Kế hoạch “giữ giếng dầu” ở Syria của ông Trump có thể là “con dao hai lưỡi“

VietTimes -- Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đưa ra kế hoạch duy trì một lượng binh sĩ nhất định ở Syria để "đảm bảo nguồn dầu khí" đã cho thấy một chính sách đầy rối loạn, mâu thuẫn và có khả năng sẽ trở thành "con dao hai lưỡi" đối với nước Mỹ.
Sau khi rút binh sĩ khỏi Syria, ông Trump lại muốn triển khai binh sĩ ở nước này để "giữ giếng dầu" (Ảnh: RT)

Hồi đầu tháng này, ông Trump đã tận dụng thời cơ Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chiến dịch quân sự ở Syria để cắt giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Syria, nói rằng đây là tiền đề để rút hết binh sĩ khỏi quốc gia Trung Đông này. Quyết định rút quân của ông lập tức khiến các nhà lập pháp ở Washington phẫn nộ bởi cho rằng đây là hành động "phản bội" đồng minh người Kurd. Sự phẫn nộ càng tăng khi Moscow và Ankara đạt thỏa thuận có lợi cho tất cả các bên ở Syria - chỉ ngoại trừ Mỹ, bên vẫn khăng khăng muốn thay đổi chế độ ở Syria.

Dù cho ông Trump không chính thức tiêu hủy chính sách thay đổi chế độ ở Syria có từ thời Barack Obama, nhưng quyết định rút quân của ông được xem là đã chấm dứt chính sách đó. Thế nhưng, việc ông Trump bất ngờ công khai kế hoạch bảo vệ các giếng dầu ở Syria lại cho thấy, dường như có ai đó đã thuyết phục ông "giữ một chân" lại chiến trường Syria.

"Chúng tôi muốn giữ lượng dầu" - ông Trump nói trong tuần này, khiến nhiều người bối rối.

Hôm thứ Năm vừa qua, trong lúc cố gắng giải thích về kế hoạch đó, ông Trump nói rằng các giếng dầu "đã bị IS kiểm soát cho tới khi Mỹ chiếm lại chúng với sự hỗ trợ của người Kurd. Chúng tôi sẽ không bao giờ để IS chiếm lại các mỏ dầu đó!".

Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy phiến quân IS sẽ trỗi dậy từ đống tro tàn, trong khi chính quyền Syria coi kế hoạch chiếm các giếng dầu của họ như hành động cướp bóc.

Được biết vào năm 2011, ông Trump từng đưa ra nhiều bình luận cho rằng Mỹ chiếm các mỏ dầu ở Iraq như một "khoản bồi thường" cho cuộc chiến năm 2003 ở quốc gia Trung Đông này, thế nhưng lại không áp dụng nó với Syria hiện nay. Trớ trêu thay, ông Trump mới đây còn khoe rằng chính quyền của ông đã giúp nước Mỹ gia nhập các nước xuất khẩu dầu khí hàng đầu thế giới nên không cần các dầu khí ở Syria.

Hãng RT của Nga dẫn lời nhà báo Andrey Ontikov còn cho rằng, các mỏ dầu đang được nhắc tới ở Syria chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước, và quá nhỏ để có thể khiến Washington để mắt tới.

Mục đích thực sự của Mỹ có thể nằm trong phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, người mới đây nói rằng mục đích của việc duy trì binh sĩ Mỹ ở Syria là "tránh IS hay các nhóm khác thu được lợi nhuận từ các hoạt động đen tối", như chiếm lấy các mỏ dầu.

Thế nhưng nhiều nhà quan sát lại cho rằng "canh bạc dầu khí" của Mỹ ở Syria không thực sự là nhằm ngăn chặn IS, mà nhằm ngăn chính quyền Damascus sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên của chính họ để tái xây đựng dất nước.

Vốn đã chịu nhiều đòn cấm vận của Mỹ và các đồng minh EU, Syria rất cần tới các nguồn dầu khí trong nước để giúp người dân sống sót qua mùa đông.

Hiện nay, có rất nhiều người cho rằng chính sách "giữ giếng dầu ở Syria" của Mỹ là ý tưởng của một ai đó ở Washington - một nhân vật luôn khao khát thay đổi chế độ ở Syria trong suốt cuộc nội chiến kéo dài 8 năm qua. Hãng NBC News thậm chí còn đưa ra một cái tên cụ thể: Tướng nghỉ hưu Jack Keane - chuyên gia phân tích quân sự cho kênh Fox News - người mới đây đã thông báo vắn cho ông Trump về các giếng dầu của Syria.

Dù ông Keane là người luôn phản đối việc Mỹ rút quân khỏi Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói trung, nhưng ông Trump trước đây thường phớt lờ những lời khuyên của nhân vật này, thay vào đó trọng dụng một nhân vật khác ở Fox News là Tucker Carlson, và cựu đại tá Douglas Macgregor hơn - cả hai đều là những người ủng hộ việc rút quân khỏi Syria.

Những người phản đối kế hoạch điều binh bảo vệ giếng dầu ở Syria đều cho rằng đây là hành động phi pháp, cũng giống như sự hiện diện quân sự của Mỹ ở nước này.

"Canh bạc dầu khí" của Mỹ có thể là một hành động phi pháp - và nó còn có thể tồi tệ hơn, là một sai lầm. Bằng việc duy trì binh sĩ ở Syria để "giữ giếng dầu", ông Trump có thể hứng thất bại thay vì chiến thắng, dù cho đó có là ý tưởng của nhân vật bí ẩn nào ở Washington đi chăng nữa.

Theo RT