|
Hầu hết chúng ta đều hồn nhiên dùng smartphone mà chẳng mấy suy tư về các vấn đề địa chính trị đang sục sôi phía bên trong hậu cảnh. Mới đây, chính quyền Mỹ ban hành lệnh cấm các công ty trong nước bán hoặc cấp phép cho các sản phẩm smartphone, công nghệ mạng viễn thông không dây của Huawei – công ty tư nhân Trung Quốc với doanh thu 108,5 tỉ USD cùng lực lượng nhân công 180.000 người và cũng là công ty hàng đầu thế giới. Huawei nuôi tham vọng độc quyền công nghệ mạng 5G với băng thông đủ rộng để tăng mạnh tốc độ truyền nhận email, video, hay file dung lượng lớn.
Với lệnh cấm này, người dùng smartphone cần biết điện thoại của Huawei sử dụng hệ điều hành Android sẽ sớm mất quyền truy cập các dịch vụ tiện ích phổ biến ngày nay của Google như Play Store, Gmail, và YouTube.
Lệnh cấm Huawei không chỉ đơn giản là cuộc tranh chấp giữa một công ty và Chính phủ một nước, nó là hiện thân của cuộc tranh đấu giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm quyết định xem mô hình kinh tế nào sẽ thắng thế: kinh tế thị trường tự do hay kinh tế kế hoạch hóa. Nó xoay quanh câu hỏi: bảo vệ công nghiệp trong nước trước cạnh tranh nước ngoài liệu có là việc thích đáng không. Nó phơi bày quan ngại về nạn đánh cắp công nghệ như là phương cách để tăng tốc phát triển công nghệ. Nó giao cắt với những mối đe dọa về an ninh quốc gia và chiến tranh không gian mạng. Nó có thể cho phép một quốc gia giành quyền thống trị, sau đó kiểm soát Internet. Tất cả những nguồn cơn này đang phát triển lên mức cực độ tại cuộc thương chiến Mỹ-Trung, mà trong đó Huawei đã trở thành quân tốt thí. Lệnh cấm này có thể là triệu chứng của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Và sau đây là những thứ để xem khi cuộc chiến Mỹ - Trung Quốc dần khai triển.
|
Tại cuộc gặp các nhà lãnh đạo APEC tổ chức ở Đà Nẵng, Việt Nam tháng 11/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra hai hình dung khác hẳn nhau về cách thức nền kinh tế thế giới sẽ vận hành trong tương lai.
Ông Tập khi đó trình bày những ý tưởng không mới về sự độc lập, tự do, tôn trọng, hợp tác, đa phương, cân bằng và toàn cầu hóa mà phần lớn các quốc gia tiếp nhận. Ông Tập ủng hộ mạnh mẽ hướng đi phối hợp và "quản trị toàn cầu". Ông đề xuất tất cả các quốc gia cùng thúc đẩy hợp tác khu vực, ông tuyên bố mô hình kinh mới của Trung Quốc sẽ cung cấp những chuẩn mực toàn cầu.
Trong chính sách phát triển công nghiệp giai đoạn 10 năm, còn gọi "Made in China 2025", ông Tập kêu gọi chuyển hướng nền kinh tế nước nhà từ chỗ là "công xưởng của thế giới" sang "nhà sản xuất thông minh" của "công nghiệp 4.0". Ông cũng chỉ ra các ngành công nghiệp "chủ đạo của đất nước" sẽ phải tập trung vào các công nghệ như Trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, thực tế ảo (VR), Internet vạn vật (IoT), v.v. Trung Quốc sẽ sử dụng trợ cấp Chính phủ, các doanh nghiệp quốc doanh, và nắm giữ tài sản trí tuệ. Nước này tỏ ra hết sức nghiêm túc về mô hình kinh tế mới của họ, đến nỗi họ ghi nhớ nó vào Hiến pháp sửa đổi trong dịp Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 tổ chức vào tháng 10/2017.
Và từ góc nhìn của Mỹ, Huawei chính là mô hình tinh túy trong tham vọng thống trị toàn cầu của Trung Quốc nhờ vào mô hình kinh tế mới của họ.
Trong khi đó, quan điểm của ông Trump là để cho các công ty cạnh tranh trong môi trường kinh tế thị trường tự do, với sự trợ giúp hạn chế từ Chính phủ. Ông cho rằng hàng tá các thỏa thuận thương mại quốc tế, đa phương lẫn song phương đã gây tổn hại cho nền kinh tế và nhân công Mỹ trong khoảng thời gian quá dài. Ông quay sang đổ lỗi cho các đời chính quyền trước đây vì đã chấp nhận những "thỏa thuận tệ hại" này. Ông lập luận rằng rất nhiều quốc gia đã "phỉnh lừa" trong các thỏa thuận mà họ ký kết, ngày càng gây bất lợi cho nước Mỹ.
Ông Trump có mong muốn mãnh liệt là bảo vệ sự độc lập, tự do, thượng tôn pháp luật, sự cân bằng và công bằng, tránh xa các hệ thống quốc tế và đa phương mà ông cho rằng đã tước đi chủ quyền cũng như sự chủ động của các nước trong việc xử lý các vấn đề của họ, và được thực thi một cách yếu kém trong quá khứ.
Khác Trung Quốc, Mỹ không có chính sách công nghiệp mà chỉ dựa vào thị trường tự do và sự đổi mới trong khu vực tư nhân để đạt được các mục tiêu chung về kinh tế. Cho đến gần đây, họ luôn ghi nhớ rằng tất cả các công ty công nghệ hàng đầu thế giới đều là của nước Mỹ: Google, Amazon, Microsoft, Facebook, Intel, Qualcomm, Cisco và nhiều công ty khác. Và Mỹ muốn duy trì sự thống trị của mình.
Nhưng Trung Quốc hiện nay ngày càng thu hẹp khoảng cách với Mỹ - nước vẫn đang thống trị trong lĩnh vực công nghệ, nhưng có lẽ không còn được bao lâu. Nhiều nhà quan sát đang quay sang đặt cược cho mô hình kinh tế Trung Quốc, bởi vậy đã gây nên sự xung đột về tầm nhìn của hai nước. Một số nhà hoạch định chính sách và cố vấn của Mỹ giờ đang kêu gọi Chính phủ áp dụng mô hình của Trung Quốc: Điều này khó xảy ra, nhưng không phải là không thể.
Và cả Trung Quốc và Mỹ đều nhập cuộc rất sâu. Mỹ là nước định hình cho sự phát triển của mạng 4G, và nhận được lợi ích lớn từ nó khi thêm 100 tỉ USD vào GDP của mình, tăng khối lượng công ăn việc làm trong lĩnh vực công nghệ không dây thêm 84%, và đóng góp 950 tỷ USD cho nền kinh tế thông qua xuất khẩu các ứng dụng (app).
Thị trường 5G được dự báo sẽ tăng trưởng hàng năm và ước đạt ít nhất 251 tỷ USD vào năm 2025.
|
Trong hội đàm đây giữa hai bên địch thủ, Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang cố bảo vệ các công ty trong nước khỏi sự cạnh tranh từ các công ty của mình. Mỹ bác bỏ cáo buộc này, chỉ ra rằng chính Trung Quốc luôn bảo vệ các công ty của họ trước sự cạnh tranh toàn cầu, đặc biệt là những công ty thuộc các ngành nghề phù hợp với sáng kiến chính sách công nghiệp Trung Quốc.
Huawei, tuy là một công ty "tư nhân", vẫn thường được xem như "người hùng quốc gia", luôn nhận được sự quan tâm và trợ giúp đặc biệt của Chính phủ Trung Quốc. Các công ty Mỹ thì tuyên bố rằng họ đã phát triển mạng 4G mà không cần Chính phủ trợ giúp.
Mỹ chỉ ra rằng các nhà điều hành Trung Quốc mới đây đã ngăn chặn công ty Qualcomm của Mỹ mua lại công ty NXP của Hà Lan với giá 44 tỷ USD, để bảo vệ các nhà sản xuất của Trung Quốc. Cùng lúc, Mỹ sau đó đâm đơn kiện Qualcomm vì công ty này đang "lũng loạn thị trường". Mỹ phát triển nhờ vào sự cạnh tranh, ít nhất trên lý thuyết là như vậy.
Cũng bởi vậy mà ông Trump luôn cố gắng gỡ bỏ bớt quy định trong nền kinh tế, đảo ngược các quy định nặng nề mà Tổng thống Obama áp đặt với ngành công nghiệp trước đây. Nước Mỹ đang trở lại một nền kinh tế tự do hơn.
|
Mỹ và nhiều quốc gia kinh tế phát triển khác đã cáo buộc Trung Quốc có hoạt động gián điệp kinh tế, đánh cắp tài sản trí tuệ của họ để giúp các công ty Trung Quốc phát triển.
Trung Quốc bác bỏ cáo buộc trên, khẳng định rằng họ chưa từng đánh cắp tài sản trí tuệ của các nước khác. Để chứng minh, Trung Quốc chỉ ra chương trình mua lại các công ty cạnh tranh để giành được công nghệ mà họ cần có phục vụ cho phát triển công nghiệp 4.0, được họ cấp phép hoặc mua lại. Trung Quốc cũng có vô số quan hệ đối tác toàn cầu mà trong đó họ cùng hợp tác phát triển công nghệ với các nhà cung ứng và đôi khi là với cả bên cạnh tranh.
Huawei là một ví dụ, công ty này hợp tác với ARM -- một nhà sản xuất vi xử lý của Anh -- để được cung cấp những linh kiện then chốt, Huawei cũng bắt đầu xây dựng một trung tâm nghiên cứu phát triển gần cơ sở của ARM ở Anh để hợp tác phát triển công nghệ. Thế nhưng sau khi Mỹ ra lệnh cấm, ARM đã chấm dứt quan hệ đối tác này do một số linh kiện trong bộ vi xử lý của công ty này có "xuất xứ Mỹ"..
Trong khi đó, Mỹ lại cho rằng phía Trung Quốc ép buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho Chính phủ để đổi lấy giấy phép kinh doanh trên lãnh thổ Trung Quốc – “chuyển giao công nghệ ép buộc”. Trong các vòng đàm phán thương mại với Mỹ gần đây, để thu hút thêm đầu tư nước ngoài, Trung Quốc đã nhất trí coi những cuộc chuyển giao như vậy là phi pháp.
Thực ra không có nhiều trường hợp Huawei bị kiện ra tòa vì cáo buộc gián điệp tài sản trí tuệ. Nhưng có một vụ liên quan tới T-Mobile: Huawei bị cáo buộc đánh cắp công nghệ tự động mà công ty này sử dụng để thử nghiệm smartphone. Trước đó, Huawei cũng từng kiện T-Mobile.
Sắc lệnh của ông Trump cấm các công ty Mỹ cung cấp phần mềm, phần cứng hoặc giấy phép cho các mẫu smartphone, trang thiết bị mạng viễn thông do Huawei sản xuất. Mặt khác, Mỹ cũng ra sức thuyết phục các quốc gia khác ngừng cung ứng thiết bị cho Huawei hay ngừng bán các sản phẩm Huawei trên thị trường nước họ.
Tính đến nay, Australia và New Zealand đã hoàn toàn thực thi lệnh cấm, trong khi Nhật Bản, Ấn Độ và Anh thực thi một phần. Pháp, Đức, Italy và Hà Lan thì tuyên bố rằng họ sẽ không cấm Huawei. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu đang yêu cầu các thành viên cung cấp dữ liệu và thông tin để làm rõ các quan ngại an ninh liên quan tới Huawei và mạng 5G mà công ty này cung cấp.
|
Như vậy nỗ lực của Mỹ không thành công trên toàn cầu như ông Trump từng hy vọng, nhưng nó đang gây ra những vấn đề lớn cho Huawei. Những cấu kiện mà Mỹ sản xuất chỉ chiếm 1/6 tổng số những cấu kiện được sử dụng (tổng giá trị 1 tỷ USD), bởi vậy Mỹ không thể hoàn toàn kiểm soát Huawei.
Huawei tuyên bố rằng họ có “kế hoạch B” để đối trọng lệnh cấm của Mỹ. Giới chuyên gia công nghệ thì không chắc về điều này. Tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng của Huawei sẽ không hề đơn giản bởi công ty này không hề có nguồn cung ứng thay thế các linh kiện thành phần. Huawei cho rằng họ sẵn có một hệ điều hành để thay thế Android, nhưng giới chuyên gia tỏ rõ sự hoài nghi. Chỉ có thời gian mới làm rõ được mức độ thiệt hại mà Huawei phải gánh chịu.
|
Mỹ quan ngại Huawei lợi dụng các hệ thống mạng và thiết bị của họ để thâm nhập vào cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp của Mỹ cùng các nước đồng minh để đạt lợi ích về quân sự: Do thám và kiểm soát. Mối quan ngại này là về khả năng kết nối: Mạng 5G kết nối tất cả mọi thứ. Các nhà nghiên cứu ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) châm biếm: Liệu quân đội Trung Quốc có thể kiểm soát một chiếc tủ lạnh thông minh ở nước Mỹ hay không? Có thể.
Mỹ và Trung Quốc đều cáo buộc nhau là đang do thám bên còn lại, vậy nên cả hai nước đều chịu rủi ro từ bên còn lại. Mỹ tố Trung quốc thâm nhập vào Văn phòng Nhân sự và Quản lý của họ, đánh cắp thông tin cá nhân của hàng triệu nhân viên Chính phủ. Trung Quốc thì tố Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) của Mỹ do thám gần như mọi chiếc điện thoại di động trên lãnh thổ Mỹ.
Có một vấn đề an ninh lớn ở đây, là liệu những chiếc smartphone và hệ thống mạng của Huawei có tạo ra những “cửa hậu” cho phép Chính phủ Trung Quốc theo dõi người dùng và chiếm quyền điều khiển các thiết bị của họ hay không? Huawei tuyên bố rằng cả phần mềm và phần cứng của họ đều an toàn; và rằng họ là một công ty tư nhân, một công ty độc lập và không có liên hệ với Chính phủ Trung Quốc.
Mỹ khẳng định rằng họ lo sợ là có lý do. Vodafone – công ty viễn thông lớn nhất châu Âu – từng phát hiện Huawei thực sự có nhiều lỗ hổng trong phần cứng và phần mềm mà họ cung cấp, và chúng có thể bị lợi dụng. Huawei sau đó nói rằng họ đã vá lỗi, nhưng Vodafone cho rằng chưa. Dù sao thì chúng ta vẫn có thể nói rằng bất kỳ hệ thống nào cũng có thể bị thâm nhập nhờ lợi dụng các cửa hậu ẩn náu đâu đó. Và, người ta cũng thường bắt gặp những vụ việc trong đó một số nhân viên trao quyền truy cập cho những kẻ xấu. Mỹ tin rằng Huawei sẽ sớm cài đặt các cửa hậu như vậy chỉ nhờ một lần nâng cấp phần mềm và phần cứng.
Lenovo – một công ty máy tính Trung Quốc – là một trường hợp cụ thể. Lenovo đã bị hack một vài lần trước đây, và điều này cho thấy Huawei cũng có thể gặp tình trạng tương tự.
ZTE chính là một trường hợp điển hình mà Mỹ phản ánh quan ngại của họ về an ninh quốc gia và các vụ đánh cắp tài sản trí tuệ. ZTE là công ty Trung Quốc chuyên sản xuất smartphone trên lãnh thổ Mỹ. Công ty này bị phát hiện bán công nghệ của Mỹ cho Triều tiên và Iran một cách bất hợp pháp. Mỹ bởi vậy đã áp đòn trừng phạt ZTE nghiêm khắc, và ra tối hậu thư rằng nếu còn muốn duy trì hoạt động làm ăn thì phải trả 1 tỉ USD tiền phạt, cho phép các cơ quan hữu quan của Mỹ quyền truy cập, tái cấu trúc ban điều hành và chịu sự giám sát chặt chẽ. Ông Trump đã hứng không ít chỉ trích vì để ZTE được tiếp tục hoạt động. Có lẽ ông Trump đang cố tránh đưa ra các cáo buộc tương tự đối với trường hợp của Huawei.
Mối quan hệ giữa Huawei và Chính phủ, quân đội Trung Quốc là rất khó đánh giá.
Mỹ cho rằng Giám đốc Tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu – cũng là con gái của người sáng lập công ty này – đã vi phạm các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với Iran. Người phụ nữ này giờ đang chờ lệnh dẫn độ tới Mỹ để xét xử. Mỹ coi trường hợp này là chứng cứ cho thấy Huawei có quan hệ bí mật với Chính phủ Trung Quốc.
Mỹ cũng xem người sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi, như một bằng chứng cho thấy công ty này không đáng tin. Ông Nhậm từng là quan chức thuộc Quân đội giải phóng nhân dân, có lẽ là làm trong lĩnh vực an ninh. Mỹ cũng ngờ rằng Huawei, với tư cách một công ty “chủ lực quốc gia”, không thực sự độc lập khỏi Chính phủ Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc mới đây đã thông qua một bộ luật An ninh Quốc gia trong đó buộc cá nhân và các tổ chức trong nước hỗ trợ nhà nước đảm bảo an ninh quốc gia. Bộ luật này cũng được áp dụng cho Huawei.
Phía Trung Quốc còn cho rằng Mỹ đụng tới Huawei là do tin rằng công ty này đang làm việc cho Chính phủ Trung Quốc. Mỹ lo rằng Huawei có thể dễ dàng trở thành một nhân tố xấu trong tương lai bằng cách thay đổi phần mềm hay phần cứng của họ. Dù sao thì Mỹ vẫn coi Huawei như một chú “Ngựa chiến thành Troy” – một điển tích trong Hy Lạp cổ đại khi một đối tượng xấu cải trang thành một thứ gì đó tốt đẹp để được tiếp nhận, rồi sau đó hóa ra lại là kẻ xâm lược.
Huawei hiện đang chỉ trích Mỹ vì nước này xem họ như một mối đe dọa an ninh.
Mỹ hoàn toàn có lý do để lo ngại về an ninh mạng quốc gia. Nhiều chuyên gia coi Mỹ đang tụt hậu khá xa trong việc phát triển khả năng phòng thủ trước một cuộc chiến tranh mạng. Ông Barack Obama gần như không làm được gì để củng cố an ninh quốc gia trong suốt 8 năm làm Tổng thống, và ông Trump cũng vậy. Thế nên Mỹ rất dễ bị tổn thương.
|
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng phát trong bối cảnh hàng loạt các vấn đề lớn hơn xuất hiện. Huawei trở thành một con tốt thí trong cuộc chiến đó.
Trung Quốc coi những hành động nhằm vào Huawei như cách mà Mỹ nhằm vào Trung Quốc để buộc họ nhượng bộ trong thương mại. Trói buộc Huawei được xem như một lời tuyên bố mạnh mẽ về sức mạnh kinh tế của nước Mỹ. Nhưng tại thời điểm viết những dòng này, vẫn chưa rõ Huawei là một “con bài ngã giá” trong thương mại hay còn là cái gì lớn hơn thế trong chiến lược “nước Mỹ trên hết” mà ông Trump khởi xướng.
|
(ảnh The Verge)
|
Nhưng bất chấp ý định của Mỹ, Trung Quốc vẫn xem vụ việc của Huawei như một vấn đề lớn trong thương mại. Mới đây, nước này đã tung ra lời đe dọa Mỹ khi tuyên bố sẽ ngừng xuất khẩu kim loại đất hiếm sang Mỹ. Kim loại đất hiếm được sử dụng trong các sản phẩm công nghệ - từ máy tính, máy X-quang, pin cho tới camera v.v. Các nhà sản xuất Mỹ tiêu thụ tới 90% lượng đất hiếm từ các nguồn mà Trung Quốc kiểm soát.
Mỹ đã điều tàu chiến đi vào quần đảo Trường Sa trên Biển Đông nhằm thách thức Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép ở đó. Mỹ cũng cử nhiều chiến hạm tới eo biển Đài Loan, nằm giữa Đại lục và Đài Loan. Ngoài ra, Mỹ và Philippines cũng tổ chức một cuộc tập trận chung. Những hành động này có thể -- và cũng có thể không -- khiến Trung Quốc lung lay trong đàm phán thương mại, nhưng chúng phản ánh những vấn đề lớn hơn trong cuộc đối đầu tranh giành bá quyền giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mỹ cũng đang nỗ lực hoàn tất các thỏa thuận thương mại song phương với Nhật Bản, giúp giảm nhẹ tầm ảnh hưởng của các đòn áp thuế mà Trung Quốc áp đặt với Mỹ trong cuộc chiến thương mại.
Cuộc chiến thương mại này cũng đầy rẫy những điều trớ trêu. Nhiều người quên rằng trước năm năm 1971, thời điểm Tổng thống Richard Nixon bắt đầu giao thương với Trung Quốc, Mỹ vẫn áp đặt cấm vận kinh tế Trung Quốc. Giới hoạch định chính sách Mỹ, những người từng ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), giờ lại cho rằng tư cách thành viên WTO của Trung Quốc là quyết định thương mại tồi tệ nhất mà các đời Tổng thống Mỹ từng đưa ra. Trung Quốc cũng cảm thấy như vậy về Mỹ.
|
Theo Jim Cramer thuộc đài CNBC, mối quan hệ Mỹ-Trung đang dần hướng tới hoặc có nhiều triệu chứng của một cuộc Chiến tranh Lạnh 2.0. Nếu nó xảy ra như cuộc Chiến tranh Lạnh gần nhất, nhiều quốc gia sẽ bắt đầu chia bè kết phái. Trung Quốc và Mỹ sẽ thử thách lẫn nhau cả về mặt quân sự (có lẽ thông qua chiến tranh ủy nhiệm) và mặt kinh tế, đầu tiên là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sau là toàn cầu. Trung Quốc vốn đã tham gia khá sâu vào cuộc nội chiến ở Venezuela, đối đầu với Mỹ. Thêm vào đó, Chính sách Vành đai và con đường của Trung Quốc đang liên kết các đầu mối thương mại trải dài từ Trung Quốc tới châu Âu, châu Phi và Trung Đông – đó sẽ là một phương tiện mà họ dùng để đối phó Mỹ.
Cuộc Chiến tranh Lạnh gần nhất diễn ra trong khoảng từ 1947 đến 1991.
Dù cho người ta có suy nghĩ gì về ông Trump, thì ngay cả những người chỉ trích ông kịch liệt nhất – như Thomas Friedman (Tác giả cuốn “Thế giới phẳng”) – cũng đã thừa nhận rằng ông Trump, không giống như George W. Bush và Barack Obama, đã khiến Trung Quốc chú ý.
Thế nhưng Mỹ đang công kích Trung Quốc với đôi tay bị trói sau lưng.
Nước Mỹ dưới thời Bush và Obama đã cố gắng nhưng bất thành trong việc tách mình khỏi các cuộc xung đột Trung Đông vốn đã khiến họ mất tập trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương – khu vực giờ đóng vai trò quan trọng hơn. Ông Trump cũng không phải ngoại lệ. Trong lúc tôi đang thực hiện bài viết này, Mỹ và Iran dường như đang bên miệng hố chiến tranh; Israel và những bên thù địch của họ đang khuấy động tình trạng căng thẳng; Arab Saudi và các đồng minh của họ đang thực hiện một cuộc chiến ở Yemen; Syria đang dần sử dụng lại vũ khí hóa học; Thổ Nhĩ Kỳ đang sụp đổ dưới ách độc tài; Triều Tiên đang thử nghiệm tên lửa; Nga và Trung Quốc đang ủng hộ Chính phủ Venezuela; quan hệ với Cuba đang căng thẳng; và làn sóng nhập cư bất hợp pháp đang xâm lược nước Mỹ.
Trong lúc ông Trump và chính quyền của ông đang quanh quẩn với vấn đề Trung Quốc và “các điểm nóng” khác, Quốc hội đã quyết định ngăn chặn mọi nỗ lực của ông Trump trong các vấn đề đối ngoại (và cả trong nước). Quốc hội còn có kế hoạch khiến ông Trump không thể cầm quyền bằng cách tung ra hàng loạt các cuộc điều tra, điều trần, các vụ kiện nhằm khiến ông không thể tái đắc cử trong năm 2020. Cùng lúc, CIA và FBI dường như cũng đang chống lại ông Trump, cố gắng khiến ông phải từ chức, chưa kể nhiều cơ quan khác công kích ông Trump bằng cách làm rò rỉ thông tin cho báo chí, tung tin giả và bóp méo thông tin.
Có một câu nổi tiếng trong văn chương cổ điển: “Hoàng đế Nero chỉ biết đứng nhìn khi Rome bị thiêu rụi”. Có nghĩa rằng Rome bị thiêu rụi mà không ai thèm làm gì cả.
Duy Khánh (chuyển ngữ)