Truyền thông khu vực ngày 28/1 dẫn lời cựu quan chức tình báo Libya, ông Ahmad Qadhaf al-Dam cho rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và những nhóm khủng bố khác đã sở hữu kho vũ khí hóa học còn sót lại ở Libya từ thời nhà lãnh đạo Muammar Qaddafi và đưa lậu sang Syria.
Cựu quan chức này cho biết các loại khí độc đang nằm trong tay của IS trước đây do các lực lược vũ trang Libya kiểm soát và được cất giấu tại những căn cứ nằm sâu trong sa mạc mà ít người biết đến. Ông khẳng định rằng những vũ khí rơi vào tay IS "đã được đưa lậu ra khỏi Libya tới Syria" và Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã bị cáo buộc sai vì số vũ khí hóa học này đến từ Libya.
Theo ông al-Dam, phương Tây biết rõ danh tính của những người chuyển vũ khí này khỏi Libya cũng như điểm đến, cách thức vận chuyển và mục đích sử dụng.
Tháng 10/2011, Chính phủ Libya đã xác nhận sự xuất hiện của vũ khí hóa học tại nước này và cho biết các thanh sát viên nước ngoài sẽ giải quyết vấn đề trên. Những phát biểu của ông al-Dam tái xác nhận thông tin từ cuối năm 2013 về một kho vũ khí hóa học trong nhà kho bị bỏ hoang ở sa mạc miền Nam Libya và những kẻ khủng bố đang cố sở hữu số vũ khí này.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 28/1 cho biết nước này chưa quyết định về việc liệu có tiến hành hoạt động quân sự ở Libya, nơi nhóm IS) đang lợi dụng tình trạng bất ổn chính trị tại quốc gia Bắc Phi này để mở rộng hoạt động của chúng.
Phát biểu với các phóng viên, ông Carter nêu rõ Washington đang "phát triển những phương án lựa chọn về những gì chúng tôi có thể làm trong tương lai", nhưng "chúng tôi đang theo dõi tình hình rất thận trọng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào để tiến hành các hoạt động quân sự ở đó".
Libya rơi vào vòng xoáy bất ổn chính trị sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo nước này Moamer Kadhafi hồi năm 2011. Lợi dụng tình hình này, IS đã bành trướng hoạt động tại quốc gia Bắc Phi này. Hồi tháng 6 năm ngoái, các tay súng IS đã đánh chiếm thành phố Sirte, cách thủ đô Tripoli 450 km về phía Đông, kiểm soát những cơ sở quan trọng như sân bay và nhà máy điện. Theo các nguồn tin, IS hiện có ít nhất 3.000 tay súng tại Libya.
Theo Tin tức