Liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện hơn 630 cuộc không kích trong 6 tháng qua, đồng thời huấn luyện và hỗ trợ vũ khí cho quân đội Iraq nhằm tiêu diệt phiến quân IS. Ngày 28/12, quân đội Iraq tuyên bố giải phóng hoàn toàn thành phố Ramadi, nơi được coi là thành trì của lực lượng cực đoan.
Tuy nhiên, IS vẫn tránh được các cuộc không kích và hiện còn kiểm soát 25% diện tích Ramadi. Các cuộc giằng co tiếp diễn trên khắp thành phố.
"Trong lúc chúng tôi thực hiện kế hoạch quét sạch hang ổ của nhóm khủng bố ở khu vực này, chúng đánh lạc hướng chúng tôi và biến mất", Sami Kathim, chỉ huy lực lượng chống khủng bố Iraq, nói với CNN.
Nhóm của Kathim trực thuộc đơn vị hoạt động đặc biệt, được giao nhiệm vụ săn lùng tay súng Hồi giáo. Anh và đồng đội phát hiện rằng để tránh các cuộc không kích, phiến quân đã lẩn trốn dưới đường hầm.
Những đường hầm này không phải công trình được xây dựng kỳ công, nhưng được coi là ưu tiên của IS tại nơi chiếm đóng. Sau khi đánh chiếm lãnh thổ, phiến quân đào hầm để làm nơi trú ẩn.
Hầm được đào sâu khoảng 10 m, có đường kính hai mét. Theo Kathim, nhóm cực đoan đào hầm nối các ngôi nhà để có thể băng qua những tuyến phố mà không bị máy bay phát hiện. Lối thoát bí ẩn dưới lòng đất có khi dài 1 km, hoặc 700-800 m. Dưới lòng đất, chúng phân tách thành nhiều lối riêng và tạo nên một hệ thống chằng chịt. Binh sĩ Iraq từng phát hiện một chỉ huy cấp cao của IS trốn trong mạng lưới đường hầm bên dưới các con đường ở thành phố Ramadi.
Một binh sĩ Iraq cho biết ở nơi phiến quân kiểm soát, chúng chuẩn bị phòng thủ rất kỹ và đảm bảo các đường hầm được kết nối với nhau. Thậm chí bên trong hầm còn có điện.
Các tay súng còn biến nơi trú ẩn thành những cái bẫy chết người được gài thuốc nổ hoặc mìn. Kathim nhấn mạnh, người đầu tiên tiến vào hầm "sẽ nắm giữ sinh mạng của tất cả đồng đội đi cùng".
Theo Zing