Theo báo cáo về triển vọng kinh tế Việt Nam được ngân hàng HSBC Việt Nam công bố hôm 03/03, hoạt động kinh tế phục hồi của Việt Nam đang khiến áp lực lạm phát tăng cao hơn. Chỉ số CPI toàn phần đã tăng 0,5 điểm phần trăm trong tháng 2, từ mức 0,8% trong tháng 1 lên 1,3%.
Dù giá năng lượng tiếp tục giảm (nhóm phương tiện vận tải giảm 7,2% so với cùng kỳ trong tháng 2), nhưng giá lương thực lại tăng nhanh (tăng 2,4% so với cùng kỳ, trong khi mức trung bình của 3 tháng trước là 0,9%).
HSBC cho rằng lạm phát trong tháng 3 sẽ không tăng nhanh như tháng 2 do giá cả ổn định trở lại và do các yếu tố cấu thành trong rổ chỉ số CPI đã được thiết lập lại từ tháng 1/2016, theo đó tỷ trọng của nhóm thực phẩm trong rổ CPI đã giảm xuống.
Tuy nhiên, giá thực phẩm được cho là sẽ vẫn trên đà tăng do nhu cầu nội địa mạnh hơn và do những áp lực cho nhà cung cấp do tình trạng El-Nino gây ra hạn hán ở miền Trung và miền Nam.
Trong khi đó, lạm phát cơ bản vẫn tiếp tục đi lên, tăng từ 1,7% tháng 1 lên 1,9% trong tháng 2.
HSBC dự đoán lạm phát toàn phần sẽ tăng từ 0,6% trong quý 4/2015 để trở lại mức 3,3% so với cùng kỳ vào cuối quý 2/2016 và tăng mạnh lên mức 5,2% vào cuối năm, đạt mức trần mục tiêu của Chính phủ đề ra.
Trên cơ sở đó, Khối Nghiên cứu của HSBC nhận định có khả năng NHNN sẽ chuyển sang áp dụng các biện pháp thắt chặt trong nửa cuối năm nay.
NHNN cũng có thể sẽ áp dụng những chính sách hành chính để thắt chặt hoạt động cho vay, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Thị trường cũng sẽ có diễn biến tương tự như dự báo của HSBC là lãi suất trên thị trường mở (OMO) tăng 0,5 điểm phần trăm trong quý 3/2016.
Cụ thể, Khối Nghiên cứu của HSBC kỳ vọng NHNN sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng nếu như hoạt động cho vay bắt đầu vượt mức 18-20% mà NHNN đề ra cho năm nay.
Hiện NHNN đang cân nhắc những chính sách hành chính nhằm thắt chặt tín dụng cho lĩnh vực bất động sản. Lĩnh vực này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đẩy lạm phát tăng cao (cho vay lĩnh vực này năm ngoái đã tăng 18%, đạt mức 360.000 tỉ đồng trong khi tốc độ tăng trưởng trung bình từ năm 2012 đến năm 2014 chỉ ở mức 14-15%).
Theo dự thảo Thông tư 36 sửa đổi, có hai nội dung đáng chú ý liên quan đến cho vay bất động sản. Thứ nhất là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa 40%, thay vì mức 60% hiện hành.
Việc điều chỉnh này có thể làm giảm tổng mức cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (vốn chủ yếu là cho vay trung dài hạn). Nội dung thứ hai là thay đổi hệ số rủi ro của “Các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản” từ 150% lên 250%.
Nếu được thông qua và có hiệu lực trong năm 2016, những quy định này có thể giúp ngăn chặn việc hình thành những rủi ro tín dụng mới, báo cáo của HSBC nhận định./.
Xuân Thắng