|
Ảnh: Fashionnetwork
|
Cuộc điều tra được tiến hành sau một số đơn khiếu nại Google được gửi đến DPC. Tiêu biểu là khiếu nại của nhà phát triển trình duyệt web có tên Brrave cho rằng Google và các công ty quảng cáo đã “móc nối” với nhau và không tuân thủ quy định thu thập dữ liệu cá nhân.
Brave cho rằng khi người dùng truy cập trang web, dữ liệu cá nhân và hoạt động trực tuyến của họ có thể đã bị gửi tới hàng trăm công ty mà người dùng không hề hay biết. Những công ty này sẽ sử dụng dữ liệu của người dùng để đặt quảng cáo nhằm quảng bá sản phẩm của mình tới khách hàng mục tiêu.
Cuộc điều tra được tiến hành dựa trên mục 110 của Đạo luật bảo vệ dữ liệu người dùng 2018 bắt đầu từ điều tra cách Google xử lý dữ liệu cá nhân trên sàn giao dịch quảng cáo trực tuyến của mình, DPC cho biết trong một tuyên bố.
DPC cũng cho biết cuộc điều tra sẽ xác định liệu việc xử lý dữ liệu cá nhân trong các giao dịch quảng cáo có tuân thủ quy định bảo mật GDPR của EU được đưa ra vào năm 2018 hay không. Theo đó, DPC sẽ xem xét các nguyên tắc để đánh giá tính minh bạch của việc sử dụng dữ liệu người dùng cũng như các thực tiễn duy trì của Google.
Google không phải là công ty công nghệ đầu tiên bị DPC “sờ gáy”. Cơ quan này cũng cho biết từ đầu tháng 5, DPC đã thực hiện 51 cuộc điều tra quy mô lớn liên quan đến các công ty công nghệ, tiêu biểu như Twitter, LinkedIn, Apple, Facebook,…
Theo Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU, các cơ quan quản lý có quyền áp dụng mức phạt đối với các công ty vi phạm lên tới 4% doanh thu toàn cầu hoặc 20 triệu euro (22 triệu USD) tùy theo mức độ vi phạm.
“Chúng tôi rất sẵn lòng được phối hợp với DPC để thực hiện cuộc điều tra. Google luôn tuân thủ nghiêm ngặt các chính sách sử dụng và bảo vệ dữ liệu người dùng”, phát ngôn viên của Google cho biết vào hôm thứ Tư.
Theo Reuters