Hội nghị thượng đỉnh G20 đã được tổ chức trong tuần này tại Indonesia, quốc gia có tầm quan trọng bậc nhất mà ít người để ý, theo The Economist.
Lần gần nhất mà nền kinh tế và chính trị của Indonesia được thế giới chú ý tới là khủng hoảng tài chính châu Á giai đoạn những năm 1990.
Sau 1/4 thế kỷ, Indonesia một lần nữa trỗi dậy, là nhà nước có cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất thế giới. Với 276 triệu người sinh sống trên hàng nghìn hòn đảo trải dài từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương, Indonesia đứng giữa cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.
Giống như Ấn Độ và các thị trường mới nổi khác, họ đang dần thích nghi với một trật tự thế giới mới mà trong đó toàn cầu hóa và ưu thế của phương Tây đang dần trở nên mờ nhạt.
Trong vòng 1/4 thế kỷ tiếp theo, vị thế của quốc gia này có thể tăng thêm đáng kể. Nguyên nhân trước hết đến từ sự phát triển của nền kinh tế quốc gia này.
Indonesia hiện là thị trường mới nổi đứng thứ 6 tính theo GDP, và trong thập kỷ qua, cũng là quốc gia có quy mô trên 1.000 tỉ USD tăng trưởng nhanh bậc nhất, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Điều gì khiến Indonesia trở nên khác biệt?
Một trong số những động lực tăng trưởng của quốc gia này là dịch vụ số, giúp kiến tạo nên một thị trường tiêu dùng hội nhập hơn, trong đó hơn 100 triệu người chi khoảng 80 tỉ USD/năm để mua mọi thứ, từ thanh toán điện tử cho tới ứng dụng.
|
Indonesia: "Gã khổng lồ" bị bỏ qua của châu Á (Ảnh: The Economist) |
Một chất xúc tác khác chính đến từ sự khác biệt của Indonesia. Sở hữu 1/5 trữ lượng kền của toàn thế giới – được sử dụng để chế tạo pin – Indonesia trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng xe điện.
Trong bối cảnh phương Tây, Trung Quốc và Ấn Độ tăng cường trợ cấp để thu hút các khoản đầu tư cho lĩnh vực xe điện ở trong nước, Indonesia đã trông thấy cơ hội.
Thay vì tìm cách trở thành Arab Saudi trong kỷ nguyên 'kim loại xanh', Indonesia theo đuổi chính sách “hạ nguồn”, cấm xuất khẩu vật liệu thô để buộc các công ty trên toàn cầu phải xây dựng nhà máy trên lãnh thổ nước này. Các nhà máy điện than đang được cho nghỉ hưu sớm, thúc đẩy những ngành công nghiệp mới này phải vận hành bằng năng lượng sạch.
Thêm nữa, rút kinh nghiệm trong quá khứ, Indonesia đã có một hệ thống chính trị phù hợp với các cải cách kinh tế, tạo nên sự hài hòa trong xã hội. Ông Joko Widodo, giữ chức Tổng thống từ năm 2014, đã điều hành đất nước thông qua một liên minh mà trong đó bao gồm nhiều đối thủ, giúp nền tài chính công lại được vận hành chặt chẽ.
Cuối cùng là vị trí địa chính trị của Indonesia. Vị trí, kích thước và các nguồn lực của Indonesia khiến nước này đóng vị trí quan trọng trên đấu trường của các siêu cường.
Với truyền thống không chọn phe có từ những năm 1950, họ muốn ở vị trí trung lập. Indonesia trở thành nơi mà các công ty và giới đầu tư của cả Trung Quốc, Mỹ cạnh tranh sòng phẳng.
Về lĩnh vực pin xe điện, một công ty hàng đầu của Trung Quốc đang đầu tư vào một dự án 6 tỉ USD, tuy nhiên Tổng thống Jokowi vẫn muốn lôi kéo thêm cả Tesla đầu tư.
Về mặt ngoại giao, ông Jokowi muốn đóng vai trò người triệu tập và kiến tạo hòa bình. Ông Jokowi có lẽ là người duy nhất đã gặp gỡ cả Tổng thống Joe Biden, Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Volodymyr Zelensky trong năm 2022.
Nếu Indonesia tiếp tục con đường này trong thập kỷ tới, đất nước này có thể trở thành 1 trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Quốc gia này vẫn duy trì được sức chịu đựng trước những cú sốc. Cụ thể, đồng tiền của họ giờ vượt trội so với một số đồng tiền của các nước giàu trong năm nay, bất chấp tình trạng bất ổn tài chính toàn cầu.
Trong khi đó, chỉ 4% dân số Indonesia sống với mức chi tiêu dưới 2,15 USD/ngày, giảm tới 3/4 nếu so với năm 2012. Mặc dù Indonesia khó có thể trở thành một hiện tượng sản xuất kiểu như Trung Quốc, nhưng một tầng lớp trung lưu lớn sẽ trỗi dậy.
Những thách thức trong tương lai
Đương nhiên, họ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong số đó là chọn người kế nhiệm.
Nhiệm kỳ cuối cùng của Tổng thống Jokowi kết thúc vào năm 2024 và một số người ủng hộ muốn sửa đổi hiến pháp để vị chính trị gia này tiếp tục cầm quyền.
Bên cạnh đó, các nhóm chính trị và doanh nhân vốn nằm trong liên minh của ông Jokowi cũng có thể giành quyền lực và có thể dẫn tới chế độ tập trung quyền lực.
Ông Jokowi đã cho xây dựng nhiều tuyến đường và sân bay, nhưng lại chưa tăng cường sức mạnh của các thể chế để có thể đảm bảo được sự kế thừa sau khi ông rời nhiệm sở.
Chủ nghĩa bảo hộ cũng là một thách thức. Indonesia có một lịch sử dài về chủ nghĩa dân tộc tài nguyên. Chính sách về pin xe điện có thể phản tác dụng nếu áp dụng cho những ngành công nghiệp khác.
Indonesia vẫn chưa thu hút được chuỗi cung ứng của Apple trong quá trình tập đoàn công nghệ này chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước khác ở châu Á. Nguyên nhân được cho là bởi thị trường lao động ở Indonesia vẫn 'quá khắt khe'. Nếu Indonesia thúc ép quá mạnh, các công ty xe điện sẽ tìm đến những nơi khác.
Rủi ro lớn nhất chính là các vấn đề địa chính trị. Chính sách không chọn phe của ông Jokowi có thể bị chính quyền Washington và Bắc Kinh chỉ trích, nhưng cũng là một chính sách được áp dụng phổ biến, trong đó có nhiều thành viên của ASEAN.
Ấn Độ và Indonesia hiện là những ngôi sao sáng của châu Á. Cả hai nước đều cần phải làm hài lòng cử tri trong nước và tìm cách để tăng trưởng, ngay cả trong bối cảnh toàn cầu hóa đang lu mờ.
Ấn Độ đang lựa chọn hướng phát triển công nghệ và sản xuất, dựa vào chính sách bảo hộ và tách khỏi Trung Quốc. Indonesia thì dựa vào các nguồn lực, chủ nghĩa bảo hộ và sự trung lập.
Các siêu cường sẽ theo dõi sát sao – và cả những nước muốn trở nên giàu có, nhưng không muốn chọn phe.
Nếu thành công, Indonesia sẽ cải thiện cuộc sống của khoảng 1/4 tỉ người dân và tiếp động lực cho thế giới đang có đà tăng trưởng trì trệ. Quốc gia này thậm chí có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh toàn cầu./.
Câu chuyện thành công không ai ngờ đến của Indonesia
[ĐỌC CHẬM] Indonesia: Câu chuyện phát triển đáng kinh ngạc nhất thế giới...
Theo The Economist