Khả năng xuất hiện virus Marburg độc lực mạnh ở Việt Nam là hoàn toàn có thế

VietTimes – WHO vừa phải họp khẩn khi virus Marburg có độc lực rất lớn đã cướp đi sinh mạng 9 người ở Guinea Xích đạo. Các chuyên gia Việt Nam khuyến cáo người dân cần chủ động phòng, chống virus này.  
Virus Marburg khiến 9 người chết và WHO lập tức phải họp khẩn (ảnh: Bimbisaniebelli)

Virus Marburg đã xuất hiện ở 2 nước

9 người đã chết cùng 16 ca nghi nhiễm trong đợt bùng phát đầu tiên của virus Marburg ở Guinea Xích đạo - quốc gia nằm ở Trung Phi - đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải họp khẩn cấp vào ngày 14/2 để có các biện pháp đối phó.

Theo WHO, Marburg là virus hiếm gặp, cùng họ với virus Ebola và là một trong những virus gây bệnh nguy hiểm nhất. Marburg gây ra bệnh sốt xuất huyết với tỷ lệ tử vong cao tới 88%. Đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị, cũng chưa có vaccine dự phòng bệnh do virus Marburg gây ra.

Cho đến nay, theo các chuyên gia dịch tễ, virus Marburg chưa xuất hiện tại Việt Nam, nhưng người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật các khuyến cáo của ngành y tế để chủ động phòng chống virus Marburg. Bởi với việc giao thương, du lịch phát triển như hiện nay, khả năng virus này lây lan sang Việt Nam là hoàn toàn có thể. Nhất là khi Cameroon vừa thông báo đã phát hiện 2 ca nghi nhiễm virus Marburg ở khu vực biên giới với Guinea Xích đạo, cho thấy có dấu hiệu xuyên biên giới của virus này. Các Trung tâm y tế công cộng của Thái Lan cũng đã bật chế độ cảnh báo, theo dõi chặt chẽ khả năng xâm nhập của virus Marburg.

Virus Marburg có độc lực rất cao

Không hoang mang nhưng không chủ quan

Theo TS. Vũ Quốc Đạt - giảng viên bộ môn Truyền nhiễm Trường Đại học Y Hà Nội, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới và Can thiệp giảm hại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thành viên Mạng lưới đánh giá và ứng phó về lâm sàng các bệnh mới nổi của WHO - thì kể từ khi xuất hiện vào năm 1967, bệnh này chưa từng bùng phát ở châu Á, nên khi dịch còn lẻ tẻ ở châu Phi thì nguy cơ xâm nhập Việt Nam chưa cao. Nhưng nếu dịch ở châu Phi lan rộng hơn, thì nguy cơ dịch đối với Việt Nam là đáng kể.

"Đây là dịch bệnh nguy hiểm do tỉ lệ tử vong rất cao, có thể đến 80-100%, lại có khả năng lây truyền từ người sang người qua đường tiếp xúc, nên cần tuyệt đối tuân thủ việc khai báo y tế đối với những người đi qua vùng dịch hoặc có tiếp xúc với ca bệnh nghi ngờ, hoặc khẳng định đã mắc virus Marburg" - TS. Vũ Quốc Đạt nhấn mạnh.

Theo BSCKII. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - virus Marburg được ghi nhận lây trên người lần đầu tiên là từ phòng thí nghiệm ở Marburg (Đức), tuy nhiên bệnh nhanh chóng được khoanh vùng và khống chế. Sau đó cũng đã xuất hiện một vài vụ dịch lẻ tẻ ở châu Phi, được xác định là lây từ động vật sang người. Mặc dù khi nhiễm virus Marburg tỉ lệ gây tử vong cao nhưng người dân không nên quá hoang mang do khả năng lây lan của bệnh này tương đối thấp.

Cũng theo BSCKII. Nguyễn Trung Cấp, với người mắc bệnh, đây là một bệnh cực kỳ nguy hiểm, nhưng với cộng đồng, bệnh do virus Marburg gây ra không có nhóm bệnh triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, do đó căn bệnh này khó có thể lan rộng như những bệnh có nhóm triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Ngoài ra, khi nhiễm virus Marburg, bệnh nhân thường nặng, nằm một chỗ nên sẽ khó lây hơn, nhất là trên phạm vi vùng, quốc gia. Nhìn chung, tỉ lệ lây virus Marburg thấp hơn so với nhóm bệnh có thời gian ủ bệnh dài hoặc bệnh không có triệu chứng.

Cách nhận biết mắc virus Marburg

Theo các chuyên gia truyền nhiễm, bệnh do virus Marburg gây ra có biểu hiện ban đầu giống như sốt virus thông thường: Sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, mỏi cơ khớp, buồn nôn… Sau đó bệnh nặng lên, bệnh nhân có thể có rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng, tử vong tương đối nhanh chóng trong vòng 7 ngày, tương tự virus Ebola. Nhưng người nhiễm virus Marburg thường có triệu chứng và được cách ly theo quy định. Vì vậy khả năng bị lây của người Việt Nam do tiếp xúc từ người mắc cũng thấp.

Virus Marburg lây truyền thông qua tiếp xúc ngoài da, tiếp xúc với các bề mặt vật dụng, lây qua dịch tiết như máu hoặc tiếp xúc gần bệnh nhân ...

WHO cho biết thời gian ủ bệnh Marburg là từ 2 ngày đến 3 tuần. Các triệu chứng bắt đầu đột ngột với sốt dữ dội và đau đầu. Vài ngày sau khi khởi phát, nhiều bệnh nhân bị nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng kéo dài tới một tuần. Các trường hợp nặng có kèm theo chảy máu trong tuần đầu tiên. Một số bệnh nhân nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu; chảy máu nướu răng, mũi và cơ quan sinh dục. Bệnh có thể lan đến hệ thần kinh khiến người bệnh trở nên lú lẫn, dễ cáu gắt và hung dữ.

WHO cho biết thêm: Hầu hết các trường hợp tử vong sau hơn một tuần mắc bệnh và thường đi kèm với sốc và mất máu nghiêm trọng.