Ngày 22/12, Việt Nam và Campuchia vừa tổ chức lễ trao đổi Văn kiện phê chuẩn “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia (Hiệp ước bổ sung năm 2019)" và “Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” (Nghị định thư phân giới cắm mốc) cùng ký ngày 05/10/2019.
Với việc hoàn tất trao đổi Văn kiện phê chuẩn, hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc (khoảng 85%) biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia nêu trên đã chính thức có hiệu lực từ ngày 22/12/2020 và đi vào đời sống chính trị của hai nước.
Hiệp ước bổ sung năm 2019 và Nghị định thư phân giới cắm mốc có hiệu lực là một thắng lợi to lớn của hai nước, có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong tiến trình hơn 36 năm giải quyết biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, góp phần củng cố và nâng quan hệ Việt Nam - Campuchia lên tầm cao mới, thể hiện phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận.
Buổi lễ được tổ chức theo hình thức trực tuyến,dưới sự đồng chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn.
Theo tìm hiểu của VietTimes, phần biên giới trên đất liền của Việt Nam - Campuchia dài 1137km. Ngoài ra, Việt Nam và Campuchia còn có biên giới trên biển. Tổng độ dài đường biên giới (cả trên đất liền và trên biển) của Việt Nam - Campuchia khoảng 1270 km.
Đường biên giới trên đất liền kéo dài từ điểm cực Bắc là cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, đến điểm cực Nam là điểm bờ biển vịnh Thái Lan ở Xà Xía, Hà Tiên tỉnh Kiên Giang Việt Nam.
Đường biên giới trên đất liền chạy qua 10 tỉnh của Việt Nam là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang.