Israel tốc chiến đả bại liên quân Arab trong 6 ngày ra sao

Trong vòng 6 ngày, Israel đã làm thay đổi triệt để cán cân sức mạnh ở Cận Đông. Họ đã đánh tan tác quân đội của cả 3 nước Arab giáp giới (quân đội của nước thứ tư là Li-băng thì do quá yếu, không cần kể đến), chịu tổn thất đặc biệt nặng nề là kẻ thù chính của Israel - Ai Cập.
Xe tăng Israel tấn công quân đội Arab ở Syria, năm 1967 (AP)

“Cuộc chiến tranh 6 ngày” (5-10/6/1967) ở Cận Đông đã trở thành một tên gọi phần nhiều là hư danh. Thuận ngữ này ở nghĩa rộng có nghĩa là hạ gục nhanh chóng kẻ địch về hình thức là mạnh hơn. Ở nghĩa hẹp là thực hiện thắng lợi chiến thuật đánh đòn giải giáp phủ đầu vào các sân bay đối phương, bảo đảm cho bên tấn công ưu thế trên không dẫn đến chiến thắng trên mặt đất.

Ai Cập, Syria, Iraq và Jordanie vào đầu cuộc chiến có tổng cộng đến 700 máy bay chiến đấu, còn Israel chỉ có gần 300 chiếc. Trong ngày đầu chiến tranh, phe Arab tổn thất trên các sân bay và trong các trận không chiến từ 360-420 máy bay, Israel mất từ 18-44 máy bay trong các trận không chiến và do hỏa lực phòng không mặt đất. Sự khác biệt vô vùng lớn, nhưng dẫu sao không quân Arab đã không chấm dứt tồn tại (ít ra là Không quân Ai Cập và Không quân Syria, còn Không quân Jordanie thì đã bị tiêu diệt hoàn toàn).

Thậm chí nếu chấp nhận những con số tổn thất tồi tệ nhất đối với họ thì vào sáng ngày thứ hai chiến tranh, không quân hai bên vẫn có sự cân bằng tương đối về số lượng. Tuy vậy, mặc dù các trận không chiến lẻ tẻ vẫn tiếp diễn đến ngày 9/6, quân Israel đã giành được ưu thế trên không tuyệt đối. Điều đó được lý giải bởi công tác huấn luyện bay và huấn luyện chiến đấu tốt hơn nhiều của phi công Israel, hệ thống chỉ huy không quân hiện đại hơn, cũng như cú sốc tâm lý cực mạnh của quân Arab do thảm bại ngày 5/6.

Ưu thế trên không dĩ nhiên đã hậu thuẫn mạnh mẽ cho chiến thắng của quân Israel trên mặt đất mặc dù đã không có “chuyến dạo chơi dễ dàng” đối với họ. Sư đoàn 6 bộ binh cơ giới Ai Cập thậm chí trong 2 ngày đầu chiến tranh đã thọc sâu 10 km vào lãnh thổ Israel. Nhưng ưu thế trên không, trình độ huấn luyện chiến đấu và tính chủ động cao hơn của binh sĩ Israel so với quân Arab đã đóng vai trò quyết định. Ngoài ra, ban lãnh đạo Ai Cập đã bị rơi vào hoảng loạn.

Sáng ngày 6/6, Tổng tư lệnh quân đội Ai Cập, Tướng Mohamed Abdel Hakim Amer đã hạ lệnh cho quân đội của mình ở bán đảo Sinai rút lui. Tất nhiên là cuộc rút lui này trong điều kiện bị quân Israel tấn công liên tục từ mặt đất và trên không đã rất nhanh chóng biến thành cuộc tháo chạy hỗn loạn và một thảm họa hoàn toàn.

Các trận đánh ở Sinai chấm dứt sáng 9/6, quân Ai Cập tổn thất 10.000-15.000 quân và đến 5.000 người bị bắt làm tù binh, đến 800 xe tăng (291 Т-54, 82 Т-55, 251 Т-34/85, 72 IS-3М, 29 PT-76, đến 50 Sherman), một số lượng lớn xe thiết giáp khác. Hơn nữa, một phần đáng kể xe tăng và xe bọc thép chở quân Ai Cập đã bị quân Israel chiếm giữ còn nguyên vẹn.

Số chiến lợi phẩm nhiều đến mức dù không có phụ tùng Liên Xô, người Israel đầy thực dụng đã nhận chúng vào trang bị (trong đó có 81 Т-54 và 49 Т-55) sau khi thay vũ khí và động cơ bằng sản phẩm phương Tây. Một số mẫu xe tăng, xe bọc thép trong số này đến nay vẫn phục vụ trong quân đội Israel. Ví dụ, Israel đã chế tạo dựa trên khung gầm xe tăng Т-54/Т-55 loại xe bọc thép chở quân hạng nặng rất thành công Achzarit, vốn đã được sử dụng nhiều trong chiến tranh Li-băng năm 2006. Bản thân Israel chỉ mất ở Sinai 120 xe tăng, còn ít hơn số xe tăng họ chiếm được.

Song song đã diễn ra các trận đánh giành Jerusalem và bờ Tây sông Jordan giữa Israel và Jordanie, đặc biệt là các trận đánh này đã diễn ra cực kỳ ác liệt. Ngày 6/6, quân Jordanie thậm chí đã bao vây một tiểu đoàn tăng Israel, nhưng không thể tiêu diệt được. Trình độ huấn luyện cao hơn và tính chủ động của quân Israel và ưu thế trên không lại thắng thế. Ngoài ra, quân đội Jordanie cũng là quân đội nhỏ bé nhất trong tất cả các quân đội Arab tham gia cuộc chiến này, vì vậy họ khó chống đỡ quân Do Thái hơn.

Tổn thất của các bên về tăng-thiết giáp là khá tương đồng (gần 200 xe tăng của Jordanie, hơn 100 xe tăng một chút của Israel). Chiến sự ở đây chấm dứt vào ngày 7/6, quân Arab bị đẩy bật qua bên kia sông Jordan. Quân Do Thái đã báo thù được cho thất bại năm 1948, giành lại Latrun và Thành Cổ ở Jerusalem.

Trong lúc đó, Syria vẫn chẳng làm gì mà quan sát cảnh quân Israel đánh tan các đồng minh của mình và dĩ nhiên là đã chờ được đến thời khắc định mệnh của họ bắt đầu vào ngày 9/6. Giữa trưa 9/6, quân Israel bắt đầu công kích cao nguyên Golan. Đối với họ, phần này của cuộc chiến tranh là ác liệt nhất vì bề mặt địa hình ở đây thuận lợi cho quân Arab. Thậm chí theo số liệu của mình, quân Israel đã tổn thất ở đây số xe tăng nhiều gấp đôi so với quân Syria - 160 so với 80 chiếc (điều thú vị là quân đội Syria đồng thời sở hữu cả tăng Т-34/85 và tăng Đức StuG III).

Tuy vậy, quân Do Thái vẫn tiến công cao nguyên Golan khi đã biết là họ sẽ thắng, còn quân Syria thì phòng ngự khi đã biết họ sẽ bại. Lúc 18 giờ 30, ngày 10/6, lệnh ngừng bắn chính thức bắt đầu.Quân Arab đã tổn thất không dưới 1.100 xe tăng, 380-450 máy bay chiến đấu (trong đó có đến 60 chiếc mất trong không chiến), đến 40.000 quân bị giết và bị bắt làm tù binh. Tổn thất của Israel là gần 400 xe tăng (Centurion, Sherman và М48), 45 máy bay (trong đó có 12 chiếc bị diệt trong không chiến) và 1.000 quân bị giết.

Xe tăng Sherman trên con đường từ Jerusalem đi Bethlehem, năm 1967 (AFP / East News

Trong vòng 6 ngày, Israel đã làm thay đổi triệt để cán cân sức mạnh ở Cận Đông. Họ đã đánh tan tác quân đội của cả 3 nước Arab giáp giới (quân đội của nước thứ tư là Li-băng thì do quá yếu, không cần kể đến), chịu tổn thất đặc biệt nặng nề là kẻ thù chính của Israel - Ai Cập. Điều còn quan trọng hơn là nay vị thế địa lý của Israel đã trở nên rất thuận lợi. Tính đến sáng 5/6, quân Arab đã có khả năng về lý thuyết cắt đôi Israel trong chưa đến 1 giờ (lãnh thổ Israel ở vị trí hẹp nhất từ biên giới với Jordanie đến bờ biển Địa Trung Hải chỉ rộng vẻn vẹn có 15 km).

Chiều ngày 10/6, nhà nước Do Thái từ phía bắc đã được che chở chắc chắn bằng cao nguyên Golan, từ phía đông bởi sông Jordan, từ phía đông nam là kênh đào Suez, cũng như bởi không gian của bán đảo Sinai và sa mạc Negev. Ban lãnh đạo Israel tin rằng, họ đã bảo đảm được an ninh cho đất nước mình trong ít nhất 20-25 năm nữa. Năm 1970, tình thế địa-chính trị đối với Israel còn thuận lợi hơn nữa, sau khi do mâu thuẫn với người Palestine và nước đứng sau hậu thuẫn họ là Syria mà Jordanie thực tế đã rút khỏi mặt trận chống Israel.

Cuộc chiến tranh 6 ngày là chiến thắng khải hoàn rực rỡ của quân đội Israel. Cho đến ngày nay, quân đội Israel vẫn là sức phủ định sống động luận thuyết Anglo-Saxon về những ưu thế của quân đội “nhà nghề”, tức là quân đội đánh thuê. Quân đội Israel có thể nói là quân đội có tần suất gọi lính nghĩa vụ nhất thế giới, kể cả phụ nữ, không cho phép chọn công việc khác thay cho việc nhập ngũ (trừ đi tù). Đồng thời, quân đội Israel cũng có trình độ huấn luyện chiến đấu cực kỳ cao, điều kiện sống của binh sĩ rất tuyệt vời, không có nạn bạo hành.

Cách giải thích quen thuộc cho hiện tượng này là ở chỗ “Israel bị bao vây với các kẻ thù” là hoàn toàn vô nghĩa. Việc bị kẻ thù bao vây hiển nhiên đòi hỏi sự hiện diện của một quân đội nghĩa vụ (nhìn chung, nguyên tắc tuyển quân của quân đội bất kỳ nước nào cũng được xác định bởi những nhiệm vụ đặt ra cho họ, không có gì hơn), nhưng nó không có liên quan gì đến cơ cấu bên trong quân đội và chất lượng huấn luyện binh sĩ.

Quân đội Israel, ngoài ra, cũng tìm được điểm cân bằng tối ưu giữa chuyện hoàn toàn xem nhẹ tổn thất của mình và bệnh quá sợ thương vong. Truyền thống của Nga sẵn sàng dùng cả đống xác người đã quật ngã kẻ địch đã gây tổn hại không thể bù đắp cho quỹ gien của dân tộc Nga. Nhiều nước phương Tây lại thể hiện một cách nhìn ngược lại: họ rất sợ mất dù một người lính, nên kết quả là quân đội đơn giản là không còn là quân đội mà biến thành một ký sinh trùng hoàn toàn không còn sức chiến đấu, nhưng lại đốt tiền của người đóng thuế.

Đối với Israel, sinh mạng những người lính của họ là một thứ thiêng liêng, nhưng việc thực hiện nhiệm vụ chiến đấu cũng là thiêng liêng. Họ sẽ làm tất cả để tổn thất của họ càng nhỏ càng tốt, nhưng nếu như tổn thất là khong tránh khỏi thì đó cũng là quy luật của chiến tranh.

Từ giác độ chính trị, cách hành xử của Israel trong tháng 6/1967 hiển nhiên là một cuộc xâm lược. Nhưng không thể không thấy rằng, trước khi khai chiến, tuyên truyền chống Israel ở các nước Arab đã chuyển sang giai đoạn điên cuồng công khai và Tel Aviv có thể diễn giải nó như sự chuẩn bị cho cuộc xâm lược chống lại họ. Trog điều kiện các nước Arab có ưu thế đáng kể về quân sự và địa lý, cuộc xâm lược đó có lẽ sẽ đẩy Israel vào tình thế cực kỳ nguy ngập, bởi vậy, họ đã quyết định đánh phủ đầu và để lưu ý rằng, không ai lên án người chiến thắng. Dĩ nhiên là những giọng điệu hay gắt điên cuồng rất nhiều khi là chỉ để dành cho nhu cầu tiêu dùng nội bộ. Tuy vậy, các đối tượng bên ngoài của luận điệu điên cuồng đó không nhất định hiểu rằng, tất cả những chuyên đó chỉ là “chửi cho vui”. Người Arab đơn giản chỉ là “đáp lại cái chợ” mà điều đó thì cũng phải thôi. Không biết đánh nhau thì ngồi yên và câm miệng đi.

Bốn thập niên qua đã cho thấy, cuộc chiến tranh 6 ngày đã là đỉnh cao thắng lợi của Israel. Sau đó, đã bắt đầu những thoái bộ. Tuy nhiên, sự tất yếu của những thoái bộ đó chính là do cuộc chiến này đặt nền móng. Mất đi các vùng lãnh thổ, người Arab lại có được sự biện giải pháp lý cho chủ nghĩa bài Do Thái của mình.

Sau khi chiếm được bờ Tây sông Jordan và dải Gaza, quân Israel đã nhận được một cộng đồng dân cư hoàn toàn thù địch ở ngay trong đất nước mình, cộng đồng này, như thực tế cho thấy, nhờ có tỷ lệ sinh cao hơn rất nhiều, rất nhanh sẽ có thể vượt qua dân số Do Thái của Israel. Kết quả là sự cải thiện thoáng qua vị thế chiến lược đã biến thành quả bom nổ chậm cực mạnh ở bên dưới nhà nước Do Thái.

Các quân đội Arab từ lâu không dám gây chiến với quân đội Israel. Nhưng với “bản năng chính” thì người Arab mọi thứ vẫn ổn. Vũ khí nhân khẩu ngày nay đang mạnh mẽ hơn nhiều vũ khí truyền thống. Một Palestine là số không về quân sự đang dần giành được cái mà các quốc gia vũ trang đến tận răng Ai Cập và Syria đã không tài nào làm được.

Theo VND