Hà Nội: 100% người dân được quản lý sức khoẻ từ cuối năm 2017

VietTimes -- Hà Nội đang đặt chỉ tiêu đến 31/12/2017, 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe trên hệ thống quản lý sức khoẻ toàn dân. Người dân có thể truy vấn các thông tin cơ bản về sức khoẻ, tiền sử bệnh tật qua hệ thống, qua mã định danh (ID) và các thông tin bảo mật khác.
Lợi ích của việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân gắn với mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân. Ảnh minh hoạ: Internet
Lợi ích của việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân gắn với mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân. Ảnh minh hoạ: Internet

UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND về xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn thành phố.

Theo thông tin từ UBND TP Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 là 100% số Trạm Y tế có đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT; 100% các Trạm Y tế thực hiện được tối thiểu 85% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% Phòng khám đa khoa khu vực thực hiện tối thiểu 85% danh mục kỹ thuật được cấp có thẩm quyền quy định; 100% Bệnh viện huyện thực hiện được tối thiểu 85% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện.

Đặc biệt, đến 31/12/2017, toàn thành phố có 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; phấn đấu 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe; 100% các xã, phường, thị trấn hoàn thành việc đầu tư Trạm Y tế kiên cố.

Bước sang giai đoạn đến năm 2025, toàn thành phố duy trì 100% số Trạm Y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu; 100% Trạm Y tế thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% Phòng khám đa khoa khu vực thực hiện tối thiểu 90% danh mục kỹ thuật được cấp có thẩm quyền quy định; 100% Bệnh viện huyện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; duy trì 100% xã giữ vững tiêu chí quốc gia về y tế xã; duy trì 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Để thực hiện các chỉ tiêu trên, UBND TP đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới y tế cơ sở; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở; tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở, thành phố tiếp tục đầu tư để hoàn thiện, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở.

Theo đó, huy động ngân sách thành phố, ngân sách các quận, huyện, thị xã và các nguồn vốn hợp pháp khác để tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất các Trung tâm Y tế, Phòng khám Đa khoa khu vực, Trạm Y tế nhằm hoàn hệ thống y tế cơ sở của thành phố.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, ngân sách thành phố, ngân sách quận, huyện, thị xã tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn xuống cấp cần phải xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp; việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng, nâng cấp các trạm y tế xã phải theo thiết kế, quy mô phù hợp với phân vùng Trạm Y tế và theo nhu cầu thực tế ở địa phương, bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí.

*Tại cuộc họp mới đây của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam với Sở Y tế Hà Nội, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Hà Nội gấp rút triển khai việc quản lý hồ sơ sức khỏe cho người dân.

Theo đó, hệ thống quản lý sức khoẻ toàn dân sẽ cung cấp thông tin cơ bản về sức khoẻ, tiền sử bệnh tật của người dân khi có yêu cầu và theo quy định. Mỗi người dân có thể tự biết tình trạng sức khoẻ của mình thông qua hệ thống quản lý sức khoẻ toàn dân, qua mã định danh (ID) và các thông tin bảo mật khác như điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã vạch...

Để thực hiện và triển khai tốt công tác này, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cần tháo gỡ cơ chế, cho phép người tham gia BHYT được khám, kê đơn, được mua thuốc theo BHYT theo định mức thông thường tại trạm y tế xã. Chủ tịch UBND TP cũng đã yêu cầu Sở Y tế Hà Nội hoàn thành công tác chuẩn bị quản lý hồ sơ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Thủ đô trước ngày 30/6 để mỗi người có mã số hồ sơ chăm sóc sức khỏe.