Ngày mà nguồn lương thực cạn kiệt, mái nhà hai tầng không còn đủ sức chống đỡ những trận mưa xối xả, gia đình ông Abdallah Abu Saif đã đặt người ông 82 tuổi lên một chiếc xe kéo lừa và rời khỏi thành phố Jabalia.
Ông Abu Saif, gầy mòn vì đói, gần như bị điếc do bom đạn, nhận ra rằng có thể sẽ không bao giờ quay lại đây. Ông gọi đứa cháu nhỏ nhất đỡ mình ngồi dậy để được nhìn lần cuối những địa danh gắn liền với cuộc đời mình: sảnh cưới nơi ông tổ chức hôn lễ cho 4 người con trai, ngôi trường ông từng học và giảng dạy, cùng nghĩa trang nơi cha mẹ ông yên nghỉ.
Nhưng vào ngày định mệnh đó, “không còn gì để thấy, chỉ còn đống đổ nát”, con trai ông, Ibrahim, kể lại. “Cả cuộc đời ông đã bị xóa sạch. Những gì còn lại chỉ là ký ức”.
Từ sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas vào Israel, kéo theo cuộc chiến toàn diện, không nơi nào ở Gaza thoát khỏi sức tàn phá khốc liệt của quân đội Israel. Hiện nay, các nhà hòa giải đang nỗ lực tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt giao tranh và đảm bảo việc phóng thích các con tin Israel bị giam giữ trong dải Gaza.
Tuy nhiên, không nơi nào bị hủy diệt nặng nề hơn Jabalia, một thành phố cổ xưa, từng là tên của một trại tị nạn sau cuộc chiến năm 1948.
Theo thời gian, trại tị nạn này trở thành một trong những trại đông dân nhất ở vùng lãnh thổ Palestine, với khoảng 200.000 cư dân, trong đó hơn 100.000 người là những người tị nạn chính thức được Liên Hợp Quốc và các quan chức địa phương ghi nhận.
Lịch sử của Jabalia phản ánh lại bi kịch của cuộc xung đột Israel-Palestine. Nó được sinh ra từ một cuộc chiến và rồi bị hủy diệt trong một cuộc chiến khác – một “nghĩa địa ký ức” trơ trọi giữa những dấu tích đổ nát của quá khứ.
Dù không ai gọi Jabalia là một thành phố xinh đẹp, nhưng nơi đây luôn sống động, là một mảnh ghép sôi động của đời sống Palestine.
Chợ Jabalia là điểm đến tấp nập của người dân khắp Gaza, không chỉ vì giá cả phải chăng mà còn bởi những món kem, bánh ngọt nổi tiếng của tiệm Al-Zatoun, nằm ở trung tâm khu chợ. Tòa nhà ba tầng của tiệm bánh kẹo Al-Qadi, với món baklava nhân hạt dẻ cười trứ danh, cũng là địa điểm không thể bỏ qua.
Câu lạc bộ Thể thao Jabalia là trái tim của những người hâm mộ bóng đá tại Gaza, trong khi quán cà phê Raba’a gần đó thu hút đám đông với những đêm nhạc và buổi chiếu các trận đấu từ Champions League châu Âu đến giải Ngoại hạng Ai Cập.
“Thanh trừng sắc tộc”
Thế nhưng, những gì từng là một cộng đồng sôi động nay chỉ còn lại đống đổ nát. Sự tàn phá ở Jabalia, Beit Lahia và Beit Hanoun khốc liệt đến mức cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Moshe Yaalon, mô tả các hành động của quân đội nước này tại Gaza là “thanh trừng sắc tộc”. Ông phát biểu trên truyền hình địa phương rằng: “Không còn Beit Hanoun. Không còn Beit Lahia. Họ [quân đội Israel] đang dọn sạch Jabalia”.
Tuyên bố này đã vấp phải làn sóng chỉ trích, nhưng ông vẫn nhấn mạnh: “Đó là thanh trừng sắc tộc – không thể gọi khác được”.
Về phần mình, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) phủ nhận cáo buộc, cho rằng mục tiêu chính của họ là tiêu diệt Hamas. “Không có học thuyết nào của IDF nhắm đến việc gây thiệt hại tối đa cho cơ sở hạ tầng dân sự”, quân đội tuyên bố.
Nhìn từ trên cao, trại tị nạn Jabalia giờ chỉ còn là những cánh đồng gạch vụn trải dài, chôn vùi hàng chục nghìn ngôi nhà. Theo các quan chức địa phương, hơn 46.000 người Palestine đã thiệt mạng trên khắp dải Gaza.
Ở dưới mặt đất, đó là cảnh tượng kinh hoàng không thể diễn tả, theo lời luật sư Ibrahim al-Kharabishi, một người quyết tâm ở lại. Trong các cuộc đột kích của Israel, ông cùng vợ và 4 đứa con trú ẩn ở góc nhà. Ông phải lẩn tránh các máy bay không người lái của Israel trong những lần liều lĩnh đi tìm thức ăn.
“Chúng tôi nhìn thấy những thi thể nhưng không ai dám đến gần để đưa đi. Những người bị thương kêu cứu và dần qua đời vì không ai tới giúp. Ai cố gắng giúp họ rồi cũng gục ngã, để lại thêm một tiếng kêu cứu nữa”, ông kể.
Những ký ức về Jabalia
Jabalia, với những con hẻm chật hẹp và ồn ào, đã trở thành biểu tượng trong câu chuyện của cả người Israel và Palestine. Chính từ đây, năm 1987, phong trào Intifada đầu tiên đã bùng nổ, sau khi một tài xế xe tải Israel tông chết 3 người Palestine. Vụ việc như mồi lửa châm ngòi cho sự phẫn nộ đã âm ỉ hàng thập kỷ trước sự chiếm đóng của Israel tại Gaza.
Nhưng từ một trại tị nạn tạm bợ sau cuộc chiến năm 1948, Jabalia dần biến thành một khu ổ chuột chật hẹp, rộng hơn 2 km vuông. Cảnh tượng ấy phản ánh vấn đề nan giải lớn nhất trong cuộc xung đột Israel-Palestine: quyền trở về của những người Palestine bị buộc phải rời bỏ quê hương.
Ông Hajj Alyan Fares, sinh năm 1955, đã chứng kiến Jabalia dần định hình. Những ngôi nhà nhỏ bằng xi măng và tôn được xây dựng bởi UNRWA – cơ quan cứu trợ của Liên Hợp Quốc – chỉ rộng 3 mét vuông. Cả gia đình chen chúc trong không gian chật hẹp ấy. Không có nhà vệ sinh, người dân phải đi bộ một quãng xa để lấy nước từ vòi công cộng.
Giờ đây, khi đã phải chạy nạn một lần nữa, ông Fares, 69 tuổi, chỉ còn một ước vọng: nếu Israel rút lui, ông sẽ dựng một chiếc lều trên nền đất cũ và sống ở đó cho đến khi Jabalia được xây dựng lại.
“Trại Jabalia là thành phố của tôi, là quê hương tôi. Mọi thứ thuộc về tôi đều ở đó”, ông nói.
Tương lai bất định
Tương lai của hàng trăm nghìn người đã rời bỏ khu vực phía bắc Gaza trở thành điểm nghẽn lớn trong các cuộc đàm phán ngừng bắn. Nếu được trở về, họ sẽ đối mặt với một vùng đất đổ nát, nơi từng chịu đựng những cuộc tấn công khốc liệt của IDF.
Bộ Y tế Palestine báo cáo ít nhất 2.500 người đã thiệt mạng, nhưng con số thực tế có thể cao gấp đôi, khi nhiều thi thể vẫn nằm trên các con phố. Bệnh viện Indonesia – cơ sở y tế duy nhất còn hoạt động – đang bên bờ sụp đổ, các bác sĩ cho biết.
Trong hơn 3 tháng, Israel đã ngăn cản hầu hết thực phẩm và viện trợ nhân đạo vào Gaza. Tom Fletcher, lãnh đạo nhân đạo của Liên Hợp Quốc, viết trên nền tảng X rằng từ tháng 10 đến cuối tháng 12/2024, đã có 140 nỗ lực tiếp cận những người dân bị bao vây nhưng “hầu như không có kết quả”.
Các nhân viên cứu trợ cho rằng chỉ còn vài nghìn người sống sót tại miền Bắc Gaza. Một số người kiên quyết không rời bỏ mảnh đất quê hương, dù cuộc sống đang ngày càng hiểm nguy. Những người khác quá nghèo khổ hoặc bệnh tật để có thể di chuyển. Một số tìm cách chạy trốn giữa những bệnh viện đang hoạt động cầm chừng, hy vọng rằng quy chế bảo vệ theo luật quốc tế sẽ giúp họ tìm được chút an toàn.
Abed Abu Ghassan đang trú ẩn trong một ngôi trường gần Bệnh viện Indonesia. Suốt cả ngày, ông nghe thấy tiếng pháo kích và những tiếng nổ vang rền khi các đơn vị công binh Israel phá hủy từng dãy nhà, nhiều trong số đó được quay lại và đăng tải lên mạng. Trong một số đoạn phim, binh sĩ Israel vẫn cười đùa, chơi nhạc và nhảy múa trong khi thực hiện các vụ phá hủy.
Các tổ chức nhân quyền, như Tổ chức Ân xá Quốc tế và các chuyên gia Liên Hợp Quốc, đã chỉ trích việc Israel phá hủy tài sản dân sự, nhấn mạnh rằng nếu những hành động này không phục vụ mục đích quân sự rõ ràng, chúng có thể vi phạm luật pháp quốc tế.
Quân đội Israel lại cho rằng các chiến dịch tại Gaza và Jabalia là cần thiết để thực hiện một kế hoạch phòng thủ, nhằm nâng cao an ninh cho miền Nam Israel. Họ cho biết chiến dịch ở Jabalia chủ yếu nhằm vào việc tiêu diệt các lữ đoàn Hamas ở miền Bắc Gaza, lực lượng mà họ cho là đang "lợi dụng các khu dân cư".
Nga chỉ trích "những hành động phi pháp" của Israel ở Syria
Lãnh đạo đảng Palestine tố Israel có hành động quân sự “chưa từng có kể từ Thế chiến II"
Trải qua một năm sóng gió, Thủ tướng Israel lấy lại hình ảnh "Ngài An ninh"
Theo Financial Times