In 3D thành công quả tim dùng chính tế bào của bệnh nhân

Sử dụng mô mỡ của bệnh nhân làm 'mực in', các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Tel Aviv đã in thành công quả tim 3D đầu tiên có mạch máu.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tel Aviv đã in thành công một quả tim 3D. Quả tim này sử dụng các tế bào và vật liệu sinh học của một bệnh nhân. Đột phá y học này được công bố trên Advanced Science.

Quả tim có các thành phần khá hoàn chỉnh với các tế bào, mạch máu, tâm thất và khoang tim. Đây là bước tiến lớn so với những mô hình tim 3D trước đây hoàn toàn không có mạch máu.

Quả tim 3D với các mạch máu, tâm thất... như thật. Ảnh: Đại học Tel Aviv.

Quá trình tạo ra quả tim bắt đầu bằng việc lấy mô mỡ từ bệnh nhân. Vật liệu tế bào từ các mô này được sử dụng làm "mực" để tiến hành in tim. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu tạo ra các chi tiết phức tạp của tim. Sau đó họ ghép các phần này thành một quả tim hoàn chỉnh.

Tuy vậy, kích thước của thành phẩm được in thành công chỉ tương đương tim của một con thỏ. Thế nhưng nó tạo tiền đề cho việc in một quả tim kích thước phù hợp với con người.

Hiện tại, quả tim 3D được in chỉ có thể co lại. Các nhà nghiên cứu đang lên kế hoạch nuôi cấy một quả tim 3D khác và tập cho nó cách vận hành như thật. Sau đó, quả tim này sẽ được cấy vào các mô hình động vật để đánh giá khả năng vận hành.

Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã làm việc với các mô hình 3D nhiều chi tiết trên cơ thể nhằm tìm ra giải pháp thay thế. Các nhà khoa học của Đại học Tel Aviv cho biết, trong 10 năm tới, các máy in nội tạng có thể sẽ sẵn sàng tại nhiều bệnh viện trên thế giới.

Theo Zing

http://news.zing.vn/in-3d-thanh-cong-qua-tim-dung-chinh-te-bao-cua-benh-nhan-post936255.html