Vận đen chưa dứt
Vận rủi vẫn chưa ngừng đeo bám Huawei kể từ khi bị điền tên vào danh sách đen thương mại của chính phủ Mỹ khiến hàng chục nhà cung cấp quan trọng chấm dứt thỏa thuận hợp tác, bao gồm: ARM, Qualcomm, Microsoft, Google v.v.
Ngày 22/5, tờ Wall Street Journal tiếp tục đưa tin Huawei và Chủ tịch luân phiên Huawei Eric Xu Zhijun bị start-up công nghệ Mỹ đâm đơn kiện lên tòa án liên bang tại Texas vì vi phạm bí mật thương mại.
Công ty tiến hành khởi kiện là CNEX Labs của cựu kỹ thuật viên Futurewei (một chi nhánh Huawei tại Mỹ) Yiren “Ronnie” Huang. Sau thời gian làm việc tại Cisco System và SandForce, ông Huang đã tới gia nhập Futurewei ở Santa Clara kể từ tháng 1/2011. Đến năm 2013, ông quyết định rời Futurewei để thành lập CNEX Labs, đồng thời giữ vị trí Giám đốc công nghệ.
Phát biểu trước truyền thông, ông Huang cho rằng Huawei đã cố tình thuê ông để kiểm soát các phát minh trong công nghệ lưu trữ SSD. Đồng thời nhà sáng lập CNEX Labs cũng chỉ ra những cáo buộc gián điệp từ Mỹ và báo cáo của các cơ quan an ninh Mỹ về Huawei.
Phía CINEX Labs cáo buộc Chủ tịch luân phiên Eric Xu chỉ đạo Huawei và Futurewei dàn dựng kế hoạch đóng giả khách hàng tiềm năng để tiếp cận công nghệ độc quyền của CNEX.
Đơn kiện lần đầu được CNEX gửi vào tháng 11/2018. Trong tình tiết cập nhật vào hồ sơ, CNEX tuyên bố đã phát hiện Huawei đã đánh cắp tài sản trí tuệ của CNEX thông qua quan hệ ngầm với Đại học Hạ Môn, Trung Quốc.
Theo CNEX, Giáo sư Mao đã ký kết thỏa thuận “không tiết lộ” khi yêu cầu bảng mạch từ CNEX để phục vụ dự án nghiên cứu. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, bảng mạch lại nằm trên bàn thiết kế của Huawei.
CNEX cho rằng: “Huawei đã đánh cắp bí mật thương mại của CNEX và chia sẻ với nhân viên làm việc trong bộ phận phát triển ổ đĩa cứng, qua đó vi phạm điều khoản hạn chế chia sẻ thông tin kỹ thuật của CNEX”.
Huawei nói gì?
Trong thông cáo báo chí gửi đến giới truyền thông, Huawei đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc “vô căn cứ” của CNEX. Được biết, ông Huang và CNEX bắt đầu nộp đơn xin cấp bản quyền sáng chế chưa đầy 1 tháng sau khi rời FutureWei.
Bên cạnh đó, Huawei cáo buộc nhà sáng lập CNEX Labs vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vì “lôi kéo một số nhân viên của Huawei và sử dụng các tài sản của Huawei để thành lập công ty riêng”. Nghiêm trọng hơn, các cựu nhân viên khác của Huawei cũng đã đánh cắp các tài liệu bí mật của Huawei ngay trước khi rời công ty để gia nhập CNEX.
Về lập luận của CNEX liên quan đến việc Huawei đánh cắp bí mật thương mại qua Giáo sư Bo Mao và Đại học Hạ Môn, phía Huawei khẳng định tuyên bố trên là "vô căn cứ".
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc nói CNEX đang nỗ lực tận dụng bất ổn của thương chiến Mỹ-Trung để đánh lạc hướng dư luận. Startup này tự nhận là công ty “Mỹ” trong khi khoảng hơn một nửa nhân viên và hoạt động nghiên cứu ở Trung Quốc. Đồng thời, Huawei tin tưởng vào phán quyết của tòa án.
Dự kiến, phiên xét xử tiếp theo trong vụ tranh chấp bản quyền sở hữu trí tuệ giữa Huawei và CNEX Labs sẽ diễn ra vào ngày 3/6 tới.