Hơn 94% bệnh viện thanh toán viện phí online: Tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho người bệnh

Nữ bệnh nhân Thuý Nga (Hà Nội) cho biết, khi vào bệnh viện khám và điều trị, các thủ tục thanh toán được thực hiện bằng một thao tác online trên điện thoại. Nhờ đó, chị Nga rút ngắn được thời gian khám chữa bệnh.

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt là một nội dung quan trọng trong nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Y tế tại Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia.

Tác động của nó không chỉ giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại cho người dân, mà còn tăng tính minh bạch trong quản lý ở bệnh viện.

Tiện lợi và minh bạch

Là đơn vị có tốc độ chuyển đổi số nhanh và mạnh, việc thanh toán không tiền mặt ở BV Đại học Y Hà Nội được triển khai từ tháng 1/2020.

Chị Thuý Nga (Hà Nội) cho biết, chị vào Khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y lúc 18h tối, nhưng viện phí tạm ứng bằng online, nên thủ tục rất nhanh. Ngày ra viện, chị chỉ việc nằm tại phòng, nhân viên BV làm thủ tục thanh toán, xong thì báo để chị ra viện, chị không phải xếp hàng để tự thanh toán.

Khi tái khám, chị cũng thanh toán online từng kỹ thuật ngay tại phòng bệnh: Có kết quả siêu âm, bệnh nhân mới tiếp tục nộp tiền để cắt chỉ, không phải nộp cả gói và không phải đi đâu. Tất cả thủ tục thanh toán chỉ bằng một thao tác online trên điện thoại. Nhờ đó, chị Nga rút ngắn được thời gian khám chữa bệnh, không phải chờ đợi xếp hàng, kéo dài thời gian khám bệnh sang buổi khác hoặc ngày khác gây tốn kém chi phí đi lại, chưa kể thủ tục cũng minh bạch.

Thanh toán không dùng tiền mặt ở BV Việt Đức

Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Đức Giang (Hà Nội) cũng là một trong số ít BV tiên phong triển khai thanh toán viện phí không tiền mặt từ trước dịch COVID-19, nên đã xây dựng được quy trình số hoá việc thanh toán còn 13 bước, giảm 11 bước so với quy trình thanh toán offline.

Ông Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BVĐK Đức Giang - cho biết: Hiện, hơn 80% bệnh nhân nội trú tạm ứng online, khoảng 90% bệnh nhân thanh toán online khi ra viện. Tổng số tiền thu online đạt khoảng 70% số tiền cần thu. Số giao dịch online chiếm gần 40% tổng số giao dịch tài chính trong BV. Thanh toán không dùng tiền mặt giúp giảm thiểu các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian cho người bệnh.

Với việc thanh toán online, khu vực thanh toán viện phí trước đây luôn có gần 400 người chờ đợi đã được giải phóng cùng với cắt giảm gần chục nhân viên.

Ở BV Việt Đức, việc thanh toán viện phí cũng triển khai đến tận giường bệnh, người bệnh không phải xếp hàng đợi thanh toán nữa. Khi bệnh nhân ra viện, khoa thống kê chi phí, nếu phần tạm ứng lúc vào viện thiếu thì bệnh nhân nộp thêm tiền bằng hình thức online, nếu thừa thì BV sẽ hoàn tiền vào tài khoản bệnh nhân trong vòng 72 giờ.

Theo ông Dương Đức Hùng - Giám đốc BV Việt Đức - chỉ trong tháng đầu triển khai, đã có gần 70% bệnh nhân ở BV thanh toán không dùng tiền mặt và dự kiến đến hết năm 2024, con số này sẽ đạt 90%.

Trên 94% bệnh viện thanh toán viện phí online

Việc thanh toán viện phí không tiền mặt có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của các BV, cũng như tạo thuận lợi cho bệnh nhân là điều không thể phủ nhận.

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt ở BVĐK Đức Giang triển khai rất sớm để phục vụ chống dịch COVID-19

Trao đổi với VietTimes, lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế cho biết: Cục vừa tiến hành khảo sát việc thanh toán viện phí trên toàn quốc và kết quả từ 1.002 BV y cho thấy: Có 94.41% BV chấp nhận thanh toán kết hợp giữa tiền mặt và các hình thức không tiền mặt; 0.4% BV hoàn toàn thanh toán không dùng tiền mặt; chỉ 5.19% BV vẫn duy trì thanh toán bằng tiền mặt.

Tỷ lệ trung bình số tiền viện phí được thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 26.83%, với tổng số tiền thanh toán không dùng tiền mặt trung bình đạt 7.08 tỷ đồng/tháng.

Đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết thêm: Trong các hình thức không dùng tiền mặt, 89.52% BV áp dụng thanh toán qua mã QR, 87.13% cho phép chuyển khoản, và 36.23% sử dụng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ. Chỉ có 6 BV thí điểm thanh toán qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG), nhưng không triển khai được, cho thấy khả năng áp dụng thanh toán qua Cổng này rất hạn chế.

Tổ Công tác triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử đánh giá Bộ Y tế còn thủ tục thanh toán viện phí không tiền mặt chậm tích hợp trên Cổng DVCQG. Song, kết quả khảo sát cho thấy, đa số các BV (chiếm 85.03%) cho rằng nên duy trì các hình thức thanh toán khác bên cạnh Cổng DVCQG, trong khi chỉ có 2.19% ủng hộ việc chỉ thanh toán qua Cổng DVCQG.

Lý do là việc thanh toán trên Cổng DVCQG hiện còn phức tạp với người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng cao, vùng dân tộc ít người vv…

Cũng vì thế, có tới 41.22% BV chưa sẵn sàng do thiếu hạ tầng và thiết bị cần thiết, chỉ có 6.29% BV cho biết sẵn sàng áp dụng ngay và 44.51% cho hay cố gắng sẽ thực hiện được.

Đề xuất các BV lớn mới thanh toán qua Cổng DVCQG

Trước tình hình trên, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về thanh toán viện phí không tiền mặt, đồng thời, tiếp tục triển khai thí điểm thanh toán trực tuyến chi phí khám, chữa bệnh trên Cổng DVCQG tại một số BV tuyến trung ương và BV trực thuộc các trường đại học lớn đã có kinh nghiệm triển khai bệnh án điện tử và điều kiện hạ tầng, kỹ thuật tốt.

Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) tiên phong trong triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đến tận phòng bệnh

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng đề nghị đánh giá kết quả thí điểm, tính an toàn, bảo mật dữ liệu cá nhân và thông tin giao dịch của người bệnh, tránh các nguy cơ gây lộ thông tin cá nhân.

Trước thực trạng triển khai ở các BV, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề xuất xem xét chỉnh sửa nhiệm vụ “thực hiện thanh toán trực tuyến chi phí khám, chữa bệnh trên Cổng DVCQG” bằng nhiệm vụ “thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt dưới nhiều hình thức, khuyến khích nhưng không bắt buộc phải thực hiện trên Cổng DVCQG”.