Nhiều đơn vị đã vi phạm bản quyền các trận đấu trong khuôn khổ Cúp C1 ngay sau khi K+ có bản quyền phát sóng.
Như ICTnews đã đưa tin, ngay sau khi K+ sở hữu thành công bản quyền Champions League và phát sóng những trận đấu đầu tiên trong khuôn khổ vòng 1/8 Champions League 2017/18 vào tối ngày 9/3/2018 thì tình trạng xâm phạm bản quyền đã ngang nhiên diễn ra. Một số cá nhân, cơ quan truyền thông đã truyền hình trực tiếp (live streaming) trận đấu trên hệ thống của mình, cũng như trên nền tảng mạng xã hội như Facebook...
Vào ngày 10/3/2018, đơn vị được K+ ủy quyền là Văn phòng Luật sư Phan Law Việt Nam (Phan Law) đã gửi thư cảnh báo tới 4 trang web tivi8k.net, keonhacai.com, xemtivifull.com. tv.101vn.com, xembongda24h.net, sau khi phát hiện các trang này phát sóng trực tiếp trận đấu AC Milan - Arsenal vào lúc 1h00 ngày 9/3/2018 và trận đấu Atl Madrid - Lokomotiv Moscow vào lúc 1h00 ngày 9/3/2018.
Theo quy định của Liên đoàn bóng đá châu Âu UEFA, khi bán bản quyền cho bất cứ một đơn vị nào, đơn vị đó ngoài việc trả tiền bản quyền để được phát sóng thì phải có trách nhiệm bảo vệ bản quyền, không cho phép bất cứ một đơn vị nào khác phân phối, ghi hình, quay hình, kinh doanh, phát sóng dưới bất cứ hình thức nào khác. Việc vi phạm bản quyền của các cá nhân, cơ quan truyền thông tại Việt Nam không sở hữu bản quyền Champions League không chỉ tổn hại tới những quyền lợi chính đáng của K+, mà còn làm giảm uy tín của các doanh nghiệp Việt Nam trong môi trường quốc tế.
Theo ông Lê Chí Công, Tổng Giám đốc K+, các đối tượng vi phạm bản quyền Cúp C1 lấy nguồn từ các trang web nước ngoài khá phổ biến và rất khó khăn trong việc ngăn chặn. K+ được sự hỗ trợ của chủ đầu tư là tập đoàn Canal+ tại Pháp trong việc hợp đồng với đối tác LeakID để làm việc, ngăn chặn và xử lý các website ở nước ngoài vi phạm bản quyền.
Ông Công cho biết, hiện Champions League mới phát sóng trên K+ được vài trận kể từ khi sở hữu bản quyền nên chưa có hậu quả đáng kể. Nếu các đơn vị vi phạm vẫn không chấm dứt hành vi thì việc bị cắt sóng có thể xảy ra nếu K+ không kiểm soát được nguồn tín hiệu của mình tại lãnh thổ Việt Nam, thiếu những giải pháp bảo vệ bản quyền và đặc biệt là không tuân thủ phạm vi về quyền và nghĩa vụ ghi trong hợp đồng.
Về giao kèo hai bên thì rất nhiều chi tiết, nhưng nói một cách khái quát là bên mua bản quyền phải có nghĩa vụ và biện pháp cụ thể để bảo vệ bản quyền trên lãnh thổ Việt Nam. Và tự mình không vi phạm về phạm vi và giới hạn sử dụng bản quyền được quy định trong hợp đồng.
Để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền Cúp C1, ông Lê Chí Công cho biết, trước tiên, K+ tiến hành khóa các thuê bao để lọt nguồn tín hiệu. Tiếp đến, K+ sẽ gửi thư cảnh báo đến các cá nhân, tổ chức vi phạm. Rồi gửi hồ sơ chứng cứ lên Thanh tra của Bộ TT&TT để tiến hành xử phạt. Nếu vấn đề nghiêm trọng hơn, K+ sẽ đề nghị cơ quan Công an (PC50, A68) điều tra. K+ chuẩn bị cả khả năng khởi kiện ra tòa trong trường hợp cần thiết.
K+ đang sở hữu bản quyền phát sóng của những giải đấu bóng đá quốc tế "hot" nhất Việt Nam như Champions League, Premier League, La Liga, do đó K+ luôn đặt vấn đề bảo vệ bản quyền lên hàng đầu. Ông Lê Chí Công cho biết, K+ phải giải quyết đồng bộ tất cả các khâu từ phòng chống, phát hiện và xử lý khi có vi phạm. Trước tiên là phải có các giải pháp kỹ thuật để kiểm soát chặt chẽ nguồn tín hiệu, không để dễ dàng bị share tín hiệu từ hệ thống của mình lên Internet.
“K+ tổ chức đội ngũ trực sóng (được gọi vui là "săn trộm") để phát hiện nhanh nhất những nơi đang vi phạm và kịp thời xử lý. Cuối cùng là biện pháp pháp lý để xử lý các trường hợp vi phạm, tùy mức độ khác nhau, K+ áp dụng các hình thức như nói ở phần trên”, ông Công cho hay.
Theo ICT News