Cân bằng giữa hai mục tiêu
Các cuộc tấn công trả đũa làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột lan rộng trong khu vực, có thể trực tiếp khiến Mỹ cùng với các quốc gia khác phải can dự. Và điều này một lần nữa đặt Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tình thế khó xử, đặc biệt là sau khi ông thể hiện cam kết “sắt đá” trong việc bảo vệ đồng minh Israel, cùng lúc phải ngăn chặn nguy cơ bùng nổ xung đột mới với sự tham gia trực tiếp của Mỹ.
Theo các nhà quan sát, diễn biến tiếp theo rất khó đoán định.
Ngay sau cuộc tấn công của Iran, giới chức Mỹ đã lên tiếng thừa nhận rằng họ vẫn khá mơ hồ khi tính đến những bước đi tiếp theo, đặc biệt là khi chi tiết về cấp độ của cuộc tấn công nhằm vào Israel vẫn chưa được làm rõ.
Một dấu hỏi lớn mà các quan chức Mỹ cần phải làm rõ là, các lực lượng uỷ nhiệm của Iran có thể tham gia vào cuộc chiến chống lại Israel hay không? Và nếu có thì sẽ tham gia theo cách thức nào? Đây cũng là yếu tố khiến cho cuộc xung đột này trở nên khó lường hơn.
Trong lúc các quan chức quốc phòng của Israel vẫn đang lên kế hoạch ứng phó và đáp trả, giới chức Mỹ sẽ tiếp tục tư vấn cho những người đồng cấp Israel, với hy vọng rằng sẽ ngăn chặn được một cuộc xung đột diện rộng.
Vụ tấn công của Iran cũng diễn ra ngay giữa lúc mà ông Biden đang trải qua nhiều biến động chính trị do 2024 là năm bầu cử, bởi vậy mà các quyết định của ông trở nên cực kỳ quan trọng. Cuộc chiến Israel-Hamas bùng nổ từ ngày 7/10/2023 đã gây tổn hại không ít cho chính quyền ông Biden, làm suy giảm sự ủng hộ tại một số khu vực bầu cử chủ chốt do ông từ chối kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn ở Gaza.
Một trong những lý do khiến ông Biden tức tốc trở về Nhà Trắng từ ngôi nhà nghỉ dưỡng bên bờ biển của ông ở Delaware vào chiều thứ Bảy là tính chất của vụ tấn công. CNN dẫn lời một quan chức Mỹ nói rằng, giới chức ở Washington coi đòn trả đũa của Iran tối 13/4 là không tương xứng với đòn tấn công mà Israel thực hiện nhằm vào lãnh sự quán của Iran ở Damascus, Syria.
Đây là luận điểm quan trọng được đưa ra trong các cuộc thảo luận diễn ra tại Nhà Trắng liên quan tới các bước đi tiếp theo của Mỹ, đặc biệt là khi ông Biden quyết tâm ngăn chặn xung đột lan rộng ở Trung Đông.
Quan chức này cũng tiết lộ rằng, hành động trả đũa tiếp theo của Israel sẽ còn tuỳ thuộc vào đánh giá thiệt hại đầy đủ, bao gồm cả thương vong tiềm tàng. Lời khuyên mà chính quyền Biden dành cho phía Israel sẽ được đưa ra sau đó.
Ông Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có cuộc điện đàm tối 13/4, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và người đồng cấp Israel Yoav Gallant cũng có cuộc điện đàm, và chính phủ hai nước sẽ giữ liên lạc chặt chẽ trong những ngày tới đây.
Tránh leo thang xung đột
Ngay sau cuộc tấn công do Israel thực hiện ở Syria khiến các chỉ huy hàng đầu của Iran thiệt mạng, giới chức Mỹ đã theo dõi chặt chẽ động thái từ phía Tehran và cho rằng một đòn tấn công trả đũa nhằm vào Israel là “không thể tránh khỏi”.
Trong lúc Mỹ tham vấn chặt chẽ với Israel, tìm cách dự đoán chính xác cách thức, thời gian và địa điểm mà Iran sẽ tung đòn tấn công, các quan chức chính quyền không loại trừ khả năng Iran sẽ tấn công vào sâu trong lãnh thổ Israel cũng như nhân sự và tài sản của Mỹ trong khu vực.
Trong “kịch bản tồi tệ” nhất mà giới chức Mỹ vạch ra trước sự kiện ngày 13/4, Iran sẽ tổ chức tấn công trực diện nhằm vào Israel, từ đó làm dấy lên một cuộc xung đột giữa các quốc gia trong khu vực mà Mỹ đã nỗ lực ngăn chặn kể từ sau khi chiến sự Israel-Hamas bùng phát.
Bất chấp những bất đồng với ông Netanyahu về cuộc chiến ở Gaza, trong tuần qua, Tổng thống Biden và các quan chức hàng đầu của ông đã nỗ lực tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa Mỹ và Israel khi thảo luận về công tác chuẩn bị chung để phản ứng trước đòn tấn công tiềm tàng của Iran.
Chỉ vài giờ trước khi Iran tiến hành cuộc tấn công, Bộ trưởng Quốc phòng và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đã thảo luận với những người đồng cấp Israel để nhắc lại cam kết hỗ trợ. Tuần trước, Tướng Erik Kurilla, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, đã có mặt tại Israel để thảo luận về các phương án dự phòng trước cuộc tấn công có thể xảy ra.
Ông Biden đã giữ lời hứa mà ông đưa ra hôm 12/4 rằng “Mỹ sẽ hết lòng bảo vệ Israel”, khi các quan chức quốc phòng tuyên bố rằng quân đội Mỹ đã đánh chặn thành công một số tên lửa của Iran trong vụ tấn công tối 13/4.
Các quan chức hiểu vấn đề này tiết lộ, nội dung các cuộc thảo luận về việc chuẩn bị cho cuộc tấn công của Iran và sự phối hợp Mỹ-Israel cũng khuyến khích chính phủ Israel không cho phép tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát nếu như đòn trả đũa của Iran chỉ mang tính chất giới hạn.
Mỹ cũng gửi những thông điệp cả công khai lẫn riêng tư tới Iran, cảnh báo về hành động leo thang, đồng thời thúc ép các đồng minh châu Âu và Arab sử dụng đòn bẩy của riêng họ với Tehran để đưa ra những thông điệp tương tự.
Khi kế hoạch tấn công Israel của Iran ngày càng trở nên rõ ràng, giới chức Mỹ cũng đánh giá rằng Tehran không mong muốn xung đột trực tiếp với Mỹ. Trước cuộc tấn công bằng máy bay không người lái do Iran phát động hôm 13/4, giới chức Mỹ đã dự đoán trước rằng Iran sẽ không nhắm đến lực lượng Mỹ trong khu vực.
Đây là sự thay đổi đáng kể nếu so với diễn biến trước đó, khi các lực lượng được Iran hậu thuẫn thường xuyên tấn công quân đội Mỹ ở Trung Đông, bao gồm cả vụ tấn công khiến 3 binh sĩ Mỹ đóng quân ở Jordan thiệt mạng. Sau khi Mỹ tiến hành trả đũa, các cuộc tấn công do lực lượng ủy nhiệm Iran thực hiện đã suy yếu dần.
Tuy nhiên, căng thẳng âm ỉ giữa Iran và Israel vẫn chưa hạ nhiệt. Nếu không có bất kỳ kênh liên lạc trực tiếp nào giữa hai nước, nguy cơ tính toán sai lầm sẽ càng tăng cao.
Iran phóng hơn 200 tên lửa và máy bay không người lái tấn công Israel
Drone giá rẻ mà Iran sử dụng để tấn công Israel có gì đặc biệt?
Israel tung đòn trả đũa sau đợt tấn công bằng tên lửa của Hezbollah
Theo CNN