Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận nam bệnh nhân Đ.T.B. (46 tuổi, trú tại Thái Nguyên) bị sặc dầu diesel gây tổn thương viêm phổi nghiêm trọng.
Gia đình bệnh nhân cho biết, trước đó, khi máy xúc đang chạy thì bị hết dầu, người đàn ông này dùng miệng hút dầu diesel từ thùng phuy đổ vào máy, không may sặc dầu vào phổi đọng lại ở các phế nang... Một lượng dầu lớn đã xâm nhập vào phổi, nhiều váng dầu đọng lại trên các phế nang và nhu mô phổi.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau ngực, sốt cao, khó thở tăng dần và ngộ độc hóa chất. Qua kết quả thăm khám cho thấy phần phổi của ông B. bị tổn thương nghiêm trọng, viêm đáy phổi dẫn đến suy hô hấp.
Các bác sỹ đã tiến hành kỹ thuật rửa phổi bằng dung dịch nước muối sinh lý để làm giảm tổn thương phổi do hóa chất và để rửa sạch phổi cho bệnh nhân phải dùng khoảng 10 lít dung dịch nước muối.
Hiện tại, bệnh nhân tạm thời qua cơn nguy kịch, có thể tự thở và tình trạng đau tức ngực đã giảm. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe, bệnh nhân vẫn đang được chăm sóc hậu phẫu tại Khoa Gây mê hồi sức của Bệnh viện.
Theo BS. Nguyễn Viết Nghĩa - Phó trưởng Khoa Gây mê hồi sức (Bệnh viện Phổi Trung ương), đây là ca thứ hai bị sặc hóa chất vào phổi mà bác sĩ của Bệnh viện phải rửa phổi cứu bệnh nhân.
Dùng miệng sang chiết hóa chất rất nguy hiểm, nguy cơ bị sặc rất cao. Nếu vào dạ dày gây tổn thương dạ dày, vào phổi gây viêm phổi, dẫn đến suy hô hấp. Hơn thế nữa, nếu không được điều trị tích cực, không được rửa phổi kịp thời thì phổi sẽ tổn thương, gây nguy hiểm đến tính mạng.
BS. Nghĩa khuyến cáo, người dân không nên dùng miệng hút hóa chất như xăng, dầu… Nếu không may bị sặc dầu vào đường tiêu hóa, nhanh chóng tìm cách gây nôn và cần được đưa đến các cơ sở y tế để rửa dạ dày.Nếu hóa chất không may đi vào phổi, bệnh nhân nên lập tức đưa đến bệnh viện gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời.
Theo thống kê, mỗi năm có nhiều trường hợp nhập viện vì xăng, dầu xâm nhập vào phổi. Đây là tai nạn do thói quen thường mắc phải của người Việt. Phần lớn các trường hợp này có thói quen dùng miệng hút xăng, dầu trong quá trình vận hành, sửa chữa máy móc hoặc thiết bị công cụ có xăng, dầu.