiếp cận những thách thức”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng cho biết, về chính sách, tháng 1/2018 Bộ TT&TT đã ban hành văn bản hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về ICT trong việc xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam. Hướng dẫn này xác định một số nguyên tắc chính, đơn cử như: tập trung cho công dân và tất cả các bên liên quan, hệ sinh thái dữ liệu mở, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, trung lập về công nghệ và phát triển bền vững các giá trị văn hóa, kinh tế, xã hội của các thành phố.
Về triển khai thực tế, hiện nay một số kế hoạch, lộ trình phát triển đô thị thông minh đã được các tỉnh, thành phố phê duyệt. Một số dự án xây dựng thành phố thông minh đã được khởi động. Nhiều đối tác quốc tế đã được mời tham gia tư vấn, phát triển và triển khai dự án đô thị thông minh tại các tỉnh, thành phố. Thứ trưởng cho rằng, hiện nay, điều quan trọng là phải triển khai hành động phù hợp với thông lệ quốc tế và các tổ chức quốc tế chuyên về đô thị thông minh như ITU, ISO, WeGO trong lĩnh vực ứng dụng ICT mới này.
Khẳng định Việt Nam rất coi trọng Diễn đàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương về Đô thị thông minh và Chính phủ điện tử bền vững lần thứ 4, Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng: “Với chương trình được thiết kế tốt và sự tham gia của các diễn giả giàu kinh nghiệm và am hiểu, tôi tin tưởng rằng diễn đàn sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích và có giá trị cho các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, lãnh đạo thành phố, các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu”.
Các thành phố trên khắp Việt Nam đang bắt tay chuyển đổi kỹ thuật số
Cũng trong phiên khai mạc hội nghị, Phó Tổng thư ký ITU Malcolm Johnson cho biết, hiện nay các thành phố trên khắp Việt Nam đang bắt tay vào cuộc chuyển đổi kỹ thuật số. Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đã được chọn là một phần của Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN. Những sáng kiến đô thị thông minh mới này sẽ tạo ra cơ hội, thị trường mới cho ICT và các cơ hội hợp tác quốc tế mới. Đó là lý do để xây dựng sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực, nơi có hơn 2,1 tỷ cư dân đô thị, nơi hơn 2/3 dân số sẽ sống ở các thành phố vào năm 2050.
Phó Tổng thư ký Malcolm Johnson cho biết, ITU đang nỗ lực để phát triển tiềm năng to lớn mà các công nghệ mới nổi như trí thông minh nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet of Things (IoT) và 5G phải giúp xây dựng các thành phố thông minh và bền vững hơn (Ảnh: Lan Phương)
Ông Malcolm Johnson cũng cho hay, là tổ chức chuyên ngành của Liên hợp quốc, ITU cam kết phối hợp các bên liên quan để cùng nhau giải quyết vấn đề đô thị hóa nhanh chóng. ITU đang nỗ lực để phát triển tiềm năng to lớn mà các công nghệ mới nổi như trí thông minh nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet of Things (IoT) và 5G phải giúp xây dựng các thành phố thông minh và bền vững hơn.
“Chúng ta đã và sẽ chứng kiến những nỗ lực trong chuyển đổi sang các thành phố thông minh bền vững ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngay tại Việt Nam, dữ liệu thời gian thực được thu thập để cung cấp cho hành khách đi xe buýt thông tin về các tuyến đường và thời gian đến, theo dõi chất lượng nước, hay các cấp độ dịch vụ cho người dân và các đơn vị công nghiệp. Đây là ví dụ trong hàng trăm ví dụ trên khắp Việt Nam và phần còn lại của thế giới”, ông Malcolm Johnson chia sẻ.
Theo nhận định của Phó Tổng thư ký Malcolm Johnson, tất cả những ví dụ kể trên là dựa vào các tiêu chuẩn kỹ thuật. Việc tạo ra các đô thị thông minh đòi hỏi một cơ sở hạ tầng đáng tin cậy có khả năng hỗ trợ một khối lượng lớn các ứng dụng và dịch vụ dựa trên ICT, do đó đòi hỏi phải tuân thủ phối hợp các tiêu chuẩn chung đảm bảo tính mở và khả năng tương tác. Ông Malcolm Johnson chia sẻ thêm: “ITU có một nhóm nghiên cứu phát triển các tiêu chuẩn quốc tế để cho phép phát triển phối hợp các công nghệ IoT ở các thành phố thông minh. Việc triển khai các công nghệ này dự kiến sẽ kết nối khoảng 50 tỷ thiết bị vào mạng vào năm 2020, gây áp lực to lớn lên phổ tần số vô tuyến, một lĩnh vực khác mà ITU đóng một vai trò quan trọng”.
Phó Tổng thư ký ITU Malcolm Johnson cũng đã thông tin đến các đại biểu dự hội nghị về sáng kiến cho các thành phố thông minh bền vững (U4SSC) - một sáng kiến do ITU và Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc châu Âu (UNECE) phối hợp và hỗ trợ bởi 16 cơ quan Liên hợp quốc. Mục tiêu chính của sáng kiến này là ủng hộ chính sách công khuyến khích sử dụng ICT để tạo thuận lợi và dễ dàng chuyển đổi sang các thành phố thông minh bền vững.
Cụ thể, các tổ chức đã hợp tác phát triển một bộ chỉ số hiệu suất chính cho thành phố bền vững thông minh (KPI). Các KPI này dựa trên các khuyến nghị của ITU-T Y.4903/L.1603. Bộ chỉ số là công cụ để đánh giá sự đóng góp của ICT cho đô thị thông minh. Hơn 50 thành phố trên thế giới đã triển khai thành công bộ chỉ số này, trong đó có Dubai và Singapore.
Diễn ra trong 2 ngày 4 - 5/7/2018, hội nghị quốc tế về Đô thị thông minh và Chính phủ điện tử khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 4 là diễn đàn để các chuyên gia quốc tế và trong nước trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về xu hướng phát triển, khuyến nghị tiêu chuẩn cho đô thị thông minh, bài học thành công và kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh của một số thành phố lớn. Đây cũng tạo cơ hội kết nối những người làm chính sách, các nhà quản lý với các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và giới nghiên cứu nhằm đẩy mạnh hợp tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực đô thị thông minh, chính phủ điện tử.
Theo ICT News