Mỹ lên kế hoạch điều binh lực khủng tới Syria tranh giếng dầu, tự đặt mình vào thế đối đầu với Nga

VietTimes -- Mỹ hiện đang soạn thảo một kế hoạch triển khai binh sĩ và xe tăng tới bảo vệ các giếng dầu ở miền Đông Syria, ngay sau khi Washington vừa rút hết binh sĩ khỏi miền Bắc của nước này.
Chiến sự diễn ra giữa IS và SDF tại mỏ dầu ở Al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah, Syria hồi tháng 6 vừa qua (Ảnh: Newsweek)
Chiến sự diễn ra giữa IS và SDF tại mỏ dầu ở Al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah, Syria hồi tháng 6 vừa qua (Ảnh: Newsweek)

Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc mới đây nói với tờ Newsweek rằng Mỹ đang tìm cách triển khai một đội chiến đấu bao gồm 30 xe tăng Abram cùng nhân sự tới miền Đông Syria, nơi có nhiều giếng dầu đang nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng vũ trang người Kurd – tổ chức từng giúp Mỹ trong chiến dịch chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Kế hoạch này đang chờ được Nhà Trắng phê duyệt.

Quan chức trên cũng cho hay, các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cùng Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) người Kurd sẽ được tham gia kế hoạch bảo vệ các giếng dầu này.

Thông tin trên được tiết lộ sau khi binh sĩ Mỹ được lệnh rút khỏi các vùng lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của SDF, nơi mà Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách dập tắt tầm ảnh hưởng của YPG nhờ vào sức mạnh của các nhóm nổi dậy ở Syria mà họ hậu thuẫn. Chiến dịch tấn công của Ankara hiện đã tạm ngừng nhờ một thỏa thuận với Mỹ, trong đó quy định chiến dịch bị hạn chế trong một “vùng an toàn” kéo dài 20 dặm – động thái mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tự nhận là đã cứu “hàng nghìn người”, cùng lúc giúp binh sĩ Mỹ rút khỏi Syria.

Tuy nhiên, trong hôm thứ Tư vừa qua, ông Trump nói rằng ông sẽ duy trì binh sĩ tại một khu đồn trú nhỏ ở Al-Tanf và trên khắp các giếng dầu quan trọng từng bị các phe phái nổi dậy ở Syria – sau là IS – nắm giữ. Hiện các giếng dầu này đang thuộc quyền kiểm soát của SDF mà Mỹ hậu thuẫn.

“Chúng tôi đã giành lại được các giếng dầu, và bởi vậy mà một số lượng nhỏ binh sĩ Mỹ sẽ duy trì trong khu vực đó” – ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng – “Và chúng tôi sẽ bảo vệ nó, chúng tôi đang quyết định xem sẽ làm gì với nó trong tương lai”.

Mỹ ban đầu gia nhập với Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các phe nổi dậy hòng lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhưng sau đó quay sang ủng hộ SDF để đánh bại IS. Khi mà IS hầu như bị đánh bại và chính quyền Assad tăng cường sức mạnh nhờ sự hỗ trợ từ Nga, Iran, Mỹ bắt đầu mở rộng chiến dịch nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của các bên địch thủ ở Syria.

Theo nguồn tin quốc phòng và Newsweek dẫn lại, việc triển khai xe tăng Abram tới Syria là có nhiều mục đích: Giữ cho IS, chính phủ Syria, Iran và các lực lượng đồng minh tránh xa khỏi các giếng dầu ở miền Đông Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu vẫn coi YGP là tổ chức khủng bố vì có liên hệ với đảng Lao động người Kurd (PKK) ở nước họ. Mỹ thì chật vật trong việc hòa giải giữa hai bên đồng minh này nhưng bất thành. Sau 2 chiến dịch xuyên biên giới nhằm dập tắt tầm ảnh hưởng của người Kurd ở miền Bắc Syria trong những năm gần đây, hồi đầu tháng này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mở chiến dịch lần thứ ba nhằm vào người Kurd.

Việc ông Trump nhanh chóng rút quân khỏi khu vực có chiến dịch của Ankara ban đầu vấp phải vô số lời chỉ trích từ cả phía trong nước và từ người Kurd ở Syria. Mỹ sau đó lên án hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, và đạt được thỏa thuận ngừng bắn 5 ngày với Ankara. Sau đó, một thỏa thuận toàn diện hơn đã được ký kết sau khi ông Erdogan có cuộc thảo luận trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Sochi.

Binh sĩ Mỹ canh gác gần mỏ dầu Omar ở Deir Ezzor, miền Đông Syria hồi tháng 3 năm nay (Ảnh: Newsweek)
Binh sĩ Mỹ canh gác gần mỏ dầu Omar ở Deir Ezzor, miền Đông Syria hồi tháng 3 năm nay (Ảnh: Newsweek)

Bất chấp thực tế là Mỹ đã rút quân, nhưng tướng Mazloum Kobane của SDF vẫn gửi lời cảm ơn tới ông Trump vì ký thỏa thuận ngừng bắn với Ankara và lời cam kết sẽ duy trì quan hệ đối tác với SDF.

Trong khi đó, Tổng thống Assad mới đây gọi việc thiết lập quan hệ đối tác với lực lượng người Kurd là “trách nhiệm quốc gia” đồng thời tuyên bố sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ của Syria. Moscow cũng đưa ra quan điểm tương tự, khi Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov nói với RIA Novosti rằng tất cả các giếng dầu “nên thuộc quyền kiểm soát của chính phủ hợp pháp”.

Một số báo cáo trước đó cho rằng SDF đã có một số thỏa thuận bán dầu cho chính phủ Syria. Khi nhận được câu hỏi từ báo giới về các vấn đề xung quanh giếng dầu ở Syria, một quan chức cấp cao nói rằng quyết định liên quan tới các nguồn tài nguyên này vẫn chưa được quyết định.

“Tổng thống đã tuyên bố rằng chúng tôi đang sắp triển khai một lực lượng tới khu vực để bảo vệ những vùng có giếng dầu, cũng như tới căn cứ ở Al-Tanf, miền Nam Syria. Đây là những khu vực quan trọng cho phép chúng tôi kiềm chế sự trỗi dậy của IS” – vị quan chức cho hay.

Hôm đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng đã đưa ra tuyên bố liên quan tới các giếng dầu ở Syria.

“Chúng tôi có binh sĩ ở một số thị trấn nằm ở khu vực Đông Bắc Syria, gần với các giếng dầu. Binh sĩ ở các thị trấn này không thuộc giai đoạn hiện tại của kế hoạch rút quân” – ông Esper nói – “Kế hoạch rút quân hiện tại diễn ra trong nhiều tuần liền, chứ không phải vài ngày. Cho đến lúc đó, các lực lượng của chúng tôi vẫn duy trì trong các thị trấn gần các giếng dầu. Mục đích của các lực lượng đó là tránh để rơi các giếng dầu vào tay IS”.

Theo Newsweek