IBM sẽ phối hợp với Liên doanh Rapidus sản xuất chip tiên tiến tại Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Liên doanh sản xuất bán dẫn Rapidus sẽ liên kết phối hợp với công ty IBM sản xuất các chíp tiên tiến nhất tại Nhật Bản, phục vụ cho nhu cầu của ngành công nghiệp quốc gia này và các sản phẩm của IBM.
Chủ tịch Rapidus Corp. Atsuyoshi Koike (thứ 2 bên trái sang), Phó chủ tịch cấp cao IBM Corp Dario Gil (thứ 3 bên trái sang) trong cuộc họp báo chung ở Tokyo ngày 13/12/2022. Ảnh Kyodo.
Chủ tịch Rapidus Corp. Atsuyoshi Koike (thứ 2 bên trái sang), Phó chủ tịch cấp cao IBM Corp Dario Gil (thứ 3 bên trái sang) trong cuộc họp báo chung ở Tokyo ngày 13/12/2022. Ảnh Kyodo.

Tháng 11, một tập đoàn 8 công ty Nhật Bản đã thành lập Rapidus, một công ty liên doanh mà chính phủ hy vọng có thể giúp đất nước phục hồi lại ngành sản xuất chip tiên tiến.

Chính phủ Nhật Bản trực tiếp hỗ trợ Rapiduz với phương thức tiếp cận sản xuất thực tế hơn so với những nỗ lực trước đó, liên doanh hướng tới mục tiêu hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế.

Để hiểu phương thức tiếp cận của chính phủ Nhật Bản, cần lưu ý mục tiêu quan trọng đầu tiên của quốc gia này là tìm giải pháp sản xuất hàng loạt thành công chip công nghệ 2nm trong 5 năm, một mục tiêu đầy tham vọng. Nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp trong ngành bán dẫn Nhật Bản thừa nhận, nền công nghiệp bán dẫn của quốc gia này đã tụt hậu 10-20 năm về công nghệ tiên tiến, sẽ không dễ dàng vượt lên ngang tầm với công ty sản xuất chíp theo hợp đồng Đài Loan (TSMC) hoặc Samsung Hàn Quốc hiện nay.

Thực hiện mục tiêu này, Nhật Bản tìm kiếm những khả năng tốt nhất, chỉ một tháng sau khi thành lập, Rapidus công bố hợp tác với trung tâm nghiên cứu vi điện tử IMEC có trụ sở tại Bỉ về những công nghệ bán dẫn tiên tiến.

Trong lễ ký kết hợp tác song phương, Atsuyoshi Koike, chủ tịch Rapidus tuyên bố: “Hợp tác quốc tế có ý nghĩa quan trọng để Rapidus đạt được mục tiêu theo kế hoạch của chính phủ, sản xuất hàng loạt công nghệ 2nm, Imec là một đối tác thiết yếu trong sự hợp tác này”.

Rapidus không chỉ dừng lại ở đó, tuần này liên doanh công bố hợp tác với IBM Research để phát triển công nghệ 2nm của tập đoàn công nghệ khổng lồ Mỹ trong các nhà máy mà Rapidus dự định xây dựng ở Nhật Bản trong thập kỷ này. Theo Forbes, mặc dù trên danh nghĩa, thông báo này dành cho quy trình 2nm của IBM, nhưng bao gồm một cam kết lâu dài liên kết phối hợp phát triển các chip bán dẫn tiên tiến vượt qua nút quy trình 2nm.

Thỏa thuận yêu cầu Rapidus gửi các kỹ sư Nhật Bản đến nghiên cứu, tìm hiểu quy trình 2nm tại phòng Nghiên cứu thử nghiệm IBM trong Khu liên hợp Công nghệ Nano Albany, bang New York, làm việc cùng với các kỹ sư phòng Nghiên cứu của IBM. IBM Research cũng đã có một nhóm nghiên cứu tổng quan và chuyên sâu tại Nhật Bản. Tương tự như với IMEC. IBM cũng sẽ hợp tác với Rapidus trong kế hoạch thành lập Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Tiến tiến (LSTC) sắp được hình thành tại Nhật Bản.

LSTC sẽ là tổ chức bảo trợ tổng thể dưới quyền quản lý và điều chỉnh của chính phủ, điều phối các hoạt động nghiên cứu chất bán dẫn đang được thực hiện, liên doanh Rapidus sẽ là tổ chức sản xuất, ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất.

LSTC được lên kế hoạch từ lâu sau khi Mỹ và Nhật Bản thống nhất các Nguyên tắc Cơ bản về Hợp tác Bán dẫn tháng 5/2022 tại cuộc họp đầu tiên của các thứ trưởng trong cuộc hội họp trực tuyến Đối tác Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản-Mỹ (JUCIP), thảo luận về chất bán dẫn, kiểm soát xuất khẩu, nền kinh tế kỹ thuật số, thương mại và đầu tư.

Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, đây có thể là cơ hội tốt nhất để Nhật Bản phục hồi lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. Hiện nay, Nhật Bản đang tiêu thụ rất nhiều linh kiện bán dẫn cho các nhà cung cấp ô tô và điện tử như Toyota và Sony, những công ty lớn đang đầu tư vào Rapidus.

Ông Koike đã phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo trong tuần này: “Sẽ mất vài nghìn tỷ yên” để bắt đầu sản xuất thử nghiệm. Nhưng ông không cho biết, nguồn tài chính sẽ được huy động từ đâu, hoặc liên doanh sẽ xây dựng xưởng đúc ở địa bàn nào tại Nhật Bản. Khi Rapidus ra mắt vào tháng 11, Bộ Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản cho biết sẽ đầu tư 70 tỷ yên (500 triệu USD) ban đầu cho bước phát triển đầu tiên của ngành sản xuất chíp tiên tiến.

Theo Tech Wire Asia