|
Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cảnh báo về đà giảm của nền kinh tế thế giới (Ảnh: Getty) |
Bà Georgieva - người vừa nhận chức vụ chóp bu của IMF trong tháng này - đã công bố bản đánh giá về viễn cảnh nền kinh tế toàn cầu trong năm tới, trong đó cảnh báo rằng kinh tế toàn cầu đang có xu hướng chậm lại một cách "đồng bộ". Theo ước tính của IMF, 90% các nền kinh tế trên toàn cầu sẽ có đà tăng trưởng chậm lại trong năm nay.
"Cách đây 2 năm, kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng. Dựa theo GDP, gần 75% các nền kinh tế trên thế giới tăng tốc", người đứng đầu IMF lý giải. "Ngày nay, càng có thêm nhiều nền kinh tế dịch chuyển theo hướng đồng bộ, nhưng đáng buồn là lại theo xu hướng giảm đầ tăng trưởng".
"Xu hướng giảm lan rộng này đồng nghĩa với việc đà tăng trưởng trong năm nay sẽ tụt xuống mức thấp nhất tính từ đầu thập kỷ", bà Georgieva nói.
Giải thích về một số nhân tố gây ra xu hướng giảm toàn cầu, bà Georgieva nhấn mạnh vào căng thẳng thương mại cùng các đòn áp thuế, đặc biệt chỉ ra ảnh hưởng từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung.
"Hậu quả được thể hiện rất rõ. Tất cả đều thua trong một cuộc chiến thương mại", bà Georgieva nói. "Đối với nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực từ xung đột trong thương mại có thể khiến toàn thế giới mất đi 700 tỷ USD trong năm 2020, tương đương 0,8% GDP. Con số này xấp xỉ bằng với giá trị của nền kinh tế Thụy Sĩ".
Trong hôm đầu tuần này, Hiệp hội Quốc gia về Kinh tế Kinh doanh Mỹ (NABE) cũng công bố một bản nghiên cứu mới trong đó dẫn dự báo của giới chuyên gia kinh tế nói rằng đà tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ giảm xuống mức dưới 2% trong năm 2020.
"Dự báo mà chúng tôi đưa ra đối với đà tăng trưởng GDP là 1,8% trong năm 2020, suy giảm so với mức 2,3% trong năm 2019 và so với 2,9% trong năm 2018", ông Constance Hunter, Chủ tịch của NABE, nói trong một tuyên bố.
Phần lớn các nhà kinh tế tham gia nghiên cứu này cũng chỉ ra chính sách thương mại của Mỹ như một yếu tố đầy rủi ro gây nên đà giảm của nền kinh tế. Cụ thể, 53% số chuyên gia kinh tế tham gia nghiên cứu này tin rằng căng thẳng thương mại là nguyên nhân chính khiến dự báo tăng trưởng GDP giảm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và những người ủng hộ ông từng liên tục chỉ ra thắng lợi về mặt kinh tế như nguyên nhân chính mà cử tri nên ủng hộ ông. Ông Trump cho rằng ông đã tạo nên nền kinh tế "vĩ đại nhất" trong lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên, giới kinh tế học phần lớn chỉ nhất trí với việc ông tạo ra một nên kinh tế "vĩ đại" chứ không phải "vĩ đại nhất", đồng thời chỉ ra một số tín hiệu cho thấy đà giảm của nền kinh tế.
Sự thành công của chính sách kinh tế Trump chủ yếu dựa trên tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, hiện ở mức 3,5%. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của nước Mỹ lại tăng lên. Tính đến nay, thâm hụt thương mại Mỹ được dự kiến sẽ tăng thêm 400 tỷ USD -- từ mức 585 tỷ USD vào thời điểm ông Trump mới nhận chức -- lên 984 tỷ USD vào cuối năm 2019, tức tăng tới 68%.
Theo Newsweek