Intel mất hợp đồng với Apple vì công nghệ tụt hậu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiến lược mới của Apple trong việc hợp nhất các nền tảng, cũng như sự tụt hậu của Intel là nguyên nhân khiến cả hai chia rẽ sau 15 năm hợp tác.

Intel mất hợp đồng với Apple vì công nghệ tụt hậu
Intel mất hợp đồng với Apple vì công nghệ tụt hậu

Tại sự kiện hôm 10/11, Apple đã công bố ba máy tính mới, gồm MacBook Air, MacBook Pro 13 inch và Mac Mini. Về cơ bản, thiết kế của loạt máy này không khác nhiều so với tiền nhiệm. Điểm khác biệt nằm ở chip xử lý bên trong.

Lần đầu tiên, Apple tự phát triển chip máy tính - đặt tên là M1 - và trang bị cho loạt máy Mac thay vì dùng sản phẩm của Intel. Đây cũng là thời điểm đánh dấu chấm hết cho sự hợp tác 15 năm giữa Intel và Apple, chấm dứt sự xuất hiện của các bộ chip xử lý Intel trên MacBook và máy tính Mac, đồng thời cũng báo hiệu sự thay đổi lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Apple và Intel từng có mối quan hệ khăng khít. Ảnh: 9to5mac.
Apple và Intel từng có mối quan hệ khăng khít. Ảnh: 9to5mac.

Theo ước tính của Gartner, Apple hiện là nhà sản xuất PC lớn thứ tư thế giới. Việc công ty chuyển qua sử dụng chip riêng trên toàn bộ máy Mac được xem là một "đòn đánh" giáng xuống Intel.

Intel hiện sử dụng chip dựa trên kiến trúc x86, còn chip mới của Apple dùng công nghệ ARM. ARM ban đầu được thiết kế cho các thiết bị di động, bởi ưu thế tiết kiệm năng lượng, mang tới thời gian sử dụng pin lâu hơn. Trong các mẫu máy Mac mới ra mắt, Apple cũng nhấn mạnh vào thời lượng pin vượt trội, chẳng hạn MacBook Air 2020 có pin 18 tiếng, còn MacBook Pro 13 pin 20 tiếng.

Tuy nhiên, Apple còn có nhiều lý do khác để chuyển qua chip do mình tự phát triển.

Chiến lược sở hữu các công nghệ cốt lõi

CEO Apple, Tim Cook, đã không ít lần nhấn mạnh trong các cuộc họp, cũng như các sự kiện công nghệ, rằng công ty đang có "chiến lược dài hạn trong việc sở hữu và kiểm soát công nghệ lõi đằng sau các sản phẩm Apple". Thời gian qua, các động thái của "Quả táo" cũng cho thấy điều đó.

Là một công ty phần cứng, Apple cần kiểm soát các công nghệ lõi, mà vi xử lý là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Thực tế, Apple từ lâu đã "đổ" rất nhiều tiền của vào bộ phận chip của mình, cũng như thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ. Chẳng hạn, hãng đã mua PA Semi trị giá 278 triệu USD vào năm 2008, hay gần đây nhất là thương vụ mua lại mảng kinh doanh modem của Intel năm 2019 trị giá 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, Apple cũng xây dựng các cơ sở nghiên cứu và phát triển dòng chip A-series cho iPhone, iPad kể từ năm 2010. Việc tự tay tạo ra chip cho máy tính đồng nghĩa mọi sản phẩm của Apple về cơ bản đều chạy trên cùng một khuôn khổ và được công ty kiểm soát "sâu" hơn.

"Apple Silicon hoàn toàn phù hợp với chiến lược của Apple sắp tới: Kiểm soát toàn bộ hệ thống", Wayne Lam, Giám đốc nghiên cứu của CCS Insight, nhận xét. "Giờ đây, trong lĩnh vực mình đang kinh doanh, Apple sở hữu mọi thứ, từ chip bán dẫn đến phần mềm".

Theo giới chuyên gia, việc kiểm soát công nghệ giúp Apple có thể đưa ra quyết định riêng mà không phụ thuộc vào đối tác. Năm ngoái, Johny Srouji, Phó chủ tịch cấp cao của Apple, từng tiết lộ rằng công ty mất khoảng ba năm để phát triển một đời chip dòng A. Trong khi đó, Intel hoặc Qualcomm tốn thời gian lâu hơn.

Intel đang tụt hậu

Theo công bố của Apple, chip M1 mới dành cho máy tính được sản xuất trên tiến trình 5 nm. Chip chứa 16 tỷ bóng bán dẫn, lớn hơn đáng kể so với Apple A14 dùng trên iPhone 12 - 11,8 tỷ bóng bán dẫn.

Tại sự kiện ngày 10/11, Apple nhiều lần so sánh M1 với những chip xử lý máy tính đang có trên thị trường, nhưng lại không nói rõ model cụ thể. Trong đó, chip mới chỉ cần sử dụng một phần tư sức mạnh nhưng hiệu suất ngang với "chip dành cho laptop mới nhất". Điều này có nghĩa là M1 có hiệu suất gấp ba lần đối thủ với cùng mức tiêu thụ mỗi Watt điện.

"5 nm là công nghệ tiên tiến hàng đầu hiện nay. Hiện chỉ có một vài sản phẩm được sản xuất trên tiến trình này", Jon Erensen, Giám đốc nghiên cứu của Gartner, nhận xét.

Trong khi đó, Intel vẫn đang sản xuất chip máy tính trên tiến trình 10 nm. Hãng này đã gặp một số thách thức trong vài năm qua về mặt sản xuất. "Tôi nghĩ rằng việc chậm trễ của Intel đã mở ra cơ hội cho các công ty khác dùng nền tảng ARM. Trong đó, Apple là một trong những nhà thiết kế vi xử lý dựa trên ARM tốt nhất hiện nay", Erensen nói.

Intel được cho là đang "mắc kẹt" ở tiến trình 10 nm và không thể làm gì hơn. Tuy nhiên, khác với Apple hoặc Qualcomm - hai đơn vị thuê bên thứ ba gia công sản phẩm - Intel tự tay thiết kế và sản xuất chip. Đây có thể xem là hạn chế của hãng. Đầu năm nay, CEO Bob Swan của Intel cho biết đang xem xét việc thuê sản xuất giống những gì Apple đang làm.

"Intel đang đối mặt với những thách thức khi chuyển sang tiến trình cao hơn 10 nm. Trong khi đó, các xưởng đúc, như TSMC hay Samsung, đã chuyển qua 7 nm và 5 nm. Rõ ràng, Intel đã mất đi một số lợi thế", Erensen nói.

Một chiếc máy tính hoạt động như smartphone

Theo Apple, loạt máy Mac mới chạy chip M1 mang lại hiệu suất tốt và thời lượng pin lâu hơn so với máy dùng chip Intel. Chẳng hạn, MacBook Air 2020 có pin cho phép duyệt web 15 tiếng liên tục, nhiều hơn gần 30% so với thời lượng pin 10 - 11 giờ trên "đàn anh" chạy chip Intel.

Bên cạnh đó, máy Mac mới hoạt động tương tự một chiếc điện thoại hoặc máy tính bảng, chẳng hạn khả năng duy trì trạng thái sẵn sàng hoạt động thay vì phải đợi một lúc. Máy Mac chạy M1 thậm chí có thể chạy các ứng dụng trên App Store cho iPhone hoặc iPad và ngược lại.

Tuy vậy, nhiều nhà phân tích vẫn hoài nghi về các tuyên bố của Apple về hiệu suất chip M1. "Apple chưa cung cấp bằng chứng nào cho thấy M1 vượt trội về hiệu suất thực tế. Chúng ta chỉ có thể đánh giá chính xác khi máy được bán ra tuần sau", Patrick Moorhead, người sáng lập công ty nghiên cứu Moor Insights, nói.

Apple vẫn chưa thể cắt đứt hoàn toàn với Intel. Ngoài MacBook Air 2020 dùng M1, các model MacBook Pro và máy Mac mini vẫn có phiên bản chạy chip Intel.

Theo VnExpress