Giống như nhiều hãng công nghệ thành công khác, Apple là một thỏi nam châm thu hút đủ loại tin đồn, huyền thoại. Lý do cũng rất đơn giản, Táo Khuyết là một công ty luôn được bảo bọc trong mọi loại bí mật. Báo chí và các mạng xã hội luôn đầy ắp và háo hức với các tin đồn về sản phẩm sắp ra mắt của Apple.
Chính vì thế, có rất nhiều tin đồn về Apple, dù không đúng sự thật song lại khiến mọi người nhầm tưởng đó là sự thật. Sau đây là 10 hiểu nhầm huyền thoại về Apple được thế giới công nghệ truyền tụng từ trước đến nay.
Apple không muốn kinh doanh nữa
Câu chuyện này thỉnh thoảng vẫn dấy lên trong giới công nghệ từ hơn 30 năm nay. Bởi vì, rất nhiều lần Apple ra mắt sản phẩm mới và đều bị giới báo chí công nghệ chê bai kịch liệt. Từ sản phẩm “máy tính bảng” Newton được bán ra lần đầu tiên đến iPhone sau này. Trong suy nghĩ của một số nhà báo, Apple luôn chỉ cách bờ vực phá sản mỗi một … bước chân. Một trong những ví dụ cho dạng tin đồn này là vào năm 2007, khi Apple giới thiệu iPhone đầu tiên. Khi đó, các nhà phê bình xem iPhone mới của Apple “chẳng có gì ngoài một thứ đồ chơi đắt đỏ”, vì thế, họ nghĩ Apple muốn … phá sản!
Trước đó, từ rất lâu các nhà phê bình đã đoán rằng Apple sẽ không kinh doanh phần cứng máy tính nữa, mà chỉ tập trung vào phần mềm hoặc đồ điện tử. Năm 2006, có dự báo nói rằng Apple sẽ ngừng sản xuất máy tính Macintosh vào năm 2010. Những dự đoán đó, tất nhiên, đều sai.
Không có Steve Jobs, Apple sẽ chết
Steve Jobs |
Steve Jobs đồng nghĩa với thành công của Apple. Khi ông tạm thời rời khỏi cương vị CEO Apple vào tháng 1/2009 để chữa bệnh, báo chí thế giới rộ lên những câu hỏi và dự đoán “chắc như đinh đóng cột” rằng Apple sẽ chết khi không có Steve Jobs. Câu chuyện này lại tiếp tục rộ lên khi Jobs thực sự từ chức CEO vào tháng 8/2011 và qua đời vào 5/10/2011.
Cho đến nay, không cần phải giải thích nhiều về sự hiểu nhầm của những suy nghĩ này.
Máy tính Mac và Windows không tương thích với nhau
Máy tính Mac cạnh tranh với máy tính Windows. Ai cũng hiểu điểu đó vì thế rất dễ hiểu khi mọi người nhầm tưởng PC Mac và PC Windows hoàn toàn khác nhau, hay nói thẳng ra là không tương thích với nhau.
Đúng là máy Mac và Windows chạy trên các hệ điều hành khác nhau. Mac dùng hệ điều hành OS X dựa trên UNIX, còn Windows dùng Windows. Nhưng điều đó không có nghĩa là hai hệ điều hành này “nói” những ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau.
Chẳng hạn, có rất nhiều ứng dụng phần mềm chung có thể chạy trên cả máy Mac và Windows, như Microsoft Office (Word, Excel, PowerPoint và Outlook), hầu hết các trình duyệt web (Internet Explorer, Firefox, Chrome và Safari), Adobe Photoshop, thậm chí cả iTunes. Điều đó có nghĩa là người dùng Mac và Windows có thể chia sẻ hầu hết các loại file tài liệu. Hơn nữa, máy Mac và Windows còn có thể dễ dàng chạy chung một mạng lưới ở nhà hay doanh nghiệp.
Sự khác nhau cơ bản giữa máy Mac và Windows là thiết kế menu. Tuy nhiên, bạn không cần phải lo lựa chọn giữa máy Mac và Windows nữa, vì Apple đã ra ứng dụng mang tên Boot Camp cho phép bạn chạy Windows trên máy Mac. Khi sử dụng Boot Camp, bạn có thể chọn giữa OS X và Windows khi khởi động lại máy.
Các sản phẩm của Apple không đắt tí nào
Thực chất, nó rất đắt. Song đây là một huyền thoại được tiếp sức liên tục bởi phòng quan hệ cộng đồng (PR) rất xuất sắc của Apple và được lan truyền bởi các fan của Apple trên khắp thế giới. Apple không hề giải thích cho việc vì sao các sản phẩm của Apple lại có giá cao hơn so với các sản phẩm tương tự của các nhà sản xuất khác. Thay vào đó, hãng khăng khăng các sản phẩm của Apple “siêu việt” đến mức chúng xứng đáng có mức giá đó.
Tất nhiên, mọi người sẵn sàng trả thêm tiền để sở hữu thiết kế ưu việt và có trải nghiệm người dùng mượt mà hơn. Nhưng những ưu việt đó giá bao nhiêu tiền? Bạn không thể ra giá cho phong cách, nhưng bạn có thể tính giá theo phần cứng.
Năm 2009, một chiếc MacBook Pro và một chiếc laptop Dell có đặc điểm phần cứng gần như y hệt nhau, nhưng máy Mac đắt hơn 675 USD. Microsoft đã gọi đây là một loại “thuế Apple”.
Apple là bạn tốt của nguồn mở
Trong thế giới vi tính, Microsoft được xem là nhà độc tài giết chết mọi sáng tạo và nguồn cảm hứng của các nhà phát triển nguồn mở. Trái lại, Apple lại là một trong những “bạn tốt”. Điều này có vẻ đúng, vì OS X được xây dựng dựa trên nhân kernel FreeBSD mã cộng đồng và Safari sử dụng công nghệ nguồn mở WebKit. Còn nữa, giao diện lập trình ứng dụng của Apple iOS có sẵn cho tất cả mọi người muốn tham gia sáng tạo ứng dụng riêng cho iPad, iPhone và iPod touch.
Điều mỉa mai là hiện nay nhiều chuyên gia công nghệ đang xem Apple là một kẻ độc tài còn hơn cả Microsoft. Nhiều nhà phát triển phần mềm nguồn mở phàn nàn rằng, Apple xây dựng sản phẩm của họ bằng công nghệ nguồn mở tốt nhất, sau đó “đóng” công nghệ đó lại bằng một loạt các giấy tờ pháp lý và đội ngũ luật sư.
Chẳng hạn, các luật sư Apple từng gây áp lực với một nhóm nhỏ các lập trình viên Linux, buộc họ ngừng các thảo luận trực tuyến về cách làm thế nào can thiệp vào iTunes, để iPod tương thích với các phần mềm khác ngoài iTunes. Apple nói điều đó là phạm pháp. Apple chỉ muốn iPod tương thích với iTunes và hãng chỉ muốn người dùng iPhone tải ứng dụng mới qua kho Apple Store của hãng. Điều này khiến các nhà phát triển giận dữ, vì họ phải được Apple phê duyệt mới có thể phân phối phần mềm của họ đến người tiêu dùng.
(Còn nữa)
Theo Ictnews