ThS.BSCK2. Nguyễn Phi Phong – Khoa Ngoại nhi, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng - cho biết, trẻ là con của sản phụ ở Kon Tum. Khối u được phát hiện lúc thai 18 tuổi và theo dõi thai tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. Khi đủ tháng, trẻ được sinh mổ, chào đời với cân nặng 3,2kg. Tuy nhiên sau sinh, ở vùng cụt của trẻ có khối u lớn hơn 15cm và nặng hơn 1,2kg.
Sau khi chẩn đoán và hội chẩn thống nhất phương án, các bác sĩ Khoa Ngoại nhi đã phối hợp với Khoa Nhi sơ sinh và Khoa Gây mê tiến hành phẫu thuật cắt khối u. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 tiếng, khối u đã được cắt bỏ thành công. Kết quả giải phẫu khối u cho thấy là hỗn hợp dịch, xương, lông tóc và mô mềm.
“Khối u có nguồn gốc từ tế bào phôi thai. Mức độ ác tính tùy thuộc vào độ trưởng thành của khối u và độ tuổi mổ. Tỷ lệ gặp rất hy hữu từ 1/35.000 - 1/40.000 ca mắc. Hiện trẻ đang được tiếp tục hồi sức và điều trị sau mổ và chờ kết quả sinh thiết khối u để đánh giá và tiên lượng cuộc sống của trẻ sau mổ”- ThS.BSCK2. Nguyễn Phi Phong cho hay.
Tuy khối u hiếm gặp ở trẻ sơ sinh nhưng theo BS.Phong - người trực tiếp phẫu thuật khối u cho cháu bé - trong khoảng 10 năm, Bệnh viện đã phẫu thuật khoảng 20 trường hợp tương tự và đã có báo cáo chia sẻ trong và ngoài nước.
Cũng theo BS.Phong, khối u là dị tật bẩm sinh có nguồn gốc từ tế bào phôi thai nhưng vẫn có thể điều trị được sau sinh, nên không có chỉ định chấm dứt thai kỳ.
"Các mẹ bầu nên khám thai định kỳ để phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh và kịp thời để được tư vấn cụ thể hơn và nên sinh ở các trung tâm chuyên sâu về sản và nhi để can thiệp kịp thời và tốt nhất cho trẻ" - BS.Phong khuyến cáo.