Từ “ông trùm” đất hiếm...
Theo tìm hiểu của VietTimes, CTCP Tập đoàn Hưng Hải (Hưng Hải Group) được thành lập vào tháng 12/2008, hoạt động đầu tư kinh doanh tích cực tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai.
Tính tới tháng 10/2016, quy mô vốn của Hưng Hải Group đạt 200 tỷ đồng. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hưng Hải Group là ông Trần Đình Hải góp 190 tỷ đồng, sở hữu 95% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại chia đều cho 2 cổ đông cá nhân là ông Vũ Quang Trường và bà Trần Thị Hiền. Vị trí Tổng Giám đốc của Hưng Hải Group hiện do ông Đào Hùng Cường (SN 1980) đảm nhiệm.
Tập đoàn của ông Trần Đình Hải kinh doanh đầu tư vào nhiều dự án trong các lĩnh vực khai thác mỏ, xây dựng cầu đường và thủy điện. Vị thế của Hưng Hải Group phần nào được khẳng định khi tập đoàn này được UBND tỉnh Lai Châu lựa chọn là đối tác chiến lược, chỉ định thực hiện nhiều dự án thủy điện lớn tại địa phương.
Trong lĩnh vực khai thác mỏ, Hưng Hải Group được biết đến là đơn vị quản lý, khai thác mỏ đất hiếm Nam và Bắc Nậm Xe (Lai Châu).
Năm 1990, cơ quan chức năng đã tiến hành thăm dò các mỏ Đông Pao, Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe. Kết quả cho thấy, tổng trữ lượng cấp B khoảng 5.680 tấn và cấp C1 khoảng 2,1 triệu tấn; cấp C2 khoảng 7,7 triệu tấn. Tuy nhiên, tổng trữ lượng đất hiếm khai thác có lãi (theo tiêu chuẩn đánh giá của Liên Hiệp Quốc) thuộc cấp R-1-E (được thăm dò ở mức chi tiết và nếu khai thác phải có lãi) của Việt Nam vào khoảng 1 triệu tấn. |
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Hưng Hải Group và ông Trần Đình Hải tham gia góp vốn, nắm tỷ lệ chi phối tại nhiều doanh nghiệp hoạt động khai thác quặng kim loại quý hiếm, nổi bật là CTCP Khai thác và Chế biến đất hiếm Nậm Xe hay CTCP Đất hiếm Tây Bắc.
Đáng chú ý, Hưng Hải Group còn tham gia góp 70 tỷ đồng, sở hữu 20% vốn của CTCP Đất hiếm Lai Châu - Vimico (Lavreco) - thành viên của Tổng công ty Khoáng sản (Vinacomin).
Được biết, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc giao cho Lavreco quản lý toàn bộ mỏ đất hiếm Đông Pao (Lai Châu).
Mỏ đất hiếm Nam Nậm Xe (Ảnh: Tuổi trẻ)
|
Một số khảo sát cho thấy đây là mỏ khoáng sản đất hiếm lớn nhất Việt Nam, có diện tích hơn 11km2, trữ lượng trên 5 triệu tấn ôxít và thân quặng chính là F3 và F7, một loại quặng quý hiếm rất cần trong chế tạo công nghệ điện tử. Mỏ sẽ được khai thác lộ thiên, tuyển khoáng và thủy luyện có công suất quặng nguyên khai là 1.088.000 tấn.
Như vậy, cả 3 mỏ đất hiếm lớn nhất cả nước đều ít nhiều có sự góp mặt của Hưng Hải Group.
Tới “đại gia” năng lượng
Bên cạnh khoáng sản, Hưng Hải Group cũng là chủ đầu tư của nhiều dự án thủy điện như: Thủy điện Nậm Củm 4 (Hưng Hải Group thoái vốn khỏi doanh nghiệp dự án vào năm 2017), Thủy điện Tả Páo Hồ, Thủy điện Nậm Na 2, Thủy điện Nậm Na 3 (Lai Châu), Thủ điện Suối Chăn (Lào Cai), Thủy điện Sông Mã 3 (Điện Biên).
Ở nhiều dự án thủy điện, tập đoàn này vướng không ít lùm xùm về việc “chiếm dụng” dự án để tận thu khoáng sản, khai thác tài nguyên rừng.
Trong một thương vụ đầu tư ít biết, ông Trần Đình Hải từng nắm giữ 99,27% vốn của CTCP Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng (Thành Hưng). Dù ông Hải đã triệt thoái vốn từ tháng 5/2017, song Thành Hưng vẫn góp mặt trong một số dự án năng lượng tái tạo, và cũng là lĩnh vực đầu tư gây được nhiều sự chú ý của Hưng Hải Group thời gian qua.
Được biết, Hưng Hải Group còn sở hữu dự án điện gió có công suất 600 MW, tổng vốn đầu tư 21.000 tỷ đồng tại Gia Lai. Bên cạnh đó, tập đoàn còn là chủ đầu tư cụm 5 dự án điện mặt trời Lộc Ninh (Bình Phước), có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)
|
Các dự án đều được ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Hưng Hải Group còn được Bình Phước chỉ định thực hiện dự án công trình đường dây và trạm biến áp 220 kV đấu nối các nhà máy điện mặt trời trên địa bàn huyện Lộc Ninh vào hệ thống điện lưới quốc gia.
Việc các dự án được đảm bảo về đầu ra phần nào khiến cụm dự án quang điện Lộc Ninh của Hưng Hải Group trở nên hấp dẫn và lọt vào tầm ngắm của “đại gia” ngành năng lượng Thái Lan - Super Energy Corporation (SEC).
Như VietTimes đã đề cập, tháng 3/2020, SEC công bố thông tin cho biết muốn chi tối đa 456,7 triệu USD, tương đương 26,23% tổng tài sản, để thâu tóm các dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1-4 của Hưng Hải Group.
Tuy nhiên, thay vì trực tiếp mua cổ phần doanh nghiệp dự án từ chủ đầu tư, SEC lại quyết định “đi vòng” thông qua loạt pháp nhân SSEVN1, SSELN2, SSEBP3, New Hold Co 4.
Cụ thể, SEC trước tiên nắm giữ 49% cổ phần, rồi sau đó sẽ mua 51% cổ phần còn lại tại các doanh nghiệp trung gian từ 2 cá nhân là ông Tạ Xuân Thắng (SN 1981) và bà Châu Mộng Như (SN 1988).
Super Energy Corporation muốn thông qua trung gian để thâu tóm một số dự án quang điện tại Lộc Ninh của Hưng Hải Group (Nguồn: SEC)
|
Mối làm ăn lớn với Á hậu Châu Mộng Như
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, SEC đã có những bước chuẩn bị từ trước khi công bố thông tin chính thức. Đại gia ngành năng lượng đến từ Thái Lan cũng lên kế hoạch chi trả tiền để mua cổ phần một cách chi tiết, thông qua 4 lần trả và dự kiến hoàn tất vào Quý 1/2021.
Ngay từ đầu năm 2020, loạt doanh nghiệp trung gian đã được thành lập. Đơn cử như trường hợp của SSVN1. Doanh nghiệp này được thành lập vào ngày 3/1/2020 với quy mô vốn 63 tỷ đồng.
Trong đó, công ty con do SEC sở hữu 100% vốn là Super Solar (Thailand) Co., Ltd góp hơn 30,87 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu 49%. Bà Châu Mộng Như góp 28,35 tỷ đồng, sở hữu 45%. Ông Tạ Xuân Thắng góp 3,78 tỷ đồng, sở hữu 6% vốn điều lệ.
Các vị trí chủ chốt của SSVN1 do các thành viên của SEC nắm giữ. Cụ thể, Chủ tịch HĐQT SSVN1 là ông Jormsup Lochaya (SN 1970), trong khi vị trí Giám đốc do ông Chaphamon Chantarapongphan (SN 1974) nắm giữ. Ông Tạ Xuân Thắng đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch HĐQT.
Phương án thanh toán tiền mua cổ phần của Super Energy Corporation (Nguồn: SEC)
|
Bà Châu Mộng Như được biết tới là Á hậu Châu Á tại Mỹ năm 2012, từng hoạt động trong Showbiz một thời gian ngắn, và sở hữu cho mình một “đế chế” kinh doanh riêng, phần nào được biết tới qua Spa mang thương hiệu PPL Beauty ở Tp. HCM.
Năm 2013, bà Như thành lập Công ty TNHH Sea Dragon (nay là CTCP Sea Dragon) có vốn điều lệ 10 tỷ đồng.
Cuối năm 2018, Sea Dragon tăng mạnh vốn lên 1.200 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: bà Châu Mộng Như (sở hữu 90% VĐL), ông Tạ Xuân Thắng (5% VĐL) và ông Lê Khôi Nguyên (5% VĐL). Ông Lê Khôi Nguyên (SN 1990) được biết tới là Nam vương Việt Nam năm 2010.
“Hệ sinh thái” của bà Châu Mộng Như bao gồm một loạt doanh nghiệp khác như: CTCP Đầu tư Giải trí Châu Huỳnh, Công ty TNHH Sea Dragon Edu, Công ty TNHH Đầu tư Sắc đẹp PPL, CTCP Thương mại Quốc tế SD, Công ty TNHH Ẩm thực Sân vườn 37, Công ty TNHH Xây dựng Hạ Tầng Đa Quốc Gia, Công ty TNHH Đầu tư và Bất động sản Rồng Biển.
Á hậu Châu Á tại Mỹ năm 2012 Châu Mộng Như (Nguồn: Khampha.vn)
|
Kể từ năm 2018, nhóm nhà đầu tư có liên quan tới bà Như chuyển sang lĩnh vực năng lượng tái tạo với việc thành lập một loạt các pháp nhân, có thể kể tới: CTCP Năng lượng Châu Á (VĐL 800 tỷ đồng), CTCP Năng lượng Asean (VĐL 1.200 tỷ đồng), CTCP Năng lượng miền Trung (VĐL 1.200 tỷ đồng), CTCP Năng lượng điện gió Việt Nam Quốc tế, CTCP Năng lượng Tân Châu và CTCP Năng lượng Xanh HHG.
Trong đó, CTCP Năng lượng Xanh HHG (HHG) được bà Châu Mộng Như và Hưng Hải Group cùng 1 cá nhân khác tham gia góp vốn thành lập năm 2017. Quy mô vốn của HHG là 100 tỷ đồng, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện.
Bà Như còn đảm trách chức vụ Tổng Giám đốc tại CTCP Năng lượng Hưng Bình (Hưng Bình) từ tháng 7/2018. Hưng Bình có quy mô vốn 50 tỷ đồng, trong đó ông Trần Đình Hải và một cá nhân liên quan góp 45%, ông Trương Hữu Thông (chủ sở hữu CTCP Sữa Thông Thuận) nắm 55% vốn.
Được biết, Hưng Bình là chủ đầu tư dự án điện mặt trời Sông Bình 6 công suất 250MW, tổng vốn đầu tư 5.600 tỷ đồng tại Bình Thuận. Dự án này được phát triển trên diện tích 295 ha, khu đất trước đây được cấp cho CTCP Sữa Thông Thuận làm dự án chăn nuôi bò.
Ông Trần Đình Hải còn cùng một cá nhân khác trong nhóm Sea Dragon góp vốn thành lập CTCP Tư vấn và Đầu tư Era Homes, đăng ký hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Ngoài ra, tháng 5/2018, ông Tạ Xuân Thắng và hai cá nhân khác thành lập CTCP Năng lượng Tân Châu - chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Tân Châu 1, công suất 50MW, vốn đầu tư hơn 1.075 tỷ đồng tại Tây Ninh.
Song, vào cuối tháng 2/2019, các cổ đông đã bán hết phần vốn cho một doanh nghiệp nước ngoài./.