Kerim Kerimov được gọi là nhà lãnh đạo bí mật nhất ở Liên Xô. Tên tuổi của ông không bao giờ lọt ra báo chí, còn nếu truyền hình có phát về ông thì luôn chỉ quay đằng sau lưng. Tuy nhiên, công việc của ông lại hết sức quan trọng và cực kỳ trách nhiệm đối với đất nước.
Phục vụ phòng thủ đất nước
Kerim Kerimov sinh năm năm 1917 tại thủ đô Baku của Azerbaijan. Ông tốt nghiệp đại học công nghiệp Azerbaijan. Năm 1941, ông theo học ở Học viện pháo binh. Sau đó ông được điều về Ban đại diện quân sự Tổng cục các đơn vị súng cối cận vệ tại các nhà máy ở Moscow và tỉnh Moscow.
Kerim Kerimov- Vị tướng ẩn danh đầy quyền lực. |
Từ đó cho đến hết chiến tranh, vị đại diện quân sự Kerimov đã nhận ở nhà máy những quả đạn tên lửa cho “Katyusha”. Đầu năm 1946 Kerimov được cử đi công tác tại viện RABE, thành phố nhỏ Bleicherode của Đức, ở đó ông nghiên cứu các tên lửa “Phau-2” (V2) của Đức. Sau này, trong suốt 20 năm ông công tác ở Bộ quốc phòng Liên Xô, giữ mọi cương vị từ kỹ sư trưởng đến lãnh đạo Cục 3 Tổng cục vũ khí tên lửa.
Vị tướng “vũ trụ”
Năm 1965, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Liên Xô và Hội đồng bộ trưởng Liên Xô đã bổ nhiệm Kerimov làm chủ tịch Uỷ ban nhà nước về các chuyến bay tàu vũ trụ có người lái.
Kerimov có trách nhiệm xem xét và phê duyệt báo cáo của lãnh đạo kỹ thuật, tức là Sergei Corolev, về chương trình các chuyến bay của các tổ hợp tên lửa vũ trụ, cũng như các nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong vũ trụ vì lợi ích khoa học và kinh tế quốc dân.
Chủ tịch cũng phân tích kết quả thử nghiệm phần vật liệu của các tên lửa- mang, các tàu vũ trụ và các trạm vũ trụ, và thông qua quyết định đưa những tổ hợp này vào thử nghiệm tại chỗ.
Năm 1966 sau cái chết của Sergei Corolev, Kerim Kerimov trở thành nhà bác học hàng đầu của chương trình vũ trụ Liên Xô và chịu trách nhiệm về việc phóng các trạm vũ trụ đầu tiên từ năm 1971 đến 1991, bao gồm “Soyuz”, “Mir” và những “tiền bối” của chúng từ những năm 1960 – “Cosmos-186” và “Cosmos-188”. Theo khẳng định của Ekaterina Beloglazova- tác giả cuốn “Vị tướng tuyệt mật”, các phi công vũ trụ phải báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ này hay các nhiệm vụ khác cho chính Kerim Kerimov. Bởi vậy, không ngạc nhiên rằng tên của Kerimov không bao giờ được công bố. Người ta cũng không thể nhìn thấy khuôn mặt của Kerimov trong các chương trình truyền hình hay các mẩu tin: khán giả luôn chỉ nhìn thấy lưng của nhà lãnh đạo quân sự bí mật nhất đất nước.
Ra mắt tàu vũ trụ Soyuz-4 tại Cosmodrome Baikonur vào ngày 14/1/1969.Nguồn: Sputniknews. |
Trung thành với sự nghiệp
Đất nước luôn ghi nhận công lao của Kerim Kerimov: ông nhận được phần thưởng Stalin, Lenin và nhà nước, được tặng thưởng nhiều huân huy chương và năm 1987 được phong Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa. Ông nghỉ hưu khi đã ngoài 70 tuổi. Tuy nhiên, vị tướng bí mật nhất Liên Xô vẫn rất trung thành với công việc của mình và tiếp tục làm tư vấn cho trung tâm điều khiển các chuyến bay. Và điều đó cũng là đúng bởi các kinh nghiệm của ông đối với ngành vũ trụ là vô giá.
Sau khi nghỉ hưu được 4 năm, tên tuổi của Kerimov cuối cùng cũng trở nên nổi tiếng trong xã hội. Chính lúc đó tập hồi ký của Kerimov với nhan đề “Đường vào vũ trụ” được xuất bản.
Nhờ Kerimov, Liên Xô duy trì được vị thế dẫn đầu trong cuộc chạy đua vũ trụ suốt thời gian dài. Cho nên, sự quan tâm của độc giả tới cuốn sách của ông là điều dễ hiểu. Cuốn hồi ký này là đầu tiên và cũng là cuối cùng của Kerimov. Năm 2003 vị tướng qua đời, thọ 86 tuổi. Ngày nay ông không còn là bí mật nữa và tên của ông được đặt cho hai ngôi trường số 1583 và 157 ở Moscow.