|
Ảnh: Gizchina |
Trước lệnh cấm của chính phủ Mỹ, Huawei đang phải vật lộn để cứu vãn mảng kinh doanh smartphone của mình. Tuy nhiên, với việc nhiều công ty đã nhận được giấy phép bán hàng cho Huawei, tương lai của công ty Trung Quốc có vẻ như vẫn còn chút hy vọng.
Lệnh cấm Huawei - nguồn cơn của tất cả
Mọi chuyện bắt đầu với việc chính phủ Mỹ tuyên bố rằng mạng 5G của Huawei không an toàn. Mỹ cũng cáo buộc nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới có mối quan hệ “mờ ám” với chính phủ Bắc Kinh. Mặc dù Huawei đã nhiều lần phủ nhận những tuyên bố này nhưng Washington vẫn liên tiếp giáng đòn trừng phạt đối với công ty công nghệ Trung Quốc.
Lệnh cấm đầu tiên
Đầu năm 2019, chính phủ Mỹ đã cấm Huawei kinh doanh với các công ty Mỹ. Điều này có nghĩa là các công ty Hoa Kỳ sẽ không thể bán hàng cho Huawei nếu không có giấy phép đặc biệt. Thực tế, Huawei hợp tác với nhiều công ty khác nhau trên thế giới và rõ ràng hãng đều có các lựa chọn thay thế.
Một trong những ảnh hưởng nặng nề từ lệnh cấm là điện thoại thông minh của Huawei không thể sử dụng hệ sinh thái di động của Google (GMS). Đáp trả, Huawei đã tung ra Harmony OS (Hongmeng OS) và HMS (Huawei Mobile Services). Mặc dù lệnh cấm đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei ở châu Âu, nhưng tình hình tài chính của hãng vẫn ổn định. Trên thực tế, Huawei đã trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất toàn cầu trong bối cảnh lệnh cấm được đưa ra.
Lệnh cấm thứ hai
Chưa thỏa mãn với tác động của lệnh cấm đối với Huawei, Mỹ đã sửa đổi lệnh cấm. Washington đã siết lệnh cấm với việc tuyên bố rằng bất kỳ công ty nào sử dụng công nghệ của Mỹ đều không thể hợp tác với Huawei. Lần này, phạm vi của lệnh cấm đã mở rộng hơn và ảnh hưởng đến cả những công ty không phải của Mỹ.
Theo lệnh cấm mới, Huawei đã thực sự thấm đòn và hãng đã không thể tiếp tục sản xuất chip Kirin hàng đầu của mình. Đơn vị Hisilicon của Huawei tham gia vào giai đoạn thiết kế chip Kirin trong khi TSMC đảm nhiệm việc sản xuất sản phẩm này. Nhà sản xuất chip của Đài Loan sử dụng nhiều công nghệ của Hoa Kỳ. Đây cũng là nguyên nhân khiến công ty Trung Quốc không thể tiếp tục tiếp cận nguồn cung chip Kirin.
Nhiều nhà cung cấp chip vẫn xin được giấy cấp phép bán hàng cho Huawei
Kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 15/9/2020, nhiều công ty đã đệ đơn lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ để xin giấy phép tiếp tục bán hàng cho Huawei. Dưới đây là 5 nhà cung cấp lớn hiện đã có được giấy phép cung cấp chip cho công ty Trung Quốc:
1. AMD
|
AMD là một trong những công ty đầu tiên có được giấy phép bán hàng cho Huawei. Chỉ vài ngày sau khi lệnh cấm có hiệu lực, đã có nhiều thông tin cho rằng công ty chip của Mỹ đã xin được giấy phép. Vào ngày 19/9/2020, chỉ 5 ngày sau khi lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với Huawei bắt đầu có hiệu lực, nhiều trang tin tức đã báo cáo về giấy phép của ADM.
Huawei và ADM đã có mối quan hệ đối tác trong thời gian gần đây. Theo một bản báo cáo ghi lại cuộc họp giữa các lãnh đạo cấp cao của công ty, ADM đã xác nhận rằng hãng đã được chính phủ Hoa Kỳ thông qua việc tiếp tục quan hệ đối tác với công ty Trung Quốc. Do đó, lệnh cấm sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của ADM.
2. Intel
|
Một công ty Mỹ khác có khả năng đã nhận được giấy phép để tiếp tiếp tục kinh doanh với Huawei là Intel. Huawei chủ yếu sử dụng chip của Intel cho mảng kinh doanh máy tính xách tay của hãng. Do đó, giấy phép này không có bất kỳ có tác động nào đến hoạt động kinh doanh smartphone đang có dấu hiệu suy giảm của công ty Trung Quốc.
3. TSMC
|
Nhà sản xuất chip của Đài Loan TSMC là nhà cung cấp quan trọng nhất mà Huawei có thể dựa vào để cứu vãn mảng kinh doanh điện thoại thông minh của mình. Theo một báo cáo mới đây, TSMC đã được Mỹ cấp phép kinh doanh với Huawei. Tuy nhiên, giấy phép chỉ giới hạn ở các nút quy trình lớn, nói cách khác là các chip dựa trên công nghệ đã “lạc hậu”.
Nhiều người tin rằng các quy trình cũ ở đây bao gồm nút quy trình 28nm hoặc cao hơn nữa. Các quy trình tiên tiến như 16nm, 10nm, 7nm và 5nm mới nhất không nằm trong giấy phép bán hàng cho Huawei mà TSMC được phía chính phủ Hoa Kỳ cấp. Chip Kirin 9000 của Huawei sử dụng quy trình 5nm của TSMC, đây là quy trình tiên tiến nhất hiện nay.
Như vậy, đối với điện thoại và các thiết bị mạng, giấy phép này thực sự không thể giúp được gì cho Huawei.
4. Sony
|
Theo báo cáo, công ty công nghệ Nhật Bản cũng đã có giấy phép kinh doanh với Huawei. Các giao dịch với Huawei và Sony chủ yếu trong lĩnh vực cảm biến camera. Sony là một trong những nhà sản xuất cảm biến camera tốt nhất thế giới. Nhiều mẫu smartphone của Huawei sử dụng cảm biến của Sony. Lệnh cấm ảnh hưởng đến Sony vì một số linh kiện được sử dụng để sản xuất cảm biến là của Mỹ. Hiện tại, Huawei cũng là một trong những khách hàng lớn nhất của Sony về cảm biến camera trên điện thoại thông minh. Nếu không thể tiếp tục làm ăn với Huawei, lợi nhuận của Sony cũng sẽ bị ảnh hưởng.
5. Howe Technology (OmniVision)
|
Omnivision cũng đã được chính phủ Hoa Kỳ cho phép để nối lại một phần hoạt động kinh doanh với Huawei. Cả Sony và Howe Technology đều là những nhà cung cấp cảm biến camera hàng đầu thế giới và OmniVision là một trong số ít nhà sản xuất chip có thể tiếp tục bán hàng cho Huawei hiện nay.
Huawei là một công ty công nghệ lớn trên thế giới và hiện tại chỉ có một số nhà sản xuất chip có thể bán hàng cho Huawei. Nếu như Huawei cần những nhà cung cấp này để tiếp tục bổ sung vào kho dự trữ chip của mình thì ngược lại, các nhà sản xuất chip cũng cần công ty Trung Quốc để có thêm lợi nhuận. Đối với hầu hết các công ty này, Huawei là một trong những khách hàng lớn nhất. Không ai trong số họ muốn mất đi một khách hàng lớn. Nhiều nhà cung cấp khác như Qualcomm, MediaTek, SK Hynix,… cũng được cho là đã nộp đơn xin giấy phép từ chính phủ Hoa Kỳ.
Theo Gizchina