|
Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư chào bán cổ phần lần đầu ra công chung của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam |
Chiều ngày 20/8/2018, buổi Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam diễn ra tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã thu hút được sự tham gia đông đảo của nhà đầu tư và giới truyền thông.
Điều đáng lưu ý cần phải nhắc tới là việc thay đổi nhận diện thương hiệu, dấu mốc cho thấy thành quả tái cơ cấu của Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam. Thay vì tên giao dịch quốc tế vẫn được biết tới là “Vietnam National Shipping Lines” (Vinalines), Tổng công ty sẽ có tên giao dịch mới là “Vietnam Maritime Coporation” (VIMC), cùng với đó là logo mang phong cách hiện đại hơn, “biểu tượng của sự thay đổi” tại đây.
Công ty mẹ - Tổng công ty Vinalines sẽ bước sang trang mới, từ một công ty có 100% vốn Nhà nước chuyển thành mô hình công ty cổ phần sau đợt Bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) lần này.
Cụ thể, 8h30 ngày 5/9/2018, Vinalines sẽ tiến hành chào bán 488,818,130 cổ phiếu, tỷ lệ tương đương với 34,8% vốn điều lệ theo hình thức đấu giá. Mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Hình thức cổ phần hóa được Công ty mẹ - Tổng công ty đã lựa chọn là “kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ”. Bên cạnh đó, số lượng cổ phần bán đấu giá trong đợt IPO đã có sự thay đổi so với phương án ban đầu tại Quyết định số 751/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 20/6/2018.
|
Theo đó, Công ty mẹ - Vinalines sẽ có vốn điều lệ là 14.046 tỷ đồng, trong đó giá trị phần vốn Nhà nước là 11.946 tỷ đồng. Cơ cấu vốn bao gồm: tỷ lệ sở hữu của Nhà nước là 65%; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 14,80%; cổ phần chào bán đấu giá công khai là 20% (tương đương với 280,9 triệu cổ phần) và số cổ phần còn lại được chào bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên.
Đợt chào bán cho nhà đầu tư chiến lược đã không thể thực hiện như kế hoạch. Nguyên nhân là do chỉ có duy nhất một nhà đầu tư đăng ký là Công ty TNHH SK Securities (SK Securities) đến từ Hàn Quốc nhưng công ty này không đáp ứng đủ điều kiện để tiến hành bán vốn. Do đó, số cổ phần này đã được “cộng dồn” vào số lượng cổ phần chào bán công khai trong đợt IPO.
Những thắc mắc của nhà đầu tư về hoạt động tái cơ cấu, tiềm năng, định hướng phát triển trong tương lai của Vinalines và các vướng mắc khiến cho nhà đầu tư chiến lược chưa thể đầu tư vào Tổng công ty cũng được chia sẻ chi tiết hơn trong phần Q&A (hỏi đáp) tại buổi Hội thảo (Roadshow).
Nỗ lực tái cơ cấu, “cắt bỏ” những tài sản kém hiệu quả
Trong phần hỏi đáp với nhà đầu tư, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa, chia sẻ Chính phủ đã phải cân nhắc chủ trương cơ cấu theo hướng “cho phá sản hay tiếp tục để Vinalines tồn tại”.
“Chúng tôi xác định trọng điểm là tái cơ cấu tài chính và cơ cấu, định hướng lại các hoạt động kinh doanh, xây dựng các mảng kinh doanh cốt lõi”- ông Sơn cho biết.
Kế hoạch tái cấu trúc của Vinalines nhằm hướng tới xây dựng một nền tảng tài chính vững mạnh bằng cách giữ lại những tài sản sinh lời trước khi đại chúng hóa. Trên thực tế, kết quả quá trình tái cơ cấu tài chính đã cải thiện đáng kể tình trạng mất cân đối nguồn vốn tại Vinalines.
Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, năm 2015 và 2016, nguồn vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính hợp nhất có lúc chỉ còn 5.440 tỷ đồng, chiếm chưa tới 1/4 các khoản nợ vay. Tuy nhiên, sau quá trình tái cơ cấu, tỷ trọng và nguồn vốn chủ sở hữu của Vinalines đã có những chuyển biến tích cực. Vốn điều lệ năm 2017 đạt 7.969 tỷ đồng, tổng nợ chỉ còn 20.169 tỷ đồng (tương ứng 77,8% so với năm 2016).
|
Cơ cấu tài sản, nguồn vốn theo báo cáo tài chính riêng (Công ty mẹ) và hợp nhất của Vinalines (Nguồn: Vinalines)
|
Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính của Công ty mẹ - Tổng công ty Vinalines, cơ cấu tài chính an toàn hơn nhiều khi tỷ trọng nợ dài hạn trên tổng tài sản đã giảm từ 25% (năm 2015) xuống còn 13% (năm 2017).
Bên cạnh đó, đội tàu của Vinalines hầu hết được đầu tư vào giai đoạn đỉnh cao của thị trường vận tải biển (2007 – 2008) với chi phí đầu tư lớn khiến cho sức cạnh tranh thấp, chi phí vay và khấu hao tàu lớn dẫn đến một số doanh nghiệp lỗ liên tục từ năm 2008 đến nay.
Vinalines sẽ tiếp tục tái cơ cấu, sắp xếp lại đội tàu như: bán các tàu cũ, kỹ thuật kém hoặc hoạt động không hiệu quả. Tổng công ty sẽ thay thế bằng các tàu có công nghệ mới, tính năng hiện đại, có tỷ suất đầu tư hợp lý để hiệu quả khai thác cao hơn.
Sau khi đã cứu con tàu Vinalines khỏi bị “chìm”, trách nhiệm trong thời gian tới của ban lãnh đạo là làm sao để tăng tốc con tàu, bắt kịp các đối thủ cạnh tranh.
Định hướng phát triển kinh doanh trong tương lai
Ông Lê Anh Sơn cũng chia sẻ quan điểm về chiến lược phát triển toàn diện cho các mảng hoạt động chính, bao gồm: Dịch vụ vận tải biển, Dịch vụ hàng hải và Dịch vụ khai thác cảng.
Trong năm 2017, lĩnh vực do Công ty mẹ - Vinalines trực tiếp vận hành là vận tải biển, đóng góp 42% cơ cấu doanh thu của Tổng công ty. Tiếp đến là Lĩnh vực dịch vụ hàng hải, chiếm 29,3% tổng doanh thu; Lĩnh vực khai thác cảng đóng góp 28,7%.
Ông Sơn cho biết: “Vinalines sẽ tập trung vào kinh doanh cảng biển nước sâu và dịch vụ cốt lõi xung quanh hình thành nên chuỗi khép kín, chào (bán sản phẩm) cho các nhà sản xuất, nhà phân phối, hãng tàu lớn. Cung cấp giải pháp tốt nhất cho khách hàng.”
Tỏ ra tự tin với chiến lược này, đặc biệt là đối với cảng Thị Vải, ông Sơn nhấn mạnh: “Cảng của Vinalines hiện nay là 1 trong 19 cảng trên toàn cầu có thể đón nhận siêu tàu container lớn, đã xuất hiện trên bản đồ hàng hải thế giới. Khu vực Đông Nam Á chỉ có 3 quốc gia có khả năng đón được tàu cỡ lớn là Việt Nam, Singapore và Malaysia.”
Bên cạnh đó, Vinalines sẽ tiếp tục phát triển đội tàu container thế hệ mới, áp dụng công nghệ thông tin để tạo thành chuỗi cung ứng khép kín.
|
Cơ cấu tổng công ty Vinalines sau khi cổ phần hóa (Nguồn: Vinalines)
|
Đối với các doanh nghiệp vận tải biển, Vinalines có kế hoạch thoái vốn tại 18 doanh nghiệp thành viên, trong đó sẽ thoái vốn toàn bộ tại 9 doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, và giữ cổ phần chi phối tại 9 doanh nghiệp hiệu quả (chủ yếu là: các cảng biển quan trọng, và công ty vận tải biển: VOSCO, VINASHIP).
Nhà đầu tư nước ngoài chưa đủ thời gian nghiên cứu
Tại buổi Hội thảo, ông Lê Anh Sơn cũng cho biết thêm về việc gặp gỡ và tìm kiếm đối tác chiến lược. Nhiều nhà đầu tư mong muốn được sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng, kho bãi, đội tàu nhưng Vinalines sẽ cố gắng lựa chọn nhà đầu tư nào đem lại lợi ích lớn nhất.
Đối với nhà đầu tư ngoại là SK Securities, ông Sơn lý giải do thời gian làm việc quá ngắn, nhà đầu tư này không kịp làm thẩm định (Due Dilligence) nên chưa thể đàm phán thực hiện bán vốn như kế hoạch đề ra. Không chỉ riêng có SK Securities, nhiều nhà đầu tư ngoại khác cũng được ban lãnh đạo Vinalines kỳ vọng sẽ tham gia mua cổ phần trong đợt đấu giá lần này khi đã đủ thời gian nghiên cứu.
Trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO), Vinalines sẽ hoàn tất thủ tục niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật./.