Huawei là nhãn hiệu smartphone lớn thứ 3 thế giới, nhờ sức mạnh tại Trung Quốc và châu Âu. Nhưng nếu hãng muốn có cơ hội thu hẹp khoảng cách giữa Huawei với Apple và Samsung, Huawei cần công phá thị trường Mỹ. Và Huawei biết rõ điều đó.
“Chúng tôi hiểu rằng, chúng tôi cần gia nhập và hiện diện mạnh mẽ ở Mỹ”, Colin Giles, Phó chủ tịch mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei nói.
Huawei còn xa mới sánh được với iPhone – đây cũng là điều mà nhiều nhãn hiệu Trung Quốc chưa làm được. Smartphone P9 của Huawei là chiếc điện thoại đầu tiên có camera kép, một tính năng đã được Apple đưa lên iPhone 7 Plus. Mate 9 rộng 5.7 inch là một trong những phablet được đánh giá cao nhất có giá rẻ hơn nhiều so với Samsung Galaxy S8 Plus.
Huawei đã có mặt tại Mỹ, nhưng chỉ rất ít ỏi. Hãng đã bán các sản phẩm giá rẻ online ở đây từ 2014, nhưng hầu như không có sự hỗ trợ từ nhà mạng. Điều này khiến Huawei chỉ có 0,2% thị phần ở Mỹ.
Chiếc điện thoại có tiếng tăm nhất của Huawei tại Mỹ là Nexus 6P, nhưng nó lại không mang nhãn hiệu Huawei. Huawei biết sẽ phải mất nhiều tiền và thời gian mới có được miếng bánh to hơn tại Mỹ. Nhưng khi nào?
Vin vào 5G
Không có từ nào chính xác để nói khi nào Huawei sẽ tấn công mạnh vào Mỹ, nhưng Giles có một thứ: thời đại 5G.
Huawei kiếm hàng tỷ USD doanh thu từ việc bán các sản phẩm viễn thông (nhưng không được bán tại Mỹ vì đã bị cấm). Thế hệ kết nối không dây thứ 5 hứa hẹn sẽ mở ra một thế giới hoàn toàn mới, từ xe hơi tự lái đến phẫu thuật từ xa. Giles nói rằng điều này sẽ mang lại cơ hội cho Huawei.
“Khi 5G phát triển, chúng tôi có cơ hội để định vị mình là hãng đi đầu trong điện thoại”, ông nói. Giles nói rằng trình độ chuyên gia của Huawei trong công nghệ mạng, các sản phẩm chipset, và việc tập trung mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển (chiếm 15% doanh thu của Huawei) sẽ là cơ hội cho Huawei trong thời đại 5G.
Tuy vậy, 5G chính thức và đến với đại chúng vẫn phải mất vài năm nữa. T-Mobile đang chạy đua xây dựng mạng lười vào 2018, còn Sprint nói sẽ có thương mại 5G vào cuối 2019. Telstra của Australia và SK Telecom của Hàn Quốc đều nhắm tới năm 2020.
Trong khi đó, Giles nói xu hướng toàn cầu là người tiêu dùng tự mua điện thoại, chứ không mua qua nhà mạng. Đó là điều tốt lành cho Huawei và điện thoại cao cấp của hãng.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sự hỗ trợ của nhà mạng vẫn cần thiết. “Doanh số tại Mỹ hoàn toàn đang bị nhà mạng thống trị, với 9/10 điện thoại bán qua các kênh của nhà mạng”, hãng phân tích Counterpoint nói.
Sẽ thành công?
Còn có một lý do khiến Huawei tự tin về triển vọng tại Mỹ – đó là hãng gần như thống trị tất cả các thị trường khác.
Sau khi giành chiến thắng trước Xiaomi và Oppo, Huawei là nhãn hiệu điện thoại lớn nhất của Trung Quốc. Giles nói rằng Huawei có thể thâm nhập thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc. Khoảng 20% doanh số bán hàng của Trung Quốc thực hiện qua online, và nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là người trẻ, nhận ra họ không cần phải chi đến 700 USD để có một chiếc smartphone tốt. Tận dụng điều này, Huawei thúc đẩy nhãn hiệu Honor của hãng qua online và thiết lập tên tuổi Huawei với những thiết bị như P10 và Mate 9.
Thị trường châu Âu cũng khá tốt với Huawei. “Chúng tôi có thể tăng lên 12% thị phần tại châu Âu”, Giles nói, ám chỉ đến thành công ở những nước như Tây Ban Nha, Italy, Ba Lan và Bỉ.
Chỉ có một quốc gia nơi Huawei vẫn chưa mạnh, đó là Ấn Độ. Ở đây, Xiaomi đang thắng thế. Dù là một thị trường lớn và đang lên, Giles không xem Ấn Độ là thị trường chính để đấu với Apple hay Samsung.