Vào giữa năm 2019, Huawei đã công bố hệ điều hành của riêng mình - HarmonyOS - để đáp trả các hành động của Hoa Kỳ nhằm cấm công ty sử dụng phần mềm của Google.
HarmonyOS là cú hích đầy tham vọng của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, một cú hích mà họ hy vọng sẽ giúp mảng kinh doanh điện thoại của mình tồn tại.
Hôm qua (23/2), Huawei đã thông báo rằng HarmonyOS sẽ bắt đầu được tung ra trên điện thoại thông minh của họ từ tháng Tư năm nay. Người dùng điện thoại Huawei có thể tải xuống dưới dạng bản cập nhật.
Người phát ngôn Huawei xác nhận với CNBC rằng người dùng bên ngoài Trung Quốc cũng có thể tải xuống. Điện thoại gập Mate X2 sẽ là một trong những thiết bị đầu tiên có HarmonyOS, sau đó các mẫu điện thoại thông minh khác cũng sẽ được cập nhật hệ điều hành này.
Vào năm 2019, Huawei đã bị đưa vào danh sách đen của Hoa Kỳ được gọi là “Danh sách thực thể hạn chế” – cấm các công ty Mỹ xuất khẩu công nghệ cho công ty Trung Quốc. Kết quả là Google cắt đứt quan hệ với Huawei . Điều đó có nghĩa là Huawei không thể sử dụng Google Android được cấp phép trên điện thoại thông minh của mình. Đó không phải là vấn đề lớn ở Trung Quốc, nơi các ứng dụng của Google như Gmail bị chặn. Nhưng ở thị trường nước ngoài, nơi Android là hệ điều hành phổ biến nhất, đó là một cú đánh lớn.
Động thái đó của chính quyền Trump kết hợp với các lệnh trừng phạt nhằm cắt Huawei khỏi nguồn cung cấp chip quan trọng đã làm tổn hại đến doanh số bán điện thoại thông minh của công ty viễn thông Trung Quốc.
Huawei sẽ cần tìm nguồn cung cấp chip cho smartphone của mình. Nhưng HarmonyOS là phần “cực kỳ quan trọng” khác để đảm bảo sự tồn tại của mảng kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei, theo Nicole Peng, nhà phân tích tại Canalys.
Phát triển HarmonyOS
Huawei giới thiệu HarmonyOS là một hệ điều hành có thể hoạt động trên các thiết bị từ điện thoại thông minh đến TV. Vào tháng 9 năm ngoái, công ty đã ra mắt phiên bản thứ hai của HarmonyOS và đang thu hút các nhà phát triển tạo ứng dụng cho nền tảng này.
Và để hướng tới người dùng quốc tế, Huawei đã thiết kế lại giao diện cho cửa hàng ứng dụng của mình được gọi là AppGallery và cải thiện các chức năng điều hướng.
Bà Nicole Peng cho biết: “Tìm kiếm được tích hợp vào AppGallery sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giúp mọi người khám phá các ứng dụng”.
Ngoài ra, Huawei sẽ tung bản cập nhật cho những người dùng thiết bị của mình, điều này sẽ giúp thúc đẩy việc sử dụng hệ điều hành HarmonyOS ở nước ngoài.
Hiện tại, AppGallery của Huawei có hơn 530 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Những thách thức trong tương lai
Ứng dụng (app) rất quan trọng đối với hệ điều hành di động. iOS và Android là hai hệ điều hành thống trị nhất vì chúng có hàng triệu nhà phát triển tạo ra các ứng dụng cho người dùng.
Huawei có một bộ ứng dụng gọi là Dịch vụ di động Huawei (HMS). HMS tương tự như Dịch vụ di động của Google - cung cấp bộ công cụ dành cho nhà phát triển có thể được sử dụng để tích hợp những thứ như dịch vụ vị trí vào ứng dụng. HMS có 2,3 triệu nhà phát triển đã đăng ký trên toàn cầu.
Ở Trung Quốc, Huawei có thể cung cấp cho người dùng nhiều ứng dụng phổ biến. Tuy nhiên, trên thị trường quốc tế, Huawei có thể gặp một số thách thức. Ví dụ, cửa hàng ứng dụng của họ đang thiếu những cái tên chính như ứng dụng Google, những ứng dụng quan trọng đối với người dùng ở nước ngoài. Trong khi đó, Facebook có sẵn nhưng không phải để tải xuống trực tiếp từ AppGallery. Thay vào đó, người dùng cần phải theo một liên kết đến trang của Facebook để tải xuống ứng dụng, không giống như các kho ứng dụng khác của Apple và Google.
“Nếu Huawei muốn thành công trong việc bán điện thoại ở nước ngoài, thì họ cần có các ứng dụng phù hợp, những ứng dụng này khó có thể xuất hiện trên HarmonyOS. Vì vậy, việc truy cập lại vào các Dịch vụ Di động của Google là rất quan trọng nếu họ muốn xây dựng mảng kinh doanh điện thoại quốc tế của mình”, ông Bryan Ma, Phó Chủ tịch nghiên cứu thiết bị tại IDC, cho biết qua email.
Với việc Google Android và iOS thống trị bên ngoài Trung Quốc, Huawei cũng sẽ có nhiệm vụ thuyết phục người dùng chuyển đổi sang hệ điều hành của mình.
Trong khi đó, Huawei cũng có khả năng thiếu nguồn cung chính để sản xuất điện thoại trong tương lai do Mỹ chuyển sang cấm vận chip. Huawei Mate X2 sử dụng bộ vi xử lý Kirin 9000 độc quyền của Huawei. Richard Yu, Giám đốc điều hành mảng kinh doanh tiêu dùng, cho biết công ty có đủ năng lực sản xuất điện thoại gập ngay cả khi cảnh báo về nguồn cung có thể cạn kiệt.
Điều đó, cùng với sự không chắc chắn về thành công của hệ điều hành, là một thách thức lớn mà Huawei phải đối mặt.
“Huawei có thể tiếp tục thúc đẩy thị trường nội địa Trung Quốc mà không có những lo ngại như vậy (về ứng dụng chạy trên HarmonyOS), nhưng có một vấn đề lớn hơn nhiều là họ đang phải nỗ lực để có được linh kiện quan trọng”, ông Ma nói.
Theo CNBC