Hơn 12 tháng gấp rút dự trữ linh kiện
Nikkei Asian báo cáo, cổ phiếu của các công ty nằm trong cuỗi cung ứng của Huawei đã bắt đầu bị bán tháo từ ngày 16/5, do lo ngại lệnh cấm của Washington đối với các công ty Mỹ và đối tác của Huawei trên toàn cầu sẽ tác động đến doanh thu của nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới (tổng doanh thu toàn cầu khoảng 67 tỷ USD/năm).
Trước đó, ngày 15/5, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố đưa Huawei vào “danh sách đen” hạn chế xuất khẩu. Khi có quyết định này có hiệu lực, các đối tác Mỹ của Huawei sẽ phải được chính phủ cho phép để thực hiện giao dịch với công ty Trung Quốc.
Tuy nhiên, những chi tiết có phần mập mờ trong tuyên bố đã của Mỹ đã hình thành tâm lý lo ngại trong các nhà sản xuất Châu Á. Nhiều đối tác cung cấp linh kiện quan trọng của Huawei như Sony hay công ty sản xuất linh kiện bán dẫn Đài Loan TSMC đã tiến hành họp bất thường để đánh giá tác động.
Nguồn tin của Nikkei Asia cho biết công ty Trung Quốc đã có sự chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất kể từ cuối năm 2018, khi Mỹ áp đặt bắt đầu lệnh cấm lên các đối tác chiến lược trong lĩnh vực sản xuất chip, sau đó mở rộng phạm vi sang linh kiện thụ động và bộ phận quang học.
Đồng thời, Huawei đã dự trữ những loại linh kiện quan trọng có khả năng bị Mỹ chi phối nguồn cung ứng từ 6 tháng tới hơn 1 năm, trong khi các thành phần khác đã được tích trữ cách đây 3 tháng.
Đầu năm 2019, nhà sản xuất smartphone thứ 2 thế giới tiếp tục “gõ cửa” nhiều nhà cung cấp chip, linh kiện quang học, camera và các thành phần khác bên ngoài nước Mỹ.
“Trước đây, Huawei chỉ lựa chọn 1 hoặc 2 nhà cung cấp hàng đầu thế giới cho các linh kiện điện tử, nhưng năm nay họ đã chỉ định nhóm lên tới 3 đến 4 nhà cung cấp cho mỗi loại thành phần”, nguồn tin của Nikkei Asia cho hay. “Mục tiêu quan trọng [của Huawei] là tránh kịch bản xấu nhất xảy ra [khi các đối tác ngừng cung cấp linh kiện] cho các sản phẩm smartphone, máy chủ và thiết bị viễn thông do tác động của lệnh cấm từ Mỹ hay bất ổn khác của chiến tranh thương mại”.
Bên cạnh đó, Huawei đặt mục tiêu tự phát triển các loại linh kiện bán dẫn phụ thuộc vào các nhà cung cấp ở Mỹ, bao gồm chip modem và cảm biến máy ảnh.
Hàng loạt đối tác bên ngoài nước Mỹ sử dụng thiết bị hoặc vật liệu Mỹ để sản xuất linh kiện cho Huawei cũng có nguy cơ nằm trong danh sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Ảnh: CNBC
|
Kịch bản xấu nhất đối với Huawei
“Kịch bản xấu nhất” mà Huawei nói tới đang đến rất gần, khi Bộ Thương mại Mỹ bổ sung Huawei và 70 chi nhánh vào “danh sách đen” (Enity List). Theo đó, các công ty nước ngoài phải được cấp phép nếu liên quan đến “hoạt động bán và chuyển giao công nghệ cho một công ty hoặc người nằm trong danh sách” và “đơn xin cấp phép có thể bị từ chối”.
Nikkei Asia trích dẫn báo cáo của Jefferies Equity Reasearch, cho biết chính phủ Mỹ dự kiến sẽ bác bỏ tất cả đơn xin cấp phép như vậy.
Các đối tác chiến lược của Huawei tại Mỹ hiện nay bao gồm: nhà cung cấp chip di động và bằng sáng chế Qualcomm; nhà cung cấp linh kiện lưu trữ Micron Technology; nhà cung cấp vi xử lý máy tính Intel; nhà cung cấp chip tần số vô tuyến Skyworks, Analog Devices và Qorvo; nhà cung cấp thành phần quang học Finisar. Lệnh cấm sẽ áp dụng với các công ty nằm trong danh sách kể từ thời điểm Công báo (Federal Registers).
Theo bản danh sách phát hành cuối năm 2018, Mỹ được xếp hạng khu vực lớn nhất chiếm 30 trong 92 đối tác chiến lược của Huawei. Tuy nhiên, Bộ Thương mại không nói rõ liệu các công nghệ Mỹ gián tiếp cung cấp cho Huawei thông qua các nhà cung cấp bên ngoài nước Mỹ có nằm trong phạm vi lệnh cấm hay không.
Trong số đố, các nhà cung cấp quan trọng của Huawei tại Châu Á bao gồm: Sony, TSMC, nhà sản xuất tấm nền LCD Japan Display, nhà sản xuất linh kiện lưu trữ Hàn Quốc SK Hynix và công ty Nanya Technology của Đài Loan đều sử dụng thiết bị hoặc vật liệu từ Mỹ để sản xuất sản phẩm.
Các đối tác cung cấp linh kiện quan trọng của Huawei theo báo cáo của Goldman Sachs. Nguồn: Financial Times
|
Theo kết quả tổng hợp của Nikkei về các báo cáo từ Goldman Sachs và các nguồn khác, khoảng 60% trong số 70 nhà cung cấp hàng đầu của Huawei có trụ sở tại châu Á.
Giám đốc đầu tư J&J Investment, Jonah Cheng nhận định: "Quyết định của Washington đưa Huawei vào Danh sách Đối tượng (Enity List) hạn chế xuất khẩu gây ra sự nghi ngờ cho chuỗi cung ứng công nghệ. Hiện tại, không có nhà cung cấp nào có thể đánh giá chính xác tác động [của lệnh cấm]".
"Thật khó để nói nếu đó là một phần của chiến thuật đàm phán thương mại của chính phủ Mỹ hay nỗ lực của nó để kiềm chế ngành công nghệ cao Trung Quốc," ông Cheng nói thêm.
Tác động khôn lường
Phát biểu ngày 16/5, đại diện Huawei đã lên án hành động của Bộ Thương mại Mỹ: "Nó [quyết định này] sẽ gây tổn hại kinh tế đáng kể cho các công ty Mỹ mà Huawei đang hợp tác, ảnh hưởng đến việc làm của chục ngàn lao động Mỹ, phá vỡ sự hợp tác và tin tưởng lẫn nhau hiện có trên chuỗi cung ứng toàn cầu."
"Huawei sẽ tìm cách khắc phục tạm thời và giải pháp cho vấn đề này. Chúng tôi cũng sẽ chủ động giảm thiểu tác động của sự cố ", đại diện Huawei nói thêm.
Cùng trong ngày 16/5, Huawei đã triệu tập các cố vấn và lãnh đạo cấp cao trở lại trụ sở ở Thâm Quyến để tiến hành các cuộc họp khẩn cấp..
Huawei phản đối lệnh cấm của Mỹ và cảnh báo lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến các công ty Mỹ và việc làm của hàng chục ngàn lao động Mỹ. Ảnh: The Times
|
Nhà sản xuất bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên lớn thứ 4 thế giới, Nanya Technology cho biết: "Chúng tôi đã thảo luận và sẽ theo dõi tình hình, nhưng cho đến nay không thấy tác động đến doanh nghiệp của chúng tôi."
Một nhà cung cấp linh kiện lưu trữ châu Á khác cho Huawei cho biết công ty đã tổ chức các cuộc họp nội bộ để đánh giá hậu quả và ý nghĩa của lệnh cấm từ Washington. "Chúng tôi đang xem xét các vấn đề rất cẩn thận", một nguồn tin Nikkei Asian Review tiết lộ.
Cổ phần của công ty lắp ráp iPhone theo hợp đồng, Hon Hai Precision Industry, có công ty con Foxconn Industrial Internet là nhà cung cấp chính của Huawei, đã giảm 2,4% vào ngày 16/5. Trong khi đó, cổ phiếu của TSMC giảm gần 1% tại sàn giao dịch Tokyo; cổ phần của Murata Manufacturing, một nhà cung cấp linh kiện cho smartphone Huawei, cũng giảm hơn 5%.
Phát ngôn viên của TSMC Elizabeth Sun cho biết công ty đang theo dõi tình hình và "hiện nay chưa đủ thông tin chi tiết để đưa ra đánh giá chính xác.". Nhà cung cấp cảm biến hình ảnh camera hàng đầu thế giới, Sony cũng xác nhận công ty đang đánh giá tác động.
Giám đốc tài chính của Sony, Hiroki Totoki cho biết các mảng kinh doanh với các công ty khác sẽ bù đắp doanh thu từ hợp đồng với Huawei.
Các nhà cung cấp nhỏ hơn của Nhật Bản, Alps Alpine và Taiyo Yuden cũng cho biết họ đang đánh giá tình hình.
Nhà cung cấp bộ nhớ flash, Winbond Electronics và nhà cung cấp tấm nền LCD, Japan Display từ chối đưa ra bình luận khi được Nikkei Asia liên hệ.
Tới nay, các đối tác của Huawei trên toàn cầu vẫn chưa thể đánh giá chính xác tác động khó lường của lệnh cấm. Ảnh: Axios
|
Chuyên gia tư vấn Ross Feingold, người có hơn 20 năm kinh nghiệm về các giao dịch ở châu Á, cảnh báo các nhà cung cấp và nhà đầu tư trong ngành nên nhớ rằng ngoài Bộ Thương mại, các bộ ngành khác bao gồm: Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng và An ninh Nội địa Mỹ đều sẽ đưa ra quy định riêng, sau sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump.
"Một số trong các cơ quan này có thể giữ quan điểm bảo thủ hơn khi đưa ra quy tắc và thực thi lệnh hành pháp so với Bộ Thương mại", ông Feingold nhận định. Bên cạnh đó, ông sẽ đề xuất các nhà cung cấp Châu Á tuân thủ các quy định của Mỹ, đồng thời có biện pháp để đánh giá tác động từ chính quyền Trump.
Theo Nikkei Asia Review