|
Ảnh: The Verge |
Map Kit là tên dịch vụ bản đồ mới của Huawei, theo tờ China Daily đưa tin. Tuy nhiên, dịch vụ mới này có vẻ như sẽ không dành cho người dùng sử dụng trực tiếp mà chỉ đóng vai trò là API, kết nối các tính năng của dịch vụ với các nhà phát triển bên thứ ba nhằm tạo phần mềm điều hướng. Điều đó có nghĩa là các ứng dụng cung cấp dịch vụ điều hướng hoặc đi xe có thể sử dụng công nghệ lập bản đồ theo kế hoạch của Huawei thay vì tự xây dựng.
Một Giám đốc của Huawei đã tiết lộ với tờ China Daily rằng Map Kit có thể hỗ trợ một số tính năng nâng cao như chuyển làn đường xe hơi, chỉ đường bằng thực tế tăng cường, bản đồ thông tin giao thông theo thời gian thực. Một nhân viên khác của Huawei đang làm việc trực tiếp với công nghệ mới này cũng cho biết Map Kit sẽ tăng cường việc hỗ trợ lập bản đồ thực tế. Hiện chưa rõ điều đó có nghĩa là gì, nhưng có khả năng nó sẽ hoạt động tương tự như điều hướng đi bộ của Google Map AR.
Map Kit sẽ hỗ trợ 40 ngôn ngữ khi ra mắt và sẽ sử dụng lợi thế của Huawei trong lĩnh vực viễn thông để cung cấp dịch vụ tốt hơn. Nó sẽ sử dụng các trạm cơ sở viễn thông tại hơn 160 quốc gia và khu vực. Điều này sẽ cho phép dịch vụ này truy cập các luồng giao thông theo thời gian thực và sử dụng hệ thống điều hướng rất tinh vi.
|
Ảnh: RT
|
Những khó khăn trong việc phát triển Map Kit của Huawei
Tờ China Daily cũng chỉ ra một vài khó khăn trong quá trình phát triển của Huawei. Thứ nhất, Huawei sẽ lấy dữ liệu cho dịch bản đồ mới của mình ở đâu? China Daily cũng đề cập đến khả năng Map Kit sẽ được kết nối với các dịch vụ lập bản đồ địa phương. Một nguồn tin khác lại cho rằng Huawei sẽ hợp tác với Yandex, “gã khổng lồ” công nghệ của Nga chuyên cung cấp bản đồ và API các dịch vụ bản đồ. Một nhân viên khác làm việc trong Hiệp hội ngành Viễn thông của Trung Quốc cũng nói với tờ Nhật báo Trung Quốc rằng Huawei có các trạm cơ sở viễn thông có thể cung cấp thông tin bổ sung cho dữ liệu định vị vệ tinh.
Khó khăn thứ hai mà Huawei sẽ phải đối mặt là dịch vụ bản đồ đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ, vốn lớn, tính cạnh tranh cao. Chỉ có Google thành công trong lĩnh vực này, với việc ra mắt Google Maps vào năm 2005.
Apple cũng cung cấp dịch vụ bản đồ của riêng mình từ năm 2012. Apple Maps dựa trên dữ liệu bản đồ từ bên thứ ba, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Apple Maps không chính xác, kém tin cậy hơn so với đối thủ chính là Google Maps. Kể từ năm ngoái, công ty đã tự thu thập dữ liệu bản đồ, quyết tâm đập đi xây lại Apple Maps để cạnh tranh với Google Maps.
Nokia cũng cung cấp dịch vụ bản đồ cách đây vài năm trước khi bán nó cho một tập đoàn xe hơi của Đức với giá chỉ hơn 3 tỷ USD vào năm 2015. Hiện nó được sử dụng trong Bản đồ Bing của Microsoft.
Dịch vụ mới này xuất hiện sau những hạn chế thương mại của chính phủ Hoa Kỳ đối với Huawei khiến công ty phải điều hướng lại chính sách phát triển, đẩy mạnh việc xây dựng các phần cứng và phần mềm của riêng mình với mục tiêu cắt giảm sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ. Lệnh cấm vận đã được nới lỏng nhưng với tính hình thương chiến Trung - Mỹ leo thang như hiện nay, không có tương lai nào chắc chắn rằng Huawei vẫn có thể tiếp tục sử dụng HĐH Android hay các phần mềm và thiết bị khác có xuất xứ Mỹ.
Tin tức này được đưa ra ngay sau khi gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc chính thức tiết lộ hệ điều hành của riêng mình có tên HarmonyOS, có thể hoạt động trên các thiết bị khác nhau, bao gồm cả điện thoại di động. Huawei cho biết công ty sẽ vẫn ưu tiên sử dụng Android trên điện thoại thông minh của mình vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, trong trường hợp không còn được sử dụng Android nữa, hãng vẫn có thể nhanh chóng chuyển sang HarmonyOS như một “kế hoạch B” mà công ty đã từng tuyên bố trước đó.
Theo The Verge