Trong ngày 18/4, Singapore đã có thêm tới 942 ca nhiễm bệnh COVID-19 mới, tạo ra một mức cao kỷ lục mới về số người nhiễm mới trong một ngày. Tổng cộng hiện Singapore đã có 5.992 người bị nhiễm bệnh, vượt qua nước láng giềng Malaysia. Hầu hết các bệnh nhân mới bị nhiễm đều là người lao động nước ngoài tại các ký túc xá. Các trường hợp người địa phương tiếp tục giảm, chỉ có 14 trường hợp. Thủ tướng Lý Hiển Long mô tả các biện pháp chống dịch là đã đạt được kết quả ban đầu và kêu gọi người dân đừng xem thường dịch bệnh.
Ông Lý Hiển Long đã viết trên mạng xã hội Facebook rằng vài ngày tới sẽ là thời điểm quan trọng, kêu gọi dân chúng hãy hết sức khắc chế bản thân để chống lại dịch bệnh. Ông nói số trường hợp bị bệnh trong các khu ký túc xá lao động nước ngoài đã tăng lên từng ngày. May mắn thay, hầu hết trong số họ là những bệnh nhân trẻ và bị nhẹ. Chính phủ đang chú ý đến tình trạng sức khỏe của họ và dành thời gian để kiểm soát tình hình dịch bệnh tại các khu ký túc xá. Ông cũng dự đoán sẽ có thể xuất hiện thêm nhiều ca bệnh nữa.
Bài viết của ông Lý Hiển Long trên Facebook hôm 18/4 (Ảnh: DF).
|
Hôm 16/4 ông Lý Hiển Long cũng đã viết trên mạng xã hội Facebook nói rằng các cơ quan chính phủ đã phối hợp chặt chẽ để bảo vệ sức khỏe của công nhân nước ngoài và hứa sẽ cùng với họ vượt qua thời kỳ khó khăn này. Ông cũng cảm ơn những người lao động nước ngoài đã đóng góp cho đất nước, đề cập đến sự hợp tác của họ trong việc xây dựng các căn hộ chung cư, tàu điện ngầm, sân bay và bến cảng. Một số người làm việc ngày đêm trong các nhà máy hoặc chăm sóc những người già và bệnh nhân.
Ngoài ra, một số nhóm mạng xã hội đã sử dụng phương thức giải đề toán học để tính toán và tiết lộ số lượng người bị bệnh hàng ngày trước 10 tiếng đồng hồ. Bộ Y tế đã báo cáo vụ việc để cảnh sát điều tra xử lý.
Theo trang tin Đông Phương, vì hầu hết các bệnh nhân mới đến từ các ổ dịch trong các ký túc xá người lao động nước ngoài, chính phủ Singapore đang xem xét sắp xếp các công nhân nước ngoài không nhiễm bệnh ở lại trong hai tàu du lịch.
Một ký túc xá người lao động nước ngoài ở Singapore (Ảnh: DF).
|
Khoảng 60% bệnh nhân được chẩn đoán ở Singapore sống trong ký túc xá cho công nhân nước ngoài, chủ yếu là công nhân từ các quốc gia Nam Á. Họ có từ 12 đến 20 người chen lấn trong một căn phòng và nhà vệ sinh chung. Một số công nhân nước ngoài cho rằng môi trường không hợp vệ sinh. Singapore hiện đã đưa một số công nhân khỏe mạnh vào các khu nhà ở công cộng, doanh trại quân đội và tàu công nghiệp.
Trong số các bệnh nhân mới được ghi nhận hôm 16/4, có 654 là từ các ổ dịch trong ký túc xá của công nhân nước ngoài, 48 người bị lây nhiễm tại địa phương và 26 người còn lại là công nhân nước ngoài sống bên ngoài các ký túc xá. Đồng thời, 5 ổ lây nhiễm trùng khác đã được phát hiện, tất cả đều liên quan đến ký túc xá của công nhân nước ngoài. Có nghĩa là trong số 43 khu ký túc xá được xây dựng dành riêng cho công nhân nước ngoài, đã có 19 nơi trở thành các ổ lây nhiễm. Ổ dịch lớn nhất là ký túc xá Punggol dành cho lao động nhập cư với tổng số 979 người bị nhiễm bệnh.
Chính phủ đã tăng cường các biện pháp chống dịch đối với các ổ lây nhiễm người lao động nước ngoài, bao gồm cách ly 12 khu ký túc xá trong 14 ngày, cấm người ra vào, những lao động nước ngoài tham gia các dịch vụ cần thiết được đưa khỏi các ký túc xá và đưa các đội y tế vào các ký túc xá. Hai con tàu du lịch trên biển là Song Tử Tinh (Superstar Gemini) và Bảo Bình Tinh (Superstar Aquarius), mỗi tàu có sức chứa 2 ngàn người, đang được xem xét sử dụng làm chỗ ở tạm thời để cho phép những người lao động nhập cư bị bệnh đã được phục hồi hoặc không bị nhiễm bệnh vào ở. Nếu kế hoạch này được thực hiện, đây sẽ là cơ sở tiếp theo được sử dụng để di dời lao động nước ngoài sau các tầng trệt của khu căn hộ còn trống và các bãi đậu xe nhiều tầng.
Tàu du lịch Bảo Bình Tinh, một trong 2 con tàu sẽ được dùng làm nơi ở cho những lao động nước ngoài đã khỏi bệnh hoặc không bị bệnh (Ảnh: DF).
|
Các cơ quan truyền thông địa phương đã thống kê các nhóm người dễ bị bùng phát dịch bệnh. Đó là các khu ký túc xá người lao động nước ngoài, viện dưỡng lão, những người vi phạm các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhà trẻ và trung tâm giáo dục mầm non và nơi làm việc. Các khu ký túc xá lao động nước ngoài rất dễ lây lan vi-rút do sử dụng chung các thiết bị sinh hoạt.
Ngày 16/4, giờ địa phương, bà Hà Tinh (Ho Ching), phu nhân của thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và là giám đốc điều hành của công ty đầu tư chính phủ Temasek Holdings đã viết trên mạng xã hội, cho rằng Singapore đánh giá thấp dịch bệnh COVID-19 và đã phải trả giá đắt.
Bà Hà Tinh viết, sau khi dịch bệnh bùng phát trên quốc tế, Singapore đã kêu gọi các công dân ở nước ngoài trở về Singapore. Tuy nhiên, Singapore đã phải trả giá cho việc này vì đã đánh giá thấp bệnh COVID-19 và sử dụng cách đã đối phó với SARS để chống lại COVID-19.
Bà nói rằng mặc dù Singapore yêu cầu những người trở về từ nước ngoài phải cách ly tại nhà, nhưng đã không ngay lập tức yêu cầu tập trung cách ly tại các cơ sở cụ thể. Thời gian cách ly 14 ngày không thể xác định đầy đủ các bệnh nhân lây nhiễm không có các triệu chứng và ảnh hưởng của các bệnh nhân không triệu chứng này lớn hơn nhiều so với dự kiến trước đây và cuối cùng đã ảnh hưởng đến nhóm người lao động nước ngoài.
Bà Hà Tinh viết trên Facebook cho rằng Singapore đã đánh giá thấp dịch bệnh COVID-19 và đã phải trả giá đắt (Ảnh: xinguozhi)
|
Trong một bài viết khác, bà kêu gọi Singapore nhanh chóng đưa bệnh viện cabin đang được xây dựng tại Trung tâm triển lãm Singapore vào sử dụng và chuẩn bị cho việc mở rộng quy mô các bệnh viện cabin.
Tính đến chiều ngày 18/4, Singapore đã báo cáo có tổng số 5.992 người bị bệnh; 11 người đã thiệt mạng; 740 người đã khỏi bệnh và 5.241 người đang được điều trị.
Tình hình dịch bệnh tại khu vực Đông Nam Á tiếp tục diễn biến phức tạp. Indonesia hiện là nước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng nhất với 6.248 người bị bệnh (tăng 325 trong 24 giờ qua), tử vong 535 (tăng 15), đã khỏi 631; Philippines đứng thứ 2 với 6.087 người bị bệnh (tăng 209), tử vong 397 (tăng 10), đã khỏi 516; đứng sau Singapore là Malaysia với 5.305 người bị bệnh (tăng 54), tử vong 88 (tăng 2), đã khỏi 3.102; Thái Lan: bị bệnh 2.733 (tăng 33), tử vong 47, đã khỏi 1.787; Việt Nam: bị bệnh 268, đã khỏi 201; Brunei: bị bệnh 137 (tăng 1), tử vong 1, đã khỏi 113; Campuchia: bị bệnh 122, đã khỏi 103; Myanmar: bị bệnh 94 (tăng 6), tử vong 5 (tăng 1), đã khỏi 5; Lào: bị bệnh 19, đã khỏi 2; Timor Leste: bị bệnh 18, đã khỏi 1.