IPO Triển lãm Giảng Võ, sử dụng 1.500 tỷ để phát triển 3 dự án BĐS lớn

Theo phương thức bán cổ phần dự kiến của VEFAC thì số cổ phần bán ra ngoài chiếm 90% vốn điều lệ, trong đó bán cho Nhà đầu tư chiến lược 80%

Tóm tắt:

-Dự kiến vốn điều lệ của VEFAC sau IPO tăng từ hơn 166 tỷ lên 1666 tỷ, trong đó công ty cổ phần sẽ sử dụng 1500 tỷ để đầu tư vào các dự án bất động sản chuẩn bị triển khai.

-Nhà đấu tư chiến lược là một Tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam sẽ nắm giữ 80% vốn điều lệ VEFAC.

Theo thông báo của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, ngày 20 tháng 3 tới đây sẽ tổ chức  phiên đấu giá 16.266.105 cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty TNHH MTV Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC- thường được gọi là Triển lãm Giảng Võ). Thông tin này được giới tài chính quan tâm bởi sau IPO là kế hoạch phát triển những dự án bất động sản lớn.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Công ty VEFAC cổ phần hóa theo hình thức giữ nguyên phân vốn Nhà nước hiện có, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Theo đó, dự kiến sau khi cổ phần hóa vốn điều lệ sẽ tăng từ 166,6 tỷ đồng lên thành 1.666,04 tỷ đồng. Theo phương thức bán cổ phần dự kiến của VEFAC thì số cổ phần bán ra ngoài chiếm 90% vốn điều lệ, trong đó bán cho Nhà đầu tư chiến lược 80% (là một tập đoàn phát triển dự án bất động sản hàng đầu Việt Nam).

Dự kiến trong 3 năm sau cổ phần, Công ty cổ phần sử dụng vốn hiện tại khoảng 166 tỷ đồng để đầu tư vào hoạt động kinh doanh hội trợ, triển lãm. Phần vốn điều lệ còn lại (dự kiến khoảng 1500 tỷ đồng) còn lại Công ty này dùng để đầu tư các Dự án theo phân kỳ đầu tư như lập quy hoạch 1/500, GPMB,…Do vậy, theo dự kiến của VEFAC trong những năm đầu sau cố phần hóa công ty chưa có doanh thu từ đầu tư Dự án, nên tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu và cổ tức trả cho cổ đông sẽ thấp.

Để thực hiện các dự án bất động sản, sau khi được lựa chọn Nhà đầu tư chiến lược sẽ có trách nhiệm thu xếp toàn bộ vốn cho VEFAC để thực hiện Dự án (trong đó có tiền sử dụng đất Dự án Giảng Võ).

Định hướng của VEFAC sau cổ phần hóa sẽ là tập trung thu hút đầu tư thực hiện Dự án Nhật Tân –Nội Bài, Dự án Mễ Trì và Dự án Giảng Võ theo đúng tiến độ.

Năm 2007, Chính phủ đã giao cho VEFAC làm chủ đầu tư Dự án Trung tâm Hội trợ Triển lãm Quốc gia gồm có 2 dự án thành phần là Dự án tại Mễ Trì và Dự án Giảng Võ. Tuy nhiên, tháng 01/2015 mới đây Thủ tướng đã quyết định chuyển Dự án Mễ Trì về khu trục đường đi Nhật Tân-Nội Bài để quy hoạch một phần khu đất tại Mễ Trì làm trụ sở một số cơ quan, bộ, ngành.

Do đó, Dự án Trung tâm Hội trợ Triển lãm Quốc gia được chia làm 3 dự án thành phần gồm Dự án Mễ Trì, Dự án Giảng Võ và Dự án Nhật Tân –Nội Bài.

Dự án Nhật Tân –Nội Bài:

Mục tiêu của Dự án này là xây dựng một “Thành phố Triển lãm” hiện đại xứng tầm với các nước trong khu vực.

Địa điểm xây dựng: trên trục đường đi Nhật Tân-Nội Bài thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội. Vị trí, diện tích và tiền sử dụng đất cụ thể sẽ được cơ quan chức năng và VEFAC thống nhất và xác định.

Dự án này sẽ được đầu tư trong nhiều giai đoạn, trong 3 năm sau IPO, VEFAC sẽ tiếp tục chủ yếu thực hiện các công việc chính là chuẩn bị đầu tư giai đoạn 1 như quy hoạch 1/500, thuê đơn vị tư vấn lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đầu tư một phần hạ tầng kỹ thuật, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Theo VEFAC, Công ty này đã ứng trước kinh phí bằng nguồn vốn tự có để thực hiện  một số công tác chuẩn bị đầu tư cho Dự án khi còn được quy hoạch tại khu đất ở Mễ Trì như công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư (đã ký hợp đồng và chuyển một phần kinh phí cho Trung tâm giao dịch đất đai và Phát triển quỹ đất Hà Nội). Do đó, khi chuyển Dự án về Nhật Tân-Nội Bài thì mọi chi phí liên quan phải được quyết toán.

Dự án Giảng Võ

Nhằm di dời Trung tâm triển lãm Giảng Võ về vị trí mới (Nhật Tân Nội Bài), khu đất này sẽ được chuyển đổi để xây dựng một Dự án mới. Chức năng là Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa là điểm nhấn kiến trúc cho khu nội đô. Là một khu vui chơi, mua sắm và giải trí hiện đại.

Khu đất có diện tích 68.380m2 tại số 148 đường Giảng Võ, Hà Nội. Nguồn thu từ chuyển đổi khu đất này sẽ dùng để bổ sung cho việc xây dựng Dự án mới ở Nhật Tân-Nội Bài.

Dự án Mễ Trì

Dự án này sẽ được chuyển đổi thành một Trung tâm Văn hóa, du lịch và thương mại phía Tây Nam Thủ đô. Nguồn thu từ việc chuyển đổi này cũng sẽ được dùng để bổ sung xây dựng Dự án mới ở Nhật Tân-Nội Bài.

Diện tích khu đất sẽ được quy hoạch cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt sau này.

                                                                    Theo Tri thức trẻ