Khả năng đáp ứng của ngành Y tế khu vực biên giới, hải đảo còn hạn chế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng việc triển khai Dự án quân dân y kết hợp vẫn gặp nhiều khó khăn vì khả năng đáp ứng của ngành y tế khu vực biên giới, hải đảo còn hạn chế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại hội nghị tổng kết Dự án quân dân y kết hợp (Ảnh: Minh Thuý)
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại hội nghị tổng kết Dự án quân dân y kết hợp (Ảnh: Minh Thuý)

Thông tin trên được ThS. Phạm Quang Huy – Trưởng Phòng Y tế Quốc phòng, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế – đưa ra tại hội nghị tổng kết Dự án quân dân y kết hợp thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 do Bộ Y tế tổ chức vào chiều nay (30/11).

Hội nghị được tổ chức nhằm tổng kết Dự án quân dân y kết hợp thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020, đồng thời, đưa ra phương hướng, nhiệm vụ thực hiện dự án trong 5 năm tới.

Tăng cường chăm sóc sức khoẻ cho quân và dân

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay: Trong những năm qua, Bộ Y tế, Quốc phòng đã phối hợp với các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả Chương trình Kết hợp quân dân y chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và bộ đội theo đúng chủ trương, định hướng chiến lược phát triển sự nghiệp y tế của Đảng, Nhà nước, nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, hải đảo, khu vực trọng điểm quốc phòng - an ninh.

Với mục tiêu chiến lược “Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành Y tế, cả Quân y và dân y vào việc phục vụ sức khoẻ nhân dân và lực lượng vũ trang trong thời bình; chuẩn bị sẵn sàng và đối phó có hiệu quả khi có chiến tranh và các tình huống cần thiết khác”, qua 30 năm triển khai thực hiện, Dự án quân dân y kết hợp đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Dự án đã hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị hỗ trợ cho hơn 30 cơ sở khám chữa bệnh quân dân y khu vực biên giới, hải đảo; chú trọng đầu tư cho các huyện đảo, bảo đảm được nguồn cung cấp oxy phục vụ cấp cứu điều trị trên khu vực biển đảo

Chỉ tính riêng trong năm 2016, Dự án đã hỗ trợ trang thiết bị cho phòng khám quân dân y biên giới Điện Biên, trang bị máy phát điện, máy siêu âm cho y tế các huyện đảo, xã đảo: Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, An Nhơn với kinh phí trên 4 tỉ đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (Ảnh: Minh Thuý)

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (Ảnh: Minh Thuý)

Từ năm 2017-2019, Dự án đã đầu tư hỗ trợ các địa phương trang bị cho các huyện đảo và đảo xa bờ hệ thống tạo, nạp oxy công suất lớn (5 huyện đảo và đảo Thổ Chu) và 1 trung tâm an dưỡng tàu ngầm của Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân; trang bị cho Phòng mổ tại các huyện đảo bảo đảm có thể cấp cứu, vận chuyên nạn nhân bảo đảm an toàn với kinh phí gần 40 tỉ đồng.

Bệnh viện Quân y 105, Tổng cục Hậu cần đã xây dựng mô hình điểm về phát triển kỹ thuật tại bệnh viện huyện Quảng Uyên, Cao Bằng, Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ nâng vào năng lực cho quân y hải quân, các đơn vị quân đội tham gia chương trình y tế tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Ban Quân dân y các quân khu, các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo tổ chức hàng trăm phân đội quân y, quân dân y tổ chức cấp cứu, vận chuyển và điều trị, xử lý vệ sinh phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường sau thiên tai, lũ lụt bảo đảm không có dịch bệnh xảy ra.

Lực lượng quân y toàn quân làm nòng cốt trong phòng chống thiên tai thảm họa, dịch bệnh, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh COVID -19. Tiêu biểu là Quân y Bộ đội biên phòng, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, các quân khu 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9... Lực lượng Quân y các Quân khu 1, 2, 3, 7, 9 đã tổ chức các đội cơ động, các tổ phòng chống lụt bão phối hợp với lực lượng y tế địa phương hỗ trợ các địa phương cấp cứu, vận chuyển, điều trị cho nhân dân; đặc biệt là Quân y quân khu 4, 5 và các bệnh viện Quân y và dân y toàn quốc đã hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại nặng nề trong đợt bão lũ tại khu vực miền Trung vừa qua.

Nhằm tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ quân và dân, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư quy định về tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân dân y và tổ chức chỉ đạo hoạt động kết hợp quân dân y; thông tư hướng dẫn khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Bộ Quốc phòng cũng đã có quy chế tổ chức vận chuyển cấp cứu người bị thương, bị bệnh trên các vùng biển, đảo, vùng sâu, vùng xa bằng máy bay quân sự đã tạo điều kiện để tổ chức cấp cứu, vận chuyển kịp thời cho hàng chục nạn nhân mỗi năm chủ yếu ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Khả năng đáp ứng của ngành Y tế khu vực biên giới, hải đảo còn hạn chế

Theo ThS. Phạm Quang Huy – Trưởng Phòng Y tế Quốc phòng, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế – cho biết: Sau khi Dự án quân dân y kết hợp thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 được triển khai, hoạt động kết hợp Quân dân Y đã được Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, các địa phương ủng hộ, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Thời gian qua, hoạt động của Ban Quân dân Y cấp quân khu đã đi vào nền nếp, các tỉnh, thành phố đã xây dựng được kế hoạch hoạt động thường xuyên nên đã phát huy được hiệu quả. Điển hình là các chính sách về về quốc phòng an ninh, kinh tế - xã hội, Nghị định quy định về công tác kết hợp quân dân y tạo hành lang pháp lý quan trọng để các đơn vị triển khai có hiệu quả tại cơ sở.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng việc triển khai Dự án quân dân y kết hợp vẫn gặp nhiều khó khăn. Thực tế, khả năng đáp ứng của ngành Y tế khu vực biên giới, hải đảo vẫn còn hạn chế, nhiều cơ sở y tế xuống cấp; trang thiết bị cũ, lạc hậu, không đồng bộ; việc đầu tư chuyên sâu của ngành Y tế về con người, trang bị cho nhiệm vụ khắc phục hậu quả của thiên tai, thảm họa còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp; kinh phí đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Không chỉ vậy, ngân sách hàng năm của dự án còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu; kinh phí phần cho địa phương mới chỉ bảo đảm cho một số tỉnh biên giới, các tỉnh còn lại chưa bố trí được kinh phí nên việc triển khai các mục tiêu của dự án còn nhiều vướng mắc.

ThS. Phạm Quang Huy – Trưởng Phòng Y tế Quốc phòng, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thuý)

ThS. Phạm Quang Huy – Trưởng Phòng Y tế Quốc phòng, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thuý)

Bên cạnh đó, việc xây dựng, củng cố từng bước nâng cao năng lực cho các đơn vị y tế dự bị động viên được Chính phủ giao còn chậm, kinh phí hỗ trợ cho các địa phương thực hiện còn hạn chế. Công tác huấn luyện diễn tập nâng cao sức chiến đấu và phục vụ của các đơn vị này còn hạn chế do thiếu kinh phí triển khai.

Để khắc phục những khó khăn trên, Đại tá Nguyễn Vân Giang – Phó Cục trưởng, Bí thư Đảng uỷ Cục Quân y - đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phù hợp, đồng thời, chỉ đạo các địa phương nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng khám sức khoẻ nghĩa vụ quân sự, tuyển sinh quân sự bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, giảm tỷ lệ công dân không đủ điều kiện sức khoẻ, phải bù đổi và lọt vào quân đội (một số bệnh như: tật khúc xạ, HIV, tim mạch, tâm thần, ma tuý).

Đáng chú ý, hiện nay, Bệnh viện quân dân y tỉnh An Giang đã có nguồn ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng vẫn chưa có nguồn ngân sách đảm bảo trang thiết bị y tế. Vì vậy, Đại tá Nguyễn Vân Giang cũng đề nghị Bộ Y tế sớm xem xét hỗ trợ kinh phí đầu tư để bệnh viện sớm đi vào hoạt động.