Indonesia: Câu chuyện phát triển đáng kinh ngạc nhất thế giới?
Indonesia: Câu chuyện phát triển đáng kinh ngạc nhất thế giới?

E-magazine [ĐỌC CHẬM] Indonesia: Câu chuyện phát triển đáng kinh ngạc nhất thế giới...

VietTimes – Indonesia chuyển đổi toàn bộ mô hình phát triển của họ, trong khi không để mất đi nhịp độ tăng trưởng. Và họ làm được điều đó ngay trong lúc giá cả hàng hóa toàn cầu trải qua những đợt lên xuống thất thường.
Tác giả Noah Smith.

Tác giả Noah Smith.

20 năm qua là khoảng thời gian đánh dấu sự tăng tốc của các quốc gia nghèo hơn – không chỉ Trung Quốc, mà nhiều quốc gia khác – để bắt kịp các nước giàu hơn.

Trong số đó, có thể kể tới những câu chuyện thành công của Bangladesh, Cộng hòa Dominica và Ba Lan.

Nhưng đối với Noah Smith - cựu chủ biên chuyên mục Ý kiến (Opinion) của Bloomberg, trợ lý giáo sư tài chính tại Đại học Stony Brook - Indonesia mới là quốc gia gây ấn tượng và truyền cảm hứng cho ông hơn cả. Vậy câu chuyện tăng trưởng của Indonesia có gì hấp dẫn?

Bài dịch dưới đây của VietTimes sẽ giới thiệu tới độc giả góc nhìn và quan điểm của Noah Smith về nội dung này.

Đà tăng trưởng của Indonesia luôn vững vàng, chứ không quá thú vị. Đem so sánh với các nước láng giềng Đông Nam Á, Indonesia chỉ đứng ở tầm trung xét cả về đà tăng trưởng – mức tăng 160% kể từ năm 1990 – và về GDP đầu người. Với mức GDP bình quân 11.000 USD/người (tính theo PPP), Indonesia vẫn luôn đứng vững ở danh sách các nước có thu nhập trung bình.

Vậy thì tại sao tôi lại coi Indonesia là một câu chuyện ấn tượng về đà tăng trưởng? Có một vài lý do. Nhưng trên hết, nước này luôn phải đối mặt với một số thách thức thường trực.

Địa lý khó khăn, lịch sử biến động

Trước tiên, Indonesia rất lớn và phân mảnh về mặt địa lý. Diện tích lãnh thổ của họ chỉ bằng khoảng 1/5 nước Mỹ, nhưng lại trải rộng trên một khu vực khổng lồ.

Đặc điểm này khiến cho người dân Indonesia rất khó di chuyển xung quanh đất nước họ. Nó cũng gây ra nhiều sự khác biệt trong nhu cầu hàng hóa.

Ngoài ra, một nhân tố khác là quy mô và sự đa dạng dân số của Indonesia. Với 274 triệu dân, Indonesia là nước đông dân thứ tư trên thế giới (Mỹ đứng ở vị trí thứ 3 với 330 triệu dân). Dân số của Indonesia còn là tập hợp bởi rất nhiều các nhóm người thiểu số, với 1.340 dân tộc khác nhau.

Dân số lớn tạo nên nhiều lợi thế nhưng cũng kéo theo nhiều điểm bất lợi. Dân số đa dạng, ở một nước hậu thuộc địa, cũng là công thức dẫn tới bất ổn.

Như Alesina et al. (2006) chỉ ra, các đế chế châu Âu thường tạo ra các nhà nước “nhân tạo” bằng cách nhồi nhét nhiều nhóm thiểu số vào bên trong một khu vực, và điều này dẫn tới hàng loạt cuộc xung đột sắc tộc khiến những quốc gia đó rất khó phát triển (ít nhất là trong một giai đoạn).

Indonesia cũng phù hợp với kế sách này – phần lớn lãnh thổ của họ từng là một phần của nhiều đế chế Java (Java hiện là đảo đông dân nhất), nhưng nhà nước hiện đại ngày nay lại là do thực dân Hà Lan kiến tạo.

Như đã từng chứng kiến trong lịch sử, nước này thường xảy ra xung đột sắc tộc, và một số vẫn kéo dài tới ngày nay.

Tuy nhiên, kể từ sau sự sụp đổ của chính quyền Suharto năm 1998, nước này đã có 4 cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình. Quyền của người thiểu số được cải thiện theo thời gian. Mặc dù 87% dân số Indonesia là người Hồi giáo, và cũng có giai đoạn xuất hiện chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, nhưng nó đã phai nhạt dần trong những năm gần đây, và quốc gia này giờ được xem như một mô hình Hồi giáo hòa bình.

Sự ổn định và tự do ngày càng tăng luôn là điều gây ấn tượng, nhưng trong thời điểm mà chủ nghĩa độc đoán và không khoan nhượng trên toàn cầu đang dần lấy sức mạnh, thì hai yếu tố đó càng ấn tượng hơn. Có một số bằng chứng cho thấy nước này đang hướng tới nền dân chủ có lợi cho đà tăng trưởng kinh tế của họ.

Thêm một điều ấn tượng khác về Indonesia là quốc gia này luôn duy trì được đà tăng trưởng kinh tế dài hạn ngay trong khi đang chuyển đổi mô hình phát triển cơ bản – và giờ có thể sắp chuyển mô hình thêm một lần nữa.

Công nghiệp hóa, giảm công nghiệp hóa, tái công nghiệp hóa

Điều đầu tiên mà tôi làm khi cố gắng tìm hiểu một mô hình phát triển đất nước là nhìn lượng xuất khẩu của nước đó trên Bản đồ về sự Phức tạp Kinh tế - về cơ bản là nhìn xem nước này chuyên về hoạt động gì.

Nhìn chung, có 2 loại quốc gia đang phát triển: (1) nước xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên; (2) nước xuất khẩu công nghiệp.

Loại đầu tiên thường mắc phải đủ kiểu vấn đề - suy thoái chính trị, đồng tiền bị định giá cao, dễ chịu tác động bởi biến động giá cả tài nguyên… Hay còn gọi là “Lời nguyền tài nguyên”.

Loại thứ hai thì thường có xuất phát điểm nghèo hơn, do không có nhiều tài nguyên để bán. Nhưng miễn là họ còn duy trì các chính sách đúng đắn, họ sẽ đạt được đà tăng trưởng ổn định và cuối cùng lại giàu hơn các nước xuất khẩu tài nguyên.

Khi nhìn vào Indonesia, quốc gia này giống như một nước xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên. Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của họ liên quan tới khai thác gỗ hay khai khoáng.

Nhưng thú vị ở chỗ, "Indonesia không phải lúc nào cũng làm theo một cách".

Trở về năm 2003, khi nhiên liệu hóa thạch vẫn là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu, tiếp đến là đồ điện tử và đồ may mặc. Các ngành công nghiệp gỗ và khai khoáng – đứng đầu bảng trong năm 2020 – trong năm 2003 đã bị giảm thứ hạng.

Bởi vậy, trong suốt 2 thập kỷ qua, Indonesia dường như đã trải qua một quá trình giảm công nghiệp hóa. Và khi chúng ta nhìn vào tỷ lệ đóng góp của lĩnh vực sản xuất cho GDP, điều này được xác nhận.

Có chuyện gì đã xảy ra? Tại sao Indonesia tập trung cho công nghiệp hóa rồi sau đó lại quay lưng với nó?

Công nghiệp hóa bắt đầu ở Indonesia vào cuối thập kỷ 60. Khi ấy, Suharto giống như nhiều nhà chủ trương hiện đại hóa khác ở châu Á, bắt đầu tăng cường tính hợp pháp chính trị của mình bằng cách thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế. Được khuyến khích bởi một nhóm các nhà kinh tế học đến từ Berkeley, Suharto đã đầu tư cho cơ sở hạ tầng và giáo dục, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy thương mại tự do và doanh nghiệp.

Ban đầu, các chính sách của Suharto chủ yếu mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp, nhưng đến cuối thập kỷ 70, ngành sản xuất của Indonesia bắt đầu phát triển trông thấy. Mặc dù Indonesia vẫn duy trì một vai trò đáng kể của các tập đoàn nhà nước – đặc biệt là trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên và một số ngành công nghiệp – nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành sản xuất cũng rất đáng kể. Đến thập kỷ 80, Indonesia trên đường trở thành một thế lực trong các ngành công nghiệp sản xuất nhẹ - may mặc, sợi, lắp ráp điện tử…

Nhưng rồi mọi thứ đều đổ vỡ trong cuộc Khủng hoảng Tài chính châu Á năm 1997. Indonesia chịu ảnh hưởng nặng nề, tình trạng bất ổn ập tới, kết quả là khiến Suharto bị loại khỏi quyền lực. Nền dân chủ Indonesia đã bắt đầu, nhưng quá trình công nghiệp hóa lại bị chững. Trước cuộc khủng hoảng, việc các công ty sản xuất cỡ nhỏ phát triển thành các công ty lớn là điều hết sức bình thường ở Indonesia, nhưng điều này đã chấm dứt sau giai đoạn 1997-1998:

Bởi vậy cuộc khủng hoảng này cùng với hậu quả tức thì của nó đã đánh dấu một bước ngoặt đối với Indonesia. Trước khủng hoảng, các công ty nhỏ vẫn tiếp tục thể hiện thuyết động lực. Nhưng sau khủng hoảng, nhịp độ này giảm dần và số lượng công ty nhỏ suy giảm.

Nhiều chuyên gia đổ lỗi cho những hạn chế của hệ thống tài chính. Điều này có vẻ cũng hợp lý nếu nhìn vào ngành ngân hàng của nước này chịu ảnh hưởng nặng nề như thế nào do khủng hoảng.

Nhưng bắt đầu từ đầu những năm 2000, có thêm một nhân tố khác – sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nếu bạn là một công ty đa quốc gia muốn sản xuất giày giá rẻ vào năm 1991, thì nên đến Indonesia; nhưng vào năm 2003, bạn nên đến Trung Quốc.

Lượng FDI đổ vào Indonesia đã phục hồi và thậm chí tăng tốc trong khoảng giữa vào cuối những năm 2000, nhưng phần lớn giờ đổ vào các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên.

Nhân tố thứ ba có thể là thứ mà các chuyên gia kinh tế gọi là “Căn bệnh Hà Lan” (Dutch Disease) – giá cả hàng hóa tăng trong những năm 2000 khiến giới doanh nghiệp ở Indonesia chạy đua xuất khẩu tài nguyên thay vì sản xuất.

Nói cách khác, Indonesia đã chuyển từ sản xuất giày và máy tính sang đốn hạ cây cối và đào bới tìm tài nguyên. Aswicahyono et al kết luận về giai đoạn hậu khủng hoảng như sau:

Nông nghiệp lấy lại đà tăng trưởng dương, điều này phản ánh rõ lợi thế sở hữu tài nguyên thiên nhiên của Indonesia trong bối cảnh giá cả hàng hóa cao…Ngành sản xuất được xem là độc nhất, nó là ngành công nghiệp duy nhất có cả đà tăng trưởng sản lượng lẫn sự phục hồi sản lượng.

Nhưng đây mới là điều bất ngờ. Bất chấp quá trình giảm công nghiệp hóa dần dần sau khi bước sang thế kỷ mới, Indonesia vẫn tăng trưởng với tốc độ giống như trước đây! Sau đây là GDP dài hạn của họ, lấy từ dữ liệu của Angus Maddison:

Khủng hoảng Tài chính châu Á có thể dễ dàng nhìn thấy trên biểu đồ này, nhưng liệu bạn có thấy được sự sụp đổ trong ngành sản xuất và sự chuyển đổi sang các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên khi nhìn vào GDP không? Rất khó.

Indonesia chuyển đổi toàn bộ mô hình phát triển của họ, trong khi không để mất đi nhịp độ tăng trưởng. Và họ làm được điều đó ngay trong lúc giá cả hàng hóa toàn cầu trải qua những đợt lên xuống thất thường trong giai đoạn đó.

Kiểu tiến triển suôn sẻ, và đà tăng trưởng đó không phải điển hình đối với một nước xuất khẩu hàng hóa. Các mô hình kinh tế sẽ không thể lý giải được tại sao GDP vẫn gần như không bị ảnh hưởng sau những cú sốc lớn trong thương mại như vậy. Chúng ta giải thích thế nào?

Lời giải thích có thể gọi là hợp lý chính là đô thị hóa. Quá trình người dân Indonesia dịch chuyển sang các thành phố đã chậm lại đôi chút sau khi bước sang thế kỷ mới, và điều này vẫn diễn ra với tỷ lệ đáng kể. Một lời giải thích chính là sự kết tụ trong khu vực – mỗi quốc gia trong khu vực đều có đà tăng trưởng tốt trong 2 thập kỷ qua, bất chấp sự khác biệt lớn trong mô hình phát triển và công nghiệp của họ:

Việc Indonesia lấy lại đà phát triển trong những năm 2000 và 2010 có thể xem câu chuyện thành công về chủ nghĩa tân tự do. Tự do hóa thương mại – tiếp diễn sau sự sụp đổ của Suharto, cùng sự hỗ trợ từ IMF – có nghĩa rằng Indonesia luôn tìm thấy được thứ gì đó để bán cho các nước xung quanh, ngay cả nếu lợi thế của họ chuyển dịch từ sản xuất sang khai khoáng và khai thác gỗ.

Nhưng trong dài hạn, vẫn là không tốt khi có một nền kinh tế chủ yếu dựa vào khai khoáng và khai thác gỗ, vì một vài lý do.

Thứ nhất, không có quốc gia nào lại vươn được tới thứ hạng nước phát triển theo cách đó, chỉ ngoại trừ một vài nước nhỏ giàu dầu mỏ. Thứ hai, đến cuối cùng anh sẽ cạn kiệt rừng và khoáng sản. Thứ ba, khai thác gỗ và khoáng sản không tốt cho môi trường, dẫn tới sự phẫn nộ của người dân.

Bởi vậy Indonesia cần phải trở lại con đường sản xuất, và nối lại tiến trình công nghiệp hóa đã bị ngừng sau năm 1997. Và bất ngờ thay, họ thực sự chuyển dịch theo hướng đó!.

Indonesia hiện là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và thuộc nhóm G20.

Indonesia hiện là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và thuộc nhóm G20.

Đóng góp của ngành sản xuất cho GDP đã tạm dừng. Bạn có thể nhìn thấy mức tăng nhẹ trong năm 2020 trên biểu đồ phía trên, và các con số thống kê sơ bộ cho thấy rằng mức tăng này đã lớn hơn trong năm 2021, bởi nguồn vốn đầu tư vào ngành này tăng lên. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới mọi thứ, còn lâu nữa mọi thứ mới phục hồi.

Nhưng trước đại dịch, có nhiều chỉ số cho thấy indonesia đang hưởng lợi từ thương chiến Mỹ-Trung, khi mà các hãng sản xuất tìm cách đa dạng hóa ra bên ngoài Trung Quốc.

Và có khả năng là “Friend-shoring” (tức chuyển chuỗi cung ứng hàng hóa sang các nước thân thiện) sẽ giúp chuyển hướng các nguồn đầu tư từ Trung Quốc sang Indonesia. Ngoài sức ép về mặt chính trị, cũng có khả năng là lương của công nhân trong ngành sản xuất của Trung Quốc đã tăng lên, đến mức mà quốc gia này trở nên kém cạnh tranh hơn trong các ngành công nghiệp thâm dụng lao động.

Indonesia có thể chứng kiến sự trở lại của thời hoàng kim của ngành sản xuất, như trong thập kỷ 80, 90 nếu như lựa chọn đúng hướng đi. Bản báo cáo năm 2019 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Hoạch định Phát triển Quốc gia Indonesia (Bappenas) phối hợp thực hiện có một danh sách dài những đề xuất chính sách để phục hồi lại ngành sản xuất. Có rất nhiều đề xuất về việc hỗ trợ các hãng sản xuất nhỏ để biến chúng thành lớn như trước kia, và tái hội nhập Indonesia vào các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Với lịch sử đáng chú ý của Indonesia, tôi lạc quan rằng chiến lược này có thể thành công. Indonesia hiện nay đã công nghiệp hóa, dân chủ hóa cục bộ, và đã duy trì được mức tăng trưởng đều đặn bất chấp giai đoạn giảm công nghiệp hóa.

Và đà tăng trưởng tổng thể của Đông Nam Á, đặc biệt là cuộc thoái lui khỏi Trung Quốc, cũng tạo nên những điều kiện hết sức cho ngành sản xuất của khu vực. Nếu có bất kỳ quốc gia nào đủ linh hoạt và tháo vát để quay trở lại từ con đường giảm công nghiệp hóa, đó sẽ là Indonesia./.

Nguồn tham khảo: Noahpinion