HSBC: Lãi suất nhiều khả năng giữ nguyên đến đầu năm 2017

HSBC vừa công bố báo cáo nghiên cứu tình hình kinh tế vĩ mô và triển vọng thị trường Việt Nam. Theo đó, dù áp lực lạm phát đang tăng, nhưng vẫn nằm trong vòng kiểm soát. “Chúng tôi kỳ vọng lãi suất cơ bản vẫn giữ nguyên đến hết nửa đầu năm 2017”, một chuyên gia của HSBC nhận định.

Lạm phát tăng

Lạm phát đang tăng, nhưng áp lực giá cả vẫn nằm trong vòng kiểm soát. Trong khi đó, những động thái trong tháng 4 cho thấy áp lực giảm phát do việc giá hàng hóa suy giảm đang dần tan biến. Đáng chú ý nhất là trong báo cáo PMI tháng 4, chỉ số phụ chi phí đầu vào đã nhảy lên mức 3,9 điểm, cao nhất từ tháng 8.2014 đến nay.

“Chúng tôi không nghĩ rằng chỉ số này sẽ tiếp tục tăng một cách bền vững - giá dầu, mặc dù xuất hiện dấu hiệu thoát đáy nhưng vẫn khả quan. Nhìn chung, lạm phát vẫn nằm trong vòng kiểm soát. Lạm phát toàn phần tăng lên 1,9% so với cùng kỳ trong tháng 4, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ sáu liên tiếp. Tuy nhiên sự gia tăng liên tục có được chủ yếu là do lạm phát lương thực, gây ra bởi sự gián đoạn nguồn cung cấp liên quan đến hiện tượng El Nino, vấn đề chung của toàn khu vực. Trong khi đó, lạm phát cơ bản tăng 0,2 điểm, đạt 1,8%. Chúng tôi cho rằng NHNN sẽ giữ lãi suất OMO không đổi đến hết nửa đầu năm 2017”, các chuyên gia HSBC nhận định.

Chỉ số PMI tăng vọt

Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI tháng 4 là minh chứng cho khả năng cạnh tranh của nền sản xuất Việt Nam. Giữa bức tranh đáng thất vọng của toàn khu vực, chỉ số PMI của Việt Nam vào tháng 4 do Nikkei cung cấp đạt mức cao nhất trong 9 tháng qua.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam do Nikkei cung cấp đã nhảy vọt từ 50,7 điểm trong tháng 3 lên 52,3 điểm ở tháng 4, đạt mức cao nhất trong chín tháng vừa qua. Mặc dù tăng trưởng khu vực sản xuất của Việt Nam tương đối ảm đạm trong quý I/2016 với sản lượng đầu ra để tính GDP giảm 0,1% so với cùng quý, tính cả yếu tố thay đổi theo mùa vụ, so với ước tính của chúng tôi trước đó, đánh dấu sự xuống dốc đầu tiên tính từ tháng 3.2012. Nhưng chỉ số PMI tăng cao trong tháng 4 cho thấy dấu hiệu hồi phục trong quý II/2016.

Các chuyên gia HSBC tin rằng sản lượng sản xuất sẽ vẫn tiếp tục tăng trong những tháng kế tiếp. Chỉ số hàng đầu - lượng đơn hàng mới trừ đi hàng tồn kho - giảm nhẹ trong tháng 4 nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Các nhà sản xuất cũng đang tuyển dụng nhiều nhân viên hơn (chỉ số việc làm đạt mức cao nhất trong 11 tháng vừa qua), cho thấy triển vọng kinh doanh vẫn tươi sáng. Sự hồi phục của ngành sản xuất Việt Nam không hoàn toàn phản ánh nhu cầu toàn cầu đang tăng trưởng mạnh mẽ nhưng vẫn có thể thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Trong năm 2015, lượng FDI được giải ngân đạt mức cao kỷ lục 14,5 tỉ USD nhờ nguồn đầu tư mạnh từ Hàn Quốc và Malaysia. Hàn Quốc vẫn tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong năm 2016 với nguồn vốn FDI đăng ký từ đầu năm đến nay (tháng 4.2016) đạt 2,5 tỉ USD (tương đương hơn 90% tổng số vốn FDI Hàn Quốc đăng ký cho cả năm vừa rồi). Tổng số vốn FDI giải ngân tính đến tháng 3.2016 tăng 3,5 tỉ USD, đánh dấu mức tăng trưởng 15% từ đầu năm đến nay so với cùng kỳ năm trước. Với nhiều nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động, sản lượng sản xuất tiếp tục tăng mặc dù nhu cầu bên ngoài còn khá trì trệ, giúp khu vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục phát triển vượt mặt các quốc gia láng giềng.

Theo Lao Động