Chiều 29/08, sau khi công bố Cáo trạng, phiên Tòa sơ thẩm "đại án" Ocean Bank - Hà Văn Thắm đã bước vào phần xét hỏi.
Khi được gọi lên xét hỏi, bị cáo Phạm Công Danh – Nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh, nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Xây Dựng (trước đây là Ngân hàng Đại Tín) – nói rằng ông rất biết ơn, rất cảm ơn Hội đồng Xét xử đã cho ông cơ hội trình bày quan hệ với ông Hà Văn Thắm, cũng như nhiều tình tiết khác mà ông chưa từng có cơ hội trình bày.
Ông Danh cho biết, quen ông Thắm thông qua mối quan hệ giao dịch nhiều năm giữa Tập đoàn Thiên Thanh và Ngân hàng Ocean Bank.
Thời gian đó, ông Danh và một số cá nhân là cổ đông có kiến nghị Bộ Xây Dựng thành lập Ngân hàng Xây dựng để phục vụ chuyên ngành. Bộ Xây dựng đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho thành lập Ngân hàng Xây dựng nhưng không được chấp thuận, do chủ trương không mở mới các ngân hàng mà chỉ cơ cấu lại các ngân hàng cũ.
“Nhận được thông tin này, anh Thắm là người trực tiếp nói với tôi, có một số ngân hàng kém cần cơ cấu lại, trong đó có Ngân hàng Đại Tín. Anh Thắm có nói, ngân hàng này có tổng dư nợ rất thấp, thực hiện cơ cấu được”, ông Danh nói
Bị cáo này cho biết mình nhận lời với ông Thắm tìm hiểu về ngân hàng này. Tuy nhiên khẳng định, đến lúc đó, thông tin cụ thể về Đại Tín ra sao thì ông Thắm không cho biết.
Ông Danh khai rằng, ông Thắm nói chỉ nếu muốn lấy ngân hàng Đại Tín thì bảo nhưng đề nghị bí mật.
Sau đó, Hà Văn Thắm giới thiệu ông Danh xem xét và tham gia tiếp quản Ngân hàng Đại Tín với giá là 800 tỷ đồng. Ông đã Danh chuyển trước cho ông Thắm 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi này, ông Thắm mới nói là muốn tiếp quản Ngân hàng Đại Tín phải trao đổi với bà Hứa Thị Phấn.
Theo sự sắp xếp của ông Thắm, ông Danh, bà Phấn cùng ông Thắm có gặp nhau tại một khách sạn trên đường Nguyễn Văn Trỗi.
Theo ông Danh, khi gặp lần đầu bà Phấn không muốn bán Ngân hàng Đại Tín cho ông, vì ông không có kinh nghiệm, quan hệ gì trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, sau này không rõ ông Thắm có nói gì với bà Phấn không nhưng bà Phấn đồng ý bán.
Liên quan đến nội dung này, khi được gọi lên xét hỏi, ông Hà Văn Thắm cho biết cuộc gặp 3 bên này diễn ra vào tháng 4/2011. Ông Thắm cũng xác nhận lời ông Danh là tại cuộc gặp đó, ông Thắm hứa sẽ hỗ trợ Ngân hàng Đại Tín tái cơ cấu nhưng phải trên nguyên tắc đúng quy định của pháp luật.
Ông Thắm khẳng định bản thân chỉ giới thiệu ông Danh và bà Phấn, để hai người trực tiếp thỏa thuận với nhau về việc mua bán Ngân hàng Đại Tín, chứ không phải là ông Thắm và Ocean Bank mua Ngân hàng Đại Tín rồi bán lại cho ông Danh. “Tôi bảo Ngân hàng Đại Tín nợ xấu nhiều quá, Ocean Bank không kham nổi”, ông Thắm nói.
Trong khi đó, theo nội dung Cáo trạng: “Đầu năm 2012, NHNN có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các NH TMCP yếu kém, do muốn thâu tóm một số NH TMCP về NH Đại Dương, nên Hà Văn Thắm đến gặp bà Hứa Thị Phấn là cổ đông lớn, đại diện nhóm cổ đông của NH TMCP Đại Tín đặt vấn đề chuyển giao lại Ngân hàng Đại Tín cho Thắm.
Ngày 23/02/2012, bà Hứa Thị Phấn giao cho cháu là Ngô Kim Huệ, Thành viên HĐQT, Phó TGĐ Ngân hàng Đại Tín đại diện cho nhóm cổ đông của bà Phấn ký Hợp đồng kinh tế với Hà Văn Thắm để bán 254.751.970 cổ phần (tương đương 84,92% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín) với tổng giá trị theo hợp đồng là 4.468.349.554 đồng, kèm theo việc kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ và quyền được sở hữu tài sản bảo đảm từ các khoản vay khoảng 3.553 tỷ đồng, khoản đầu tư khoảng 920 tỷ đồng và một số nghĩa vụ khác của bà Phấn tại Ngân hàng TMCP Đại Tín.
Sau khi cho người vào điều hành, tiếp quản Ngân hàng Đại Tín phát hiện có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi, cũng như nhiều mối quan hệ phức tạp giữa bà Phấn và các nhóm khách hàng này nên Hà Văn Thắm thỏa thuận chuyển nhượng lại NH Đại Tín cho Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Tập đoàn Thiên Thanh. Ngày 09/10/2012, Hứa Thị Phấn ký lại Hợp đồng với Phạm Công Danh, nội dung chuyển nhượng 252.110.151 cổ phần NH Đại Tín cho Danh, với tổng giá trị là 4.619.601 triệu đồng. Sau khi tiếp quản Ngân hàng Đại Tín, Phạm Công Danh đã làm thủ tục đổi tên thành Ngân hàng Xây Dựng".
Dù không đến tòa, nhưng theo lời khai của bà Hứa Thị Phấn với cơ quan điều tra mà Tòa công bố công khai, bà Phấn ký hợp đồng bán cổ phần Ngân hàng Đại Tín cho Phạm Công Danh nhưng bản chất là ông Thắm bán cho ông Danh. Bởi trước khi bán cổ phần NH Đại Tín cho ông Danh, nhóm bà Phấn đã bán cho ông Thắm.
Cũng theo lời khai, bà Phấn cho biết việc bà bán cổ phần NH Đại Tín cho ông Thắm thực ra là do bị ông Thắm và một đại diện cơ quan thanh tra giám sát của NHNN – người đã vào thanh tra NH Đại Tín trước đó – dọa. Bà Phấn sợ trách nhiệm pháp lý về những sai phạm tại NH Đại Tín nên sau nhiều lần bị dọa đã đồng ý chuyển nhượng cổ phần NH Đại Tín cho ông Thắm.
Khai tại Tòa, bị cáo Hà Văn Thắm cho biết, vì ông Thắm là người hiểu hoạt động Ngân hàng nên bà Phấn nhiều lần tham khảo ý kiến ông. Ông Thắm thừa nhận là khi trao đổi với bà Phấn, ông Thắm có phân tích với bà Phấn là tình hình NH Đại Tín rất xấu, có thể bà Phấn nghĩ đó là ông Thắm dọa.
“Bị cáo phân tích đúng sự thật nhưng bà Phấn nghĩ đó là lời đe dọa thì bị cáo không có ý kiến gì”, ông Thắm khai.
Bị cáo này này cũng cho biết, khi ký hợp đồng mua bán cổ phần NH Đại Tín với nhóm bà Phấn thì đó chỉ là hợp đồng ghi nhớ, có một chữ ký, chưa nhận được sự chấp thuận của NHNN nên không có giá trị.
Tòa sẽ tiếp tục làm việc và làm rõ các nội dung./.